Giải mã bí ẩn “thần đá” báo oán mỗi khi bị dịch chuyển

Thứ hai, ngày 14/04/2014 19:01 PM (GMT+7)
Phiến đá Cả ở thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội được người dân gọi là “đá thần”. Tại đây rộ lên câu chuyện đồn về “đá thần” sẽ báo oán nếu ai lỡ tay dịch chuyển phiến đá này.
Bình luận 0

Câu chuyện lập tức được bàn tán và cứ thế theo cách của người kể chuyện, mỗi lần kể lại có nhiều tình tiết thêu dệt theo kiểu “thêm mắm, thêm muối”. Vậy thực hư của câu chuyện quanh phiến đá này là như thế nào?

Truyền thuyết “bao vây” phiến đá lạ

Phiến đá nằm ngay ngắn, vuông vức bên đường thôn Tiến Tiên, dưới tán cây lộc vừng xanh tươi tỏa bóng mát. Chiều rộng phiến đá khoảng 80cm, chiều dài 120cm, dày 50cm. Phía dưới phiến đá có 5 vết lõm nhỏ được người dân cho rằng đó là vết bàn tay của “thần Sơn Tinh”.

Phiến đá “ngự” ở nơi này từ bao giờ thì không ai biết rõ. Ngay cả những cụ cao niên nhất trong làng cũng chẳng thể xác định được. Theo cụ Hồ văn Chuyên (84 tuổi) thì khi cụ còn là một cậu bé đã thấy phiến đá Cả này.

 

img

“Năm tôi còn nhỏ, khoảng 7 – 8 tuổi thường đi chơi cùng đám bạn khắp làng. Khi đến cạnh cây lộc vừng chơi bắn bi, bịt mắt bắt dê thì đã thấy phiến đá cả nằm ở cạnh đó rồi. Theo năm tháng, phiến đá cạnh cây lộc vừng là nơi hóng mát, che nắng che mưa cho cả dân làng thôn Tiến Tiên” – Cụ Hồ Văn Chuyên cho biết.

 

Hồi đó, cụ Chuyên đã được các cụ già khác trong làng kể cho nghe câu chuyện về đá gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Chuyện rằng, phiến đá Cả ở thôn Tiến Tiên là hòn đá cuối cùng Sơn Tinh cầm định ném đánh Thủy Tinh. Dấu tích còn lưu lại là dấu ngón tay của Sơn Tinh hằn trên phiến đá. Theo quan sát của chúng tôi, trên bề mặt của phiến đá có những chỗ lõm xuống đều nhau, giống như dấu vết của ngón tay cầm.

Mặc dù đó chỉ là truyền thuyết nhưng dân làng cũng có tâm lý “ngại” phiến đá. Ông Nguyễn Văn Tư (55 tuổi) nhà gần phiến đá cho biết: Hằng ngày nếu rảnh công việc, ông thường hay túc trực để hễ thấy người lạ đến làng thì nhắc nhở họ tránh va quệt, làm xê dịch phiến đá. Theo ông Tư nói: “Cứ lần nào phiến đá bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu, dù chỉ là một chút là ở làng có “động”, lục đục sinh chuyện liền”.

Năm 1986, đường sá trong làng được làm mới, rất nhiều công nhân và máy móc được huy động về dựng lều trại ăn ngủ tại chỗ. Thấy phiến đá bằng phẳng lại to nên công nhân tập hợp gồm 20 người khiêng phiến đá xuống bến sông để kê làm chỗ đứng, giặt giũ quần áo. Kê xong vài hôm sau, rất nhiều công nhân bất ngờ bị ốm.

Nghe người làng kể chuyện, chủ thầu xây dựng lập tức huy động công nhân khiêng phiến đá trở về vị trí cũ, đồng thời sửa lễ “tạ lỗi”. Bất ngờ ngày hôm sau những công nhân bỗng dưng khỏe mạnh bình thường.

 

img
Phiến đá có hình những vết lõm.
Người dân quanh vùng làng trên xóm dưới vẫn truyền miệng nhau những câu chuyện kỳ bí về phiến đá thiêng. Nỗi sợ hãi xen lẫn suy diễn kỳ quái khiến người yếu bóng vía không đủ can đảm để đi qua khu vực của phiến đá "ngự" vào đêm tối, còn ban ngày đi qua phải ngả nón cúi chào vì sợ... gặp tai họạ.

Ông Nguyễn Trọng Tuyến – xã Tân Tiến chia sẻ: “Cách đây mấy năm, có một đám thanh nên làng bên sau khi đi uống rượu ở tiệc cưới về qua phiến đá làng Tiến Tiên, “chân nam đá chân chiêu” vô tình dẫm vào phiến đá. Rượu vào nổi hứng mấy “bợm nhậu” hò nhau xê dịch phiến đá ra xa hơn 10cm.

Lập tức mấy hôm sau, nhóm thanh niên trai tráng đó điên điên khùng khùng đi khắp làng nói năng huyên thuyên. Gia đình các thanh niên tất tưởi đi xem thầy bói và được phán do bị các “ngài” hành, phải đem lễ vật đến “thần đá” tạ tội. Nghĩ cũng phải đạo, các gia đình sắm sửa lễ vật đến bên phiến đá xin “thần đá” tha lỗi cho con cháu...”.

Một câu chuyện khác vào năm 2008. Khi ấy mưa to ngập lụt khắp nơi. Đến khi nước rút dân làng phát hiện phiến đá bị dịch chuyển, bẩn thỉu bùn đất. Ngay sau đó cả làng xảy ra dịch đau mắt. Người mê tín cho rằng “thần đá” ấm ức vì phải chịu bẩn ô uế thời gian quá lâu mà người dân không để ý, lại còn bị dịch chuyển nên bây giờ cả làng bị “ngài” phạt.

Không ai phải bảo ai, thế là dân làng tự động ra vệ sinh sạch sẽ cho “thần đá”, dịch chuyển "ngài" về vị trí cũ cho ngay ngắn. Không lâu sau đó thì cả làng hết dịch đau mắt. Đương nhiên dân làng khỏi bệnh là do thuốc, chứ không phải do đá, thế nhưng một số người mê tín vẫn tin các bậc bề trên ứng nghiệm.

Sự thật và những lời đồn đại huyễn hoặc

Chính vì cái sự mê tín và những câu chuyện mang màu sắc liêu trai quanh phiến đá Cả đó, mà cụ Nguyễn Công Nghĩa (72 tuổi) từng bị cả làng bắt vạ do di chuyển phiến đá. Cụ bảo: “Đó là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên, vậy mà tôi phải “đền cả làng”.

Trước đây việc qua lại giao lưu thông thương buôn bán với các xã bạn gặp rất nhiều khó khăn, phải đi bằng đò qua sông. Để việc đi lại được thuận tiện, cuối năm 2003, một cây cầu được xây dựng, người dân vô cùng phấn khởi. Cuối năm 2004, cây cầu gần hoàn thiện, chỉ cần chở đất lấp đầy hai bên chân cầu là người dân có thể đi lại.

Vì muốn góp một phần công sức cho công trình, cụ Nghĩa nhận thuê xe, thuê người chở đất đến đổ. Quãng đường xe ô tô di chuyển luôn phải đi qua đoạn có phiến đá nằm ven đường. Tuy nhiên đường nhỏ, lại phải tránh xe cộ đi lại rất nhiều nên nhiều lần ô tô phải chở đất áp sát phiến đá, khiến phiến đá xe dịch

Đúng vào thời điểm đó, trong làng xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn giao thông thương tâm. Thấy chuyện chẳng lành, người dân liền túm tụm lại quan sát và phát hiện nó bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu gần 30cm. Ngay lập tức những gia đình có tai nạn quả quyết chính vì phiến đá bị ô tô chở đất làm lệch vị trí, đổ hết lỗi cho cụ Nghĩa.?

Rồi theo lệ làng, cụ thuê mấy thanh niên to khỏe cường tráng kê lại phiến đá, tốn bạc triệu sắm sửa lễ vật đến “tạ lỗi”, phải đãi dân làng một trận liên hoan.

Và cũng chẳng biết từ khi nào, với những người mê tín, nhất là những người có máu mê cờ bạc, số đề đêm đêm lại cũng rủ nhau ra “thần đá” đèn nhang, hoa quả cúng vái nhằm mục đích… xin số để cầu may. Theo những người dân sống quanh “thần đá” cho biết do “thần đá” nằm bên dệ đường nên đêm đêm có gần chục người đến thắp nhang, đốt vàng mã khấn vái… Hiện nay tình trạng đó vẫn còn.

Ông Nguyễn Trọng Tuyến – Trưởng ban văn hóa xã Tân Tiến cho biết, phiến đá Cả được dân làng coi là vật quý của địa phương. Mới đây các cụ cao niên đề xuất xây dựng miếu thờ phiến đá để hương khói cho dân làng làm ăn thịnh vượng, buôn bán được hanh thông thuận lợi.

Ông Tuyến Giải thích, chuyện về hòn đá Cả chỉ là những lời kể truyền miệng trong nhân dân, không có căn cứ khoa học cụ thể.

"Người dân đồn hòn đá có dấu hình như bàn tay của thần Sơn Tinh, tôi nghĩ đó chỉ là vết khuyết của một viên đá bình thường. Cả những câu chuyện xảy ra không may trong làng cũng chỉ là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên. Như năm 2008, lũ lụt lớn, vấn đề vệ sinh không được đảm bảo dẫn đến dịch đau mắt cũng là lẽ đương nhiên.

Còn việc cụ Nghĩa bị cả làng “bắt vạ” là do cụ không muốn chịu áp lực dư luận nên tự nguyện “nộp phạt” để thanh thản chứ không ai dám ép buộc. Qua đây chúng tôi đề nghị người dân không nên quá mê tín mà đồn đoán những câu chuyện liêu trai liên quan đến phiến đá Cả này” - Ông Tuyến cho biết.

Phiến đá Cả xuất hiện từ thuở sơ khai mang ký ức và tình yêu của những di dân đối với làng quê đồng bằng bắc Bộ nơi đây. Chứng kiến thời cuộc thăng trầm trong chiến tranh loạn lạc, phiến đá vẫn còn nguyên vẹn như một biểu tượng sức sống kiên trung, một nét văn hóa lịch sử của người dân chiêm trũng Tiến Tiên.

(Theo Nhân đạo & Đời sống)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem