Huế dần vắng bóng nhà vườn

Thứ hai, ngày 18/04/2011 06:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhà vườn Huế đang mất dần bởi tình trạng người dân cắt bán vườn, bán nhà hoặc nhà bị xuống cấp. Trong khi đó, việc quản lý, bảo vệ nhà vườn đang được tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện kiểu... nửa vời.
Bình luận 0

Nhà vườn là di sản của Huế, làm nên đặc trưng của cố đô. Từ năm 2002, trước nạn “chảy máu” nhà vườn, TP. Huế đã tiến hành kiểm tra, đánh giá lại hệ thống nhà vườn trong thành phố.

img
Chủ nhân nhà vườn số 4 Phú Mộng đã được UBND TP. Huế cho phép xây một biệt thự lớn cạnh ngôi nhà cổ.

“Chảy máu” nhà vườn

Theo số liệu khảo sát thì đến năm 2002, toàn thành phố còn 7.178 nhà vườn. Tuy nhiên, trong số này chỉ còn 150 nhà vườn nguyên vẹn, những nhà còn lại đều đã bị biến dạng (cắt bán vườn, nhà bị bán hoặc xuống cấp, cơi nới…).

Tháng 4.2011, Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế tiến hành thống kê lại thì trong số 150 nhà vườn nguyên vẹn của năm 2002, chỉ còn 52 nhà còn được giữ nguyên hoặc bị biến động nhỏ. Số nhà còn lại đều trong tình trạng hoặc vẫn còn nhà rường và vườn nhưng bị cơi nới, chuyển nhượng, cho thuê, xuống cấp, hoặc đã bị tháo dỡ toàn bộ, xây mới hay bị giải tỏa. Các phường “chảy máu” nhà vườn nhiều nhất là Phú Hội, Phú Hiệp với 100% nhà rường bị biến dạng, tiếp đến là các phường Thuận Thành, Thuận Hòa, Phú Cát, Phường Đúc…

Theo tìm hiểu của NTNN, nguyên nhân khiến nhà vườn Huế ngày càng mất dần ngoài do nhu cầu đời sống của người dân còn do sự tắc trách trong quản lý của ngành chức năng. Đơn cử như trường hợp ông Hoàng Xuân Bậc - chủ nhân của nhà vườn số 4 Phú Mộng, phường Kim Long đã được chính UBND TP. Huế “vô tư” cấp phép xây một biệt thự to tướng bên ngôi nhà cổ. Thấy vậy, nhiều chủ nhân nhà vườn ở Kim Long cũng lên UBND phường Kim Long xin... được xây nhà như ông Bậc.

Chính sách nửa vời

Để cứu nhà vườn Huế, sau đợt khảo sát năm 2002, UBND TP. Huế đã trình UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đề án bảo tồn, phát huy nhà vườn, trong đó đề xuất bảo tồn 150 nhà vườn cổ tiêu biểu còn nguyên vẹn lúc đó. Tuy nhiên, mãi đến tháng 11.2009, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mới ban hành quyết định quy định một số chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế.

Để trùng tu một nhà rường của nhà vườn, kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ, nên với tối đa 100 triệu đồng hỗ trợ thì chủ nhà vườn không thể trùng tu nhà. Xem ra tình trạng “chảy máu” nhà vườn Huế chưa thể ngăn chặn và việc Huế không còn nhà vườn chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các chủ nhà vườn trùng tu, tôn tạo nhà, nhưng hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/nhà; hỗ trợ không quá 5 triệu đồng tiền mua cây giống/vườn… Tiếp đó, tháng 1.2010, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định thành lập quỹ bảo tồn nhà vườn Huế.

Ông Cao Minh Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long, nơi có nhiều nhà vườn, cho biết: “Chủ trương đã có từ lâu nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ nằm trên giấy. Dân trình dự án bảo tồn nhà vườn lên nhiều lần, nhưng không có ai về thẩm định để hỗ trợ theo chủ trương, nên các nhà vườn càng xuống cấp”. Cũng theo ông Sơn, để bảo tồn mỗi nhà vườn đòi hỏi phải tốn tiền tỷ, nhưng chủ các nhà vườn không đủ khả năng tài chính, còn cấp trên thì chỉ nói mà không hỗ trợ...

Trao đổi với NTNN, ông Trần Huy Thanh - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế cho biết, Phòng đang hoàn thành các thủ tục để trình UBND tỉnh triển khai hỗ trợ bảo tồn các nhà vườn còn nguyên vẹn hoặc ít biến động từ quý 2 năm nay. Tuy nhiên, khi được hỏi về tính khả thi của chủ trương này, ông Thanh thẳng thắn thừa nhận rằng, mức hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế chỉ là muối bỏ bể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem