Ngày xuân đến sớm ở nhà Nguyễn Quang Thiều

Thứ tư, ngày 02/02/2011 06:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi thiên hạ còn đang lình sình những chuyện mua sắm, sửa soạn cho ngày ông Táo thì đã có một chiếc xe chở những người trông cũng hơi... "dị tướng" kéo về làng Chùa - làng thơ của Việt Nam.
Bình luận 0

Đường về ký ức

Mỗi năm những gương mặt người mới, người cũ "đi kèm", khách mời, bạn hữu cũng có khác, nhưng thường vẫn không thay đổi những con người ấy: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn tác giả chèo Lương Tử Đức, nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, nghệ sĩ rối nước Chu Lượng, nhà thơ Dương Kiều Minh, nhà thơ Nguyễn Quyến và hoạ sĩ, nhà văn báo Văn nghệ Hoàng A Sáng. Những người cùng định cư ở Hà Đông ấy, đến quê một người như về ngôi nhà của mình.

img
Chủ nhà Nguyễn Quang Thiều (trái) và các bạn văn chương.

Bên cạnh lối dẫn từ cổng rợp bóng những dây hoa leo, phía trước mặt ngôi nhà cũ được cất lên từ thời ông nội, "Quang Thiều" - như cách gọi gọn gàng và thân thuộc của người làng, đã thả hoa súng vào một cái hồ rất bé nằm giữa thảm cỏ. Một cây lộc vừng thân lớn giữa những tán lá thấp. Chủ khách ngồi đó uống trà và nhìn những đàn cò trắng như trôi qua ngay phía trên đầu. Thấy rõ những khung cảnh trải rộng và rắn chắc như kim khí đang lấp lánh trong nắng.

Làng Chùa khuất nẻo ở cuối xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, qua đê sang sông Đáy một đoạn nữa đã gần đến Hoà Bình. Đứng đầu làng, nhìn đi không xa lắm đã thấy nổi rõ trên nền mây những quả núi thấp ken nhau chạy vòng cung về phía Kim Bôi. Đường về làng, chúng tôi đi qua những cánh đồng, tháp chuông. Những ngày cuối năm khô lạnh, con đê nhỏ dài heo hút, những mái nhà phía xa bên kia sông ẩn khuất, đàn vịt tự bơi đi trên nước lạnh không người, vườn tược xanh phất phơ, tất cả dâng lên một đời sống rộng rãi và hoang vắng.

Năm đó vẫn gần bây giờ, nhưng tôi tưởng đã xa xôi lắm, phải chăng những gì diễn ra ở làng vẫn đem lại một cảm giác mông lung, cũ kỹ, và tâm trí hôm nay khi nghĩ lại, đã giống như một sự hoài niệm?

Về sau chúng tôi biết được ngôi nhà khung gỗ đã giữ gìn gần trăm năm nay, được tạo dựng từ những khoản tiền công được quy ra thành những khúc gỗ mà cụ cố suốt nhiều năm tháng làm lụng thuê mướn vất vả tích luỹ dần. Ngôi nhà thơm mùi hương hoa mới, khói hương tỏa trước những tấm ảnh. Qua khung kính loáng trong, những ánh nhìn như lay động.

Trên con đường dẫn qua trước cổng ngôi nhà này, chỉ cách một đoạn, sân đình đã được quét tước và ngôi đình đang được dọn dẹp đợi mùa xuân mới tìm đến, cũng như mùa xuân già nua của hàng trăm năm qua, trong bộ cánh trẻ trung đang trở lại.

Bên ngoài những khung gỗ chắc khoẻ được phủ lên những tầng ngói cũ kỹ, vào ngày hội làng 12 tháng Giêng, dân làng bày cây cảnh nhú đầy lộc trên sân để cùng thưởng lãm, bình phẩm và hẹn nhau về sinh hoạt thơ ca. Những ngày đó, người làng thường dùng món truyền thống là oản xôi trắng chấm với mật mía.

Chúng tôi đã ngồi cùng những người già và trung tuổi của làng Chùa, tham dự những "bữa tiệc thi ca" như thế, tận hưởng đời sống của làng đang trôi đi chậm rãi trong từng hơi thở bình lặng và thư nhiên. Các bà các cô đứng chật những cửa sổ và phía ngoài khung cửa bức bàn của đình để nghe thơ. Con nghê trên mái bất động trước những chồi và lá xanh của cây bàng phía sau đình. Ngoài bầu trời rộng lớn, những vệt mây dài bay lượn.

Quà quê

Năm đó, sáng 20 tháng Chạp, "nhóm Hà Đông" và những bạn bè của mình bước vào cổng khi nồi nước to trong bếp đang sôi lục bục và một con lợn khoang đã nằm sẵn. Theo dự định, chúng tôi có một ngày "Tết sớm" chỉ toàn các món từ… "ông hợi".

Một nồi cháo to hầm nhừ gạo bằng nước luộc đặt ở giữa sân, khói nghi ngút. Chúng tôi đứng trên sân nhà với những bát cháo trắng vẩy hành xanh thơm gạo mới, ngọt vị xương và nóng hôi hổi, nói chuyện với nhau về Tết năm sau ở ngôi nhà này, mảnh sân này, khoảnh vườn này, mọi người sẽ làm gì.

img
Các văn nghệ sĩ bàn chuyện thơ văn ở làng Chùa trong ngày Tết sớm.

Từ lúc xả thịt lợn, một tảng thịt được pha thành những miếng lớn bày la liệt trên bàn. Đạo diễn Lương Tử Đức chẻ ống giang và tước thành những sợi lạt mềm. Mọi người xâu từng miếng thịt và treo chúng lên một cái gậy dài ở trong vườn.

Và sau đó, một số vị "đầu to" như đạo diễn Lương Tử Đức, hoạ sĩ Phạm Long Quận và nhà văn, nhà phê bình "dũng mãnh" Nguyễn Hoàng Đức - người vẫn tuyên xưng mình là triết gia có một cuộc tranh luận sôi nổi để đặt biệt hiệu đi kèm tên đầy đủ cho gần 20 con người góp mặt trong cuộc vui. Mỗi cái tên và hiệu dài loằng ngoằng và rất… kêu ấy được viết vào một mảnh giấy, gấp làm tư.

Đến chiều, sau khi chủ khách dừng cuộc quây quần cuộc ẩm thực, hào hứng với những cuộc tranh biện văn chương, nghệ thuật và triết học, thịt lại được dỡ xuống bày lại trên bàn, những miếng giấy gấp được xóc kỹ rồi ném vào từng miếng một.

Đạo diễn Lương đứng sau bàn, mở giấy và xướng tên từng người bước vào nhận thịt. Vẫn còn một số miếng, giấy lại được gấp và nhặt ra ngẫu nhiên để ném vào. Rồi những người may mắn có tên trong những mẩu giấy "thời vận" ấy, sung sướng được bước lên nhận thêm một phần thịt nữa. Trong vài người được thêm ấy, lạ thay, lại có đạo diễn - "người chia thịt" và chủ nhân - nhà thơ Quang Thiều.

Từng miếng được gói vào lá chuối để đem về tiếp tục vui với gia đình. Có người miếng to, miếng bé, có người một, người lại hai miếng, ai nấy đều hoan hỉ. Trước khi về, cả đoàn vòng xuống Vân Đình bằng đường đê rất vắng và đi vào giữa lòng thị trấn từ phía sau lưng của nó, đến một quán quen của ông Thiều để mua bánh nếp và lỉnh kỉnh ra về với những dây, những túi đựng "hơi thở của làng" ở trên tay.

Mỗi năm nội dung cuộc "ăn Tết sớm" lại khác một chút, nhưng trước sau vẫn đều đặn và phấn khởi. Từ phố về, trong một ngày thôi, giữa làng quê, giữa bè bạn, mỗi gương mặt lại như thấy mình hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem