Kim Ngọc - thần tượng của nông dân

Thứ bảy, ngày 03/07/2010 08:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuối năm nay, bộ phim truyền hình dài tập "Bí thư Tỉnh uỷ" chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Vân Thảo phát sóng. Nhà văn Vân Thảo đã có cuộc trò chuyện với NTNN.
Bình luận 0
img
Một cảnh trong phim Bí thư Tỉnh uỷ.

Nguyên cớ nào thúc đẩy ông viết tiểu thuyết về Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc?

- Tôi biết Kim Ngọc từ lâu nhưng là qua thông tin báo chí chứ chưa rõ lắm. Một thời ông bị coi là đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Khoảng mươi năm qua, người ta lật lại vấn đề này, và cá nhân tôi thấy viết một tác phẩm về ông và quan điểm đổi mới từ gần nửa thế kỷ trước của ông là phù hợp. Tôi cũng muốn thêm nhiều người biết đến một người sớm góp phần phất cờ đổi mới trong phạm vi một tỉnh.

Khai thác lại một khối lượng tư liệu lớn về Kim Ngọc và thời "khoán chui" hẳn không dễ, nhất là ở tuổi ông hiện nay?

- Tôi bắt đầu với hai bàn tay trắng, được các cán bộ lão thành và người dân nhiệt tình giúp đỡ. Tôi được lục tìm tất cả các văn bản gốc trong kho lưu trữ và đi đến nơi nào mình muốn. Tháng 8-2007, tôi lên Vĩnh Phúc, "ăn dầm ở dề" suốt 3 tháng để sưu tầm tài liệu rồi đi gặp các nhân chứng gồm cán bộ và nhân dân để ghi lại hồi tưởng về giai đoạn đó. Hai huyện tôi xuống nhiều nhất là Bình Xuyên và Yên Lạc...

img
Tôi vẫn thương người nông dân thiệt thòi nhất trong xã hội, nên trong tác phẩm tôi gửi gắm tâm sự và quan điểm vào những chi tiết, phát ngôn của nhân vật để lấy chuyện xưa mà ngẫm chuyện nay.

Nhà văn Vân Thảo

Bà con nông dân nhớ gì nhất về Bí thư Kim Ngọc, thưa ông?

- Tôi phải nói rằng cho đến nay hình ảnh Kim Ngọc vẫn còn in đậm trong nhiều thế hệ cán bộ và nhân dân Vĩnh Phúc, kể cả lớp người mới. Đối với những người từng gặp gỡ, tiếp xúc với Kim Ngọc thì kỷ niệm đó không bao giờ quên. Tôi đã đến những nơi mà Kim Ngọc đến, là những vùng ngày xưa khó khăn nhất. Kim Ngọc bao giờ cũng thế, đến nơi xa, nơi khổ trước. Có ô tô nhưng nơi nào gần thì ông đi xe đạp. Xuống cơ sở ông thường ra đồng trước, xem xét kỹ rồi có gì thiếu sót, tắc trách, ông gọi cán bộ xã ra "chỉnh" luôn. Kim Ngọc nghiện thuốc lào nên đi đâu cũng có điếu cày hoặc ngồi xuống bờ ruộng hút điếu cày với bà con. Khi ông chưa nói danh tính, người ta thách ông bừa, ông xuống bừa luôn và làm rất giỏi.

Với nhiều chi tiết sinh động như thế, ông đã xây dựng tác phẩm như thế nào?

- Một trong những điều làm tôi say mê nhất là con người Kim Ngọc, càng tiếp cận càng thấy một nhân cách lớn của người lãnh đạo, của người hành động. Cùng với nguồn tài liệu và ký ức của những người đã sát cánh cùng Bí thư Kim Ngọc trong quá trình làm "khoán chui", ủng hộ và cùng trăn trở với ông về tương lai của người nông dân, tôi hình thành cấu trúc tác phẩm ngay trong quá trình đi thực tế và về Hà Nội chấp bút. Tôi tái hiện bối cảnh giai đoạn "khoán chui", lấy những ký ức, hồi tưởng làm cái "phông" để từ đó cấu tạo tác phẩm.

Do tính chất công việc nên tôi "làm ngược", tức là viết kịch bản phim truyền hình trước để cung cấp cho Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài THVN). Kịch bản tôi viết trong 10 tháng, phim bấm máy tháng 4-2009 và đã quay xong, tôi được biết là phim đang trong quá trình dựng và sẽ phát sóng vào quý IV năm nay. Tiểu thuyết thì tôi viết trong 6 tháng.

Dường như nhà văn Vân Thảo cũng bị thuyết phục bởi hình tượng nhân vật của mình!

- Tôi cảm thấy Kim Ngọc không chỉ là thần tượng ở Vĩnh Phúc mà có khi còn là thần tượng của nông dân cả nước. Tháng 12 năm ngoái, Tỉnh uỷ tổ chức một cuộc hội thảo về Kim Ngọc, tôi có được mời đọc tham luận. Nhiều người nói về kinh tế, về hợp tác xã…, tôi thì nói về nhân cách của ông. Có người nói, em là người Vĩnh Phúc mà không hiểu Kim Ngọc bằng anh! Tôi nói, tôi chuyên tâm tìm hiểu thôi, và chính bà con nông dân đã kể ra những điều ấy. Tôi muốn nói thêm, Kim Ngọc còn tuyệt vời ở chỗ lắng nghe cơ sở, hiểu nguyện vọng và trân trọng những sáng kiến của dân.

Phim "Bí thư Tỉnh uỷ" chưa phát sóng, nhưng tiểu thuyết thì được nhiều người yêu thích và đặt câu hỏi sao ông hiểu nông thôn Bắc bộ thế?

- Nhiều người cũng hỏi tôi quê miền Trung mà sao rành về miền Bắc? Tôi đi tập kết năm 18 tuổi, nay đã ngoài 70. Suốt cuộc đời người lính, tôi tiếp cận nông dân nhiều, từ những năm chống ép di cư, chống đói, chống hạn, sửa sai cải cách ruộng đất, cho đến hành quân đóng ở nhà dân. Sau này, vẫn giữ tác phong người lính nên tôi đi thực tế rất thuận lợi, dễ gặp, dễ gần. Nhiều lần xuống cơ sở 2-3 ngày, tôi ăn cơm luôn ở xã, ở nhà bà con.

Xin cảm ơn nhà văn!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem