Nguồn gốc câu hỏi kinh điển của Lý Mạc Sầu: "Hỡi thế gian, tình ái là chi?"

Thảo Nguyên (Tổng hợp) Thứ năm, ngày 28/02/2019 04:55 AM (GMT+7)
“Hỡi thế gian tình ái là chi? Mà đôi lứa nguyện thề sống chết” có nguồn gốc nằm trong một câu chuyện cảm động.
Bình luận 0

Tình yêu là đề tài xuyên suốt các tác phẩm của Kim Dung. Tình yêu trong những trang sách của ông là muôn hình vạn trạng, khiến độc giả cảm động, nghiền ngẫm, day dứt.

Trong số rất nhiều những mối tình được Kim Dung xây dựng “khắc cốt ghi tâm”, thì mối tình oan nghiệt của Lý Mạc Sầu trong Thần Điêu Đại Hiệp có thể nói là gây nhức nhối và khó quên nhất.

img

Lý Mạc Sầu vốn là một cô gái vô cùng xinh đẹp...

Lý Mạc Sầu là đệ tử đời thứ 3 của phái Cổ Mộ, sư tỷ của Tiểu Long Nữ, vốn sở hữu dung nhan xinh đẹp như tiên nữ nhưng sau này lại trở thành ma nữ tàn độc với công phu Ngũ Độc Thần Chưởng và Băng Phách Ngân Châm. Tất cả chỉ vì duy nhất một chữ Tình.

Lý Mạc Sầu vốn có một tình yêu đẹp, vô cùng sâu đậm với chàng thư sinh Lục Triển Nguyên. Nàng thậm chí chấp nhận vứt bỏ sự trinh bạch, lễ giáo để đến với người yêu, nhưng cuối cùng lại nhận về kết cục đau đớn khi Lục Triển Nguyên bội ước, lấy Hà Nguyên Quân làm vợ.

img

...Cuối cùng cô trở thành ma nữ tàn độc vì bị bội tình

Cuộc tình tan vỡ khiến Lý Mạc Sầu trở thành một ma nữ lạnh lùng, tàn độc, nuôi ý trả thù cả gia đình họ Lục. Mạc Sầu hứa xóa bỏ hận thù nếu Lục Triển Nguyên giết vợ.

Tuy nhiên, nhờ một đại tăng ngăn cản, Lý Mạc Sầu cho đôi vợ chồng sống bình yên 10 năm. Hết thời hạn, Lý Mạc Sầu quay lại "đòi nợ", song Lục Triển Nguyên đã qua đời, vợ chết theo chàng.

Ngay từ khi vừa xuất hiện đắc thắng ở Lục Gia Trang cho đến những giây phút cuối cùng đầy đau đớn của cuộc đời, Lý Mạc Sầu vẫn ngân nga hai câu thơ: “Hỡi thế gian tình ái là chi? Mà đôi lứa nguyện thề sống chết”.

img

Lý Mạc Sầu từng là cô gái trong trắng, si tình với người mình yêu

Câu thơ cho đến nay vẫn vô cùng nổi tiếng và được nhiều người sử dụng khi nói về tình yêu. Đồng thời, với sự nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết Thần Điêu Đại Hiệp cùng hàng chục bộ phim chuyển thể, nhiều người lầm tưởng rằng câu thơ này là sáng tác của Kim Dung nhưng kỳ thực lại không phải vậy.

Đây vốn là hai câu trong bài từ Mô Ngư Nhi – Nhạn Khâu của danh sĩ Nguyên Hiếu Vấn. Ông là nhà văn, nhà sử học nổi tiếng với những thành tựu cao nhất của thời đại cuối nhà Kim, đầu nhà Nguyên. Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều bài thơ, từ, tản văn của ông được lưu truyền.

“Hỡi thế gian tình ái là chi?

Mà đôi lứa hẹn thề sống chết?

Trời Nam đất Bắc đôi nơi,

Cánh chim rũ mỏi mấy hồi hàn ôn?

Vui ân oán, biệt ly buồn,

Si tình nhi nữ, khởi nguồn bi hoan.

Tiếng xưa xa khuất mây ngàn,

Về đâu lẻ bóng Thiên San tuyết chiều.”

Về xuất xứ bài thơ, tác giả Nguyên Hiếu Vấn từng cho biết, năm 16 tuổi, trên đường tới Tinh Châu ứng thí, tác giả gặp một người bắt nhạn và được ông này kể cho một câu chuyện cảm động.

Ngày hôm đó, người bắt nhạn bắt được một con nhạn, đem giết; con còn lại thoát được lưới nhưng buồn bã không chịu bay đi, cuối cùng lao xuống đất mà chết. Tác giả bèn mua xác cả đôi chim, đem chôn cùng nhau và làm bia mộ cho chúng. Sau đó, bài từ Mộ Ngư Nhi – Nhạn Khâu ra đời.

img

Hai câu thơ chính là câu hỏi lớn nhất cuộc đời Lý Mạc Sầu

Hai câu “Hỡi thế gian tình ái là chi? Mà đôi lứa hẹn thề sống chết” sau đó được Kim Dung sử dụng như một câu hỏi lớn nhất cuộc đời cứ đeo bám mãi Lý Mạc Sầu và khiến chữ “Tình” trong mối tình oan nghiệt của ma nữ xinh đẹp này trở nên thật day dứt.

Lý do Kim Dung phải đổi tên kẻ cướp đi “lần đầu tiên” của Tiểu Long Nữ

Kim Dung đã phải sửa tên nhân vật Doãn Chí Bình trong nguyên tác vào năm 2004.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem