Giải mã Tây Du Ký (phần 2): Trư Bát Giới - Đầu thai thành lợn vì... chữ Tình

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 26/06/2019 18:32 PM (GMT+7)
Tương tự Đường Tăng, Bát Giới bị đày xuống trần gian theo hình thức đầu thai. Nhưng nếu như Kim Thiền Tử cả 10 kiếp đều được đầu thai vào thân phận và hình hài một con người thì Bát Giới lại có vẻ ngoài một con quái vật gớm ghiếc, "nửa lợn, nửa người".
Bình luận 0

Đường Tăng đầu thai thành người, sao Bát Giới cũng đầu thai, lại ra yêu tinh lợn?

Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung, nhiễu loạn Thủy Cung, sửa cả sổ sinh-tử của Diêm Vương (…), sau bị Như Lai Phật Tồ đày dưới núi Ngũ Hành Sơn hơn 500 năm. Sa Tăng làm vỡ chén lưu ly trong tiệc bàn đào, từ Quyện Liêm Đại Tướng, thành quái vật dưới sông Lưu Sa, cứ mỗi bảy ngày bị phạt chém 1 kiếm từ Thiên Đình.

Bạch Long Mã thì "Thái Tử con Long vương Ngao Thận ở biển Tây, bởi nổi lửa đốt trái châu trước đền, cha tôi giận tâu với vua Trời… Nên Thượng Ðế treo tôi giữa thinh không đánh ba trăm roi, và đợi ít ngày xử trảm” may được Quan Âm Bồ Tát xin với Ngọc Đế, thoát tội chết, dặn đợi ở khe núi chờ Đường Tăng đi qua, “hóa thành ngựa kim đỡ gót”.

img

Điều gì ẩn sâu dưới quyết định đầu thai thành yêu tinh lợn của Bát Giới?

Đường Tam Tạng, tiền kiếp là Kim Thiền Tử, đệ tử của Phật Tổ Như Lai, do ngủ gật trong giờ giảng kinh nên bị phạt đày xuống trần gian tu 10 kiếp và phải trải qua 81 kiếp nạn mới được trở lại Linh Sơn. Trong 9 kiếp đầu, Kim Thiền Tử có đi lấy kinh nhưng qua sông Lưu Sa lại bị Sa Tăng ăn thịt. Chuỗi vòng cổ của Sa Tăng được kết chính từ 9 đầu lâu của tiền kiếp Đường Tăng.

Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái, chỉ huy hơn 8 vạn thủy binh ở Thiên Đình. Do say rượu, chọc ghẹo Hằng Nga mà bị Ngọc Hoàng xử tội, giáng xuống hạ giới. Khác với Ngộ Không, Sa Tăng và Bạch Long Mã nhưng tương tự Đường Tăng, Bát Giới bị đày xuống trần gian theo hình thức đầu thai. Nhưng nếu như Kim Thiền Tử cả 10 kiếp đều được đầu thai vào thân phận và hình hài một con người thì Bát Giới lại có hình hài một con quái vật gớm ghiếc, "nửa lợn, nửa người".

Ở hồi thứ 8, khi Quan Âm Bồ Tát và Huệ Ngạn hạ trần tìm người đi Tây Trúc thỉnh kinh, gặp được Bát Giới. Chàng ta giới thiệu mình thế này: “Tôi không phải heo rừng… tôi là Thiên Bồng nguyên soái ở sông Ngân, bởi say rượu đi lạc vào cung Nguyệt mà chọc Hằng Nga, bị ông Linh Quan bắt giải về Thượng Ðế, Thượng Ðế bắt tội đánh tôi hai ngàn dùi, rồi đày xuống Trung Giai. Tôi đi đầu thai lạc đường nhằm heo rừng nái, mới ra thân thể như vậy. Tôi tức giận cắn heo nái chết tươi, và giết bầy heo rừng tuyệt tộc. Chiếm cứ hòn núi nầy, ăn thịt người đỡ đói, nay gặp Bồ Tát, xin cứu độ làm ơn”.

Đây là một chi tiết rất đáng lưu ý. Bởi hình hài quái vật nửa người nửa lợn của Bát Giới không phải là hình phạt đầu thai mà Thiên Đình quyết định dành cho chàng ta. Dù vô tình hay cố ý thì đó là hình thức đầu thai mà Bát Giới đã chọn. Tại sao vậy?

img

Năm thày trò Đường Tăng trên hành trình Tây Trúc Thỉnh Kinh.

Chọn hình thù gớm ghiếc để bảo toàn kí ức

Nếu đầu thai thành người Bát Giới chắc chắn sẽ quên hết kí ức và mất sạch những năng lực từng có của tiền kiếp. Đường Tăng chính là ví dụ cho hình thức đầu thai này. Để giữ được toàn bộ kí ức của mình và một phần năng lực của một Thiên Bồng Nguyên soái, Bát Giới chỉ có duy nhất 1 lựa chọn: trở thành quái vật xấu xí. Bát Giới quyết chí chọn đầu thai thành Quái, thành Yêu. Thế nên nếu không mang hình hài lợn thì chàng cũng sẽ “hóa thân” thành một loài nửa người nửa thú dị hợm, gớm ghiếc.

Ngay từ khi được “heo rừng nái” sinh ra, chàng ta đã cắn chết cả mẹ lẫn “anh em”. Họ Trư là nhân vật có tính cách phát triển rất phức tạp nhưng việc chàng cắn chết mẹ con heo rừng thì có chủ ý. Bát Giới muốn che giấu, ít nhất với người đời, về hình thức và thân phận đầu thai của mình. Chàng, trong hình hài một con lợn, vẫn giữ được toàn bộ kí ức của tiền kiếp, nên Thiên Bồng Nguyên soái đương nhiên có cái tự tôn của bản thân.

Sau đó, tuyệt nhiên không thấy họ Trư gây ra việc ác, trừ việc đói quá mà… ăn thịt người. Chàng cư xử rất biết trên dưới với Mão Nhị Thơ – vốn là một con Công thành tinh, coi như mẹ nuôi vậy: “Núi nầy gọi là núi Phước Lăng, có một cái động gọi là động Vân San, chủ động ấy gọi là Mão Nhị Thơ… vời tôi tới làm người trong nhà. Ở coi giúp việc gần một năm, bà ấy tới số gia tài về tôi, ở không ăn mãi núi lở non mòn, túng cùng phải ăn người cho qua bữa”.

Hãy chú ý, ngay từ hồi 8, họ Trư đã nhận lời để Quan Âm Bồ Tát “thế phát” mà “giải nghiệp đi tu” đặt tên thành Ngộ Năng “giữ theo phép Phật, phải ăn chay cử mặn và cử ngũ uẩn, đợi thầy thỉnh kinh đi tới”. Vậy mà sau đó, chàng ta lại cưới Cao Túy Lan, thành rể của nhà họ Cao. “Có người họ Trư ở núi Phước Lăng tới xin làm rể, coi cũng phải người quân tử, đáng bực anh hào, nên tôi mới gả con... Khi mới, ở ăn phải cách, đi đứng nên người. Đến sau khác mặt khác mày, dị hình dị tướng".

img

Để bảo toàn kí ức tiền kiếp, Bát Giới chấp nhận từ bỏ vẻ ngoài “soái ca”của Thiên Bồng Nguyên Soái mà khoác lên mình hình hài nửa Lợn – nửa Người.

Trong ba năm làm rể Cao lão gia thì “Từ khi tôi tới làm rể cố công, tuy ba miếng cơm rau, chớ cũng nhiều công mệt mỏi. Lớp lập vườn, lớp làm ruộng, sanh lợi biết bao nhiêu? Bây giờ lúa đựng mấy bồ, trái cây đủ thứ, cơm nàng ăn áo nàng mặc cũng là công khó của tôi, như vậy còn chưa bằng lòng, không biết làm sao nữa mới vừa ý”.

Rồi tới khi chuẩn bị lên đường đi Tây Trúc, họ Trư bái Cao lão mà thưa rằng: “Tôi xin kính lời cùng nhạc mẫu và đại di nhị di cùng bà con ở lại bình an, nay tôi đi tu làm hòa thượng, không kịp từ giã, xin rộng dung miễn chấp, xin trượng nhân coi chừng giùm ở nhà tôi, nếu tôi đi thỉnh kinh không xong, thì sẽ trở về như cũ… Tôi e đi tu không thành thì ắt là làm hòa thượng không xong, mà lại khó cưới vợ, phải là lỡ dở hay không?”

Trên hành trình Tây Trúc thỉnh kinh, trải qua bao kiếp nạn, cứ đúng vào lúc rơi vào nghịch cảnh hiểm nghèo nhất, thì họ Trư luôn là kẻ đầu tiên đòi… chia hành lý, đường ai nấy đi. Khác với Đường Tăng, Ngộ Không, Sa Tăng và Bạch Long mã, Bát Giới tuyệt nhiên không thành tâm Thỉnh kinh, cũng chẳng coi việc tu thành chính quả làm trọng. Chàng ta, đúng hơn, là qua hành trình này, để đi tìm lời giải cho một câu hỏi bí ẩn của đời mình.

Bát Giới và hành trình “giải mật” câu hỏi lớn của đời mình

Chọn đầu thai thành quái, cắn chết mẹ con heo rừng, làm con nuôi-kẻ ở tại núi Phương Lăng, ăn thịt người sống qua ngày, hứa hẹn “đi tu giải nghiệp” với Bồ Tát, làm rể Cao lão, hay nhập hội cùng Đường Tăng, Ngộ Không đi Tây Trúc, rồi chưa lên đường thỉnh kinh đã hứa hẹn ngày về…, tất thảy đều là họ Trư lựa thời thế mà thích nghi, mà tiến bước vậy.

img

Bát Giới muốn giữ lại kí ức để đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn của đời mình.

Hãy chú ý đến xuất thân của Bát Giới: “Tánh ta hay làm biếng/Ham chơi chẳng học hành Gặp tiên trao chánh đạo/Truyền phép dạy đơn kinh/ Chức Ngân Hà Nguyên soái/ Phong Tổng đốc thủy binh/ Nhóm bàn đạo nườm nượp/ Uống ngự tửu huỳnh huỳnh/ Ði lạc vào cung nguyệt, Sanh ghẹo chọc nàng Quỳnh/ Ngọc Hoàng giận bắt tội/ Đày ra khỏi Thiên đình/ Ðầu thai không nhằm nẻo/ Lợn rừng có chửa sinh”.

Dựa theo cấp bậc Đạo Gia, Bát Giới – tiền kiếp Thiên Bồng Nguyên soái – có một địa vị rất cao. Chàng là thủ lĩnh Tứ Thánh Bắc Cực, một trong 4 vị thần tiên hộ mệnh quan trọng nhất của Đạo Gia trên Thiên Đình, thuộc cấp bậc thứ 6.  Trước khi xảy ra “sự cố Hằng Nga”, Bát Giới thực sự có một cuộc sống suôn sẻ: “Ngân Hà nguyên soái”, “Tổng đốc Thủy binh”, thường xuyên được bàn việc lớn với Ngọc Hoàng (nhóm bàn đạo nườm nượp), tiệc to tiệc nhỏ gì chàng ta cũng có suất (uống ngự tửu huỳnh huỳnh).

Nhưng vì say rượu, đi lạc vào cung Nguyệt, rồi trêu ghẹo Hằng Nga, mà Bát Giới từ đỉnh cao rơi thẳng xuống vực sâu. Chàng bị khép tội khi quân, đầu tiên chịu án trảm. Nhưng sau được Tây Vương Mẫu xin Ngọc Hoàng thoát tội chết, bị phạt đánh 2000 dùi, đày xuống trần gian. Chi tiết đáng chú ý nhất, trong “sự cố Hằng Nga” của Bát Giới, theo như nguyên tác “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân, thì không phải nàng Quỳnh báo với Ngọc Hoàng mà chàng ta bị Thái Ất thiên tôn Vương Linh Quan bắt gặp và tố với Ngọc Hoàng.

Một thần giữ điện Linh Tiêu như Vương Linh Quan, sao lại xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm Bát Giới “say rượu làm trò bậy” ở cung Quảng hàn của Hằng Nga để bắt quả tang và giải chàng ta đến thưa tội với Ngọc Hoàng? Đúng là Bát Giới có sai, nhưng không gây ra hậu quả gì lớn, và “nạn nhân” – Hằng Nga cũng chẳng yêu cầu xét xử nặng, vậy sao chàng ta phải chịu án tử hình? Và rồi từ án tử, sao lại chuyển thành phạt đánh 2000 dùi, đầy xuống trần gian?

img

Thiên Bồng Nguyên Soái và lần say rượu chọc ghẹo Hằng Nga.

Tất cả những sự kiện tai ương dồn dập ấy, liệu thực sự chỉ khởi nguyên từ hành vi của một kẻ say rượu, không cầm lòng được chữ Tình? Hay ẩn sâu bên dưới là một sự sắp đặt hữu ý từ một (nhóm) nhân vật nào đó trên Thiên Đình? Bát Giới nhất quyết phải đi đến tận cùng để tìm ra chân tướng Sự Thật. Chàng đầu thai vào hình hài một con Quái đầu Lợn mình Người, cốt yếu là giữ được trọn vẹn kí ức của Tiền kiếm, để đi tìm lời giải cho những câu hỏi vẫn luôn nhảy múa trong đầu mình.

Kẻ cô độc mang trong mình một chữ Tình

Càng tiến gần đến SỰ THẬT, nỗi đau nội tâm trong Bát Giời càng sâu sắc. Chàng lựa chọn giữ lại kí ức và chấp nhận hình hài xấu xí của một con quái, bị cả Thần – Nhân ghê tởm, xa lánh và coi đó là quyết định sáng suốt trên hành trình giải mật đời mình. Dù đó là những kí ức tột phần đau đớn!

Để rồi sau cùng Bát Giới nhận ra rằng, hóa ra dù chàng có quyết định thế nào, thì bằng cách này hay cách khác, chàng vốn dĩ đã “được sắp đặt” ngay từ đầu để trở thành một phần trong bộ ngũ Tây Trúc thỉnh kinh. Bắt đầu từ chính những bước chân xiêu vẹo, những lời mật ngọt tỏ tình với Hằng Nga tại cung Quảng Hàn thuở nào.

Quên đi quá khứ là… một loại hạnh phúc. Giá cứ như Đường Tam Tạng, không có níu giữ chút kí ức nào của tiền kiếp thì nội tâm Bát Giới đã chẳng phải trải qua biết bao đớn đau giằng xé đến vậy. Mấy trăm năm, trải qua biết bao tình kiếp, cay đắng, bi thảm, thống khổ triền miên, Bát Giới tuyệt nhiên không quen, một chút cũng chưa từng cảm nhận được Hạnh Phúc.

img

Ẩn sâu dưới vẻ ngoài xấu xí và thói phàm ăn, Bát Giới là kẻ luôn theo đuổi một Chữ Tình đầy thống khổ.

“Khi ấy Bát Giới thấy Hằng Nga đứng sau lưng Thái Âm Tinh Quân, trực nhớ chuyện cũ… nhảy bổ lên, nắm tay áo Hằng Nga mà rằng: - Nàng ôi, ta với nàng là tình cũ nghĩa xưa, cũng vì nàng mà ta phải đọa ra thân ông chảng (lợn thành tinh), xin nàng xét chuyện cũ mà thương tình ở chơi một lát” – Tây Du Ký hồi 95.

Tình cảm luyến ái không được Phật Giáo chú trọng. Nhưng với Bát Giới, kẻ đại diện cho chữ Tình trong Tây Du Ký, thì khác. Không làm quái thì làm hòa thượng. Không thành Phật thì Sứ Giả cũng xong. Với Bát Giới, những thứ đó chẳng là gì so với chữ Tình mà chàng luôn theo đuổi.

Toàn bộ những kí ức tiền kiếp vẫn ngập tràn trong đại não Bát Giới. Với chàng, Thời gian tuyệt nhiên không hề trôi. Với chàng, sự CÔ ĐỘC là bất tận. Và với chàng, một chữ Tình kia với Hằng Nga là mãi mãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem