Nhóm hài kịch trở thành hiện tượng tại Vietnam’s got talent 2014: Những tay ngang đi lên từ sân khấu “kịch cà phê”

(Dòng đời) Thứ tư, ngày 10/12/2014 15:42 PM (GMT+7)
Họ không phải những diễn viên chuyên nghiệp, không ai từng học qua nghề diễn, và vẫn đang bỏ tiền túi để phục vụ khán giả.
Bình luận 0

Chuồn chuồn giấy (CCG) là nhóm kịch của cac bạn trẻ đang gây chú ý trong thời gian qua. Họ đã có màn trình diễn ấn tượng tại chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s Got Talent). Tài giả gái của trưởng nhóm Thái Duy và lối diễn tự nhiên của CCG trong vở “Tây Hồ kỳ duyên” hồi đầu tháng 11 vừa qua khiến những danh hài gạo cội như Hoài Linh, Thành Lộc (vốn là các “chuyên gia giả gái”) cũng phải thán phục. Thế nhưng bên cạnh sự hào nhoáng hiện tại, là những khó nhọc ít ai biết.

Những ngôi sao... nghiệp dư

Theo lời Thái Duy, trưởng nhóm, CCG có 15 thành viên tổng cộng, nhưng tất cả đều không hề học về nghệ thuật diễn xuất.

img Thái Duy (giữa) trong tiết mục “Tây Hồ kỳ duyên” diễn tại sân khấu Vietnam’s Got Talentnhận được sự thán phục và ngưỡng mộ từ khán giả và cả Ban giám khảo.

Các thành viên CCG là tập hợp của những bạn trẻ đam mê diễn kịch cổ trang thuần túy, xuất thân từ rất nhiều các ngành nghề khác nhau. Họ đều đi học, đi làm và vất vả sắp xếp thời gian cho việc tập luyện – diễn xuất.
Nhóm khởi đầu có tên Returning Pearl, do Thái Duy tập hợp. Họ có cùng đam mê mặc đồ cổ trang, và thậm chí còn giành chiến thắng trong một cuộc thi cosplay tại TP.HCM. Dù cosplay là dạng hóa trang vào nhân vật trong hoạt hình – truyện tranh Nhật Bản, nhóm CCG với cách hóa trang vào... phim Trung Quốc vẫn được bầu chọn với số phiều cao gấp đôi đối thủ gần nhất.

Từ những bộ trang phục đi mượn, thuê bên ngoài, CCG quyết tâm theo đuổi tới cùng đam mê và đã tự mua và may đồ theo ý mình.

CCG bắt đầu đi diễn ở những quán cà phê kịch – loại mô hình xuất hiện muộn tại TP.HCM. Ban đầu, theo Thái Duy, nhóm đã tự phát giấy, gửi email giới thiệu đến rất nhiều nơi. Tuy nhiên “lúc đầu gửi đến mòn mỏi vẫn không thấy hồi âm. Nhóm có lúc gần như ‘tuyệt vọng’ trong việc tìm đường đến với công chúng”.

 

img  Thái Duy (thứ hai từ trái sang) cùng các bạn trong nhóm kịch cà phê CCG đang tập dựng vở mới. Với niềm đam mê, CCG đã tập hợp được những người trẻ dù không được đào tạo bài bản vẫn quyết theo đuổi nghệ thuật kịch cổ trang.

Tuy nhiên, cuối cùng ông Trời đã không phụ sự kiên nhẫn của CCG. Nhờ sự may mắn và tình cờ, CCG xuất hiện tại một quán cà phê kịch và nhanh chóng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả. Thừa thắng xông lên, CCG đi diễn rộng rãi và trở thành nhóm kịch cà phê nổi tiếng bậc nhất thành phố.

“CCG lọt thỏm giữa một rừng các bạn trẻ thành lập nhóm kịch cà phê khác, tuy nhiên nói về phong cách chuyên kịch cổ trang thì hầu như chưa thấy ai khác cạnh tranh” – Thái Duy chia sẻ. Kịch cổ trang đỉnh cao của CCG cũng chính là vở diễn “Tây Hồ kỳ duyên” mà họ đã sử dụng để thuyết phục khán giả Vietnam’s Got Talent vừa qua.

10 show diễn mới đủ tiền mua 1 bộ trang phục

Liệu CCG và các nhóm kịch cà phê khác hoạt động vì cái gì, và liệu đó có phải là một nghề đủ sống hay không?

“Chắc chắn là không, tính đến lúc này” - Thái Duy chia sẻ. “Dẫu đã có chút tiếng tăm, được các bạn ủng hộ, xuất hiện trên sóng truyền hình, nhưng các thành viên CCG vẫn tiếp tục bỏ tiền túi để duy trì. Tụi em chỉ đang làm tất cả vì đam mê, còn cơm áo gạo tiền vẫn đang là vấn đề chưa thể hoàn mỹ”.

Nói cách khác như Đoan Trang, một thành viên sáng giá của nhóm, thì “Phải tốn 10 show diễn kịch cà phê mới đủ tiền đầu tư một bộ trang phục mới cho vở mới. Mà chúng em thường xuyên phải may trang phục để đổi mới trong mắt khán giả”.

Số lượng 15 người hiện nay là kết quả của quá trình thay đổi, sàng lọc. Tất cả đều bắt đầu với đam mê, nhưng không phải ai cũng duy trì đam mê ấy. Thái Duy cho biết tính đến nay, tức gần 2 năm từ lúc bước ra là nhóm kịch, đã có 5 thành viên xin rút vì nhiều lý do khác nhau.

Họ đều vừa học, vừa làm, vừa diễn, nên thường xuyên không thể quy tụ đủ số lượng thành viên. Vấn đề tiền bạc cũng rất nhạy cảm và chịu áp lực từ phụ huynh. “Phụ huynh thường xuyên phản đối nhóm. Như đã nói, chúng em không ai được đào tạo chính quy ở lĩnh vực này, mỗi người một chuyên ngành khác nhau. Đó là lý do phụ huynh thường kêu rút lui vì không thể kiếm tiền bằng nghề, lại còn tốn thời gian và tiền túi bỏ vào đầu tư”, Thái Duy nói.

img

Theo tiết lộ từ các thành viên của nhóm, trước đây và nhất là sau màn trình diễn tại Vietnam’s Got Talent, CCG đã nhận lời khen từ đủ mọi lứa tuổi, từ học sinh – sinh viên, cùng trang lứa hay thậm chí các khán giả lớn tuổi. Thế nhưng, ít ai hiểu rằng để duy trì một đam mê tốn kém cả tài và lực hơn những nhóm kịch cà phê khác, CCG đã phải đánh đổi rất nhiều. Và câu chuyện “cơm áo gạo tiền”, đã khó khăn với cả một CCG có danh tiếng, sẽ càng khó với đa phần các nhóm kịch phong trào, kịch cà phê trên khắp thành phố...
 Tụi em chỉ đang làm tất cả vì đam mê, còn cơm áo gạo tiền vẫn đang là vấn đề chưa thể hoàn mỹ” - Thái Duy

Thái Duy bình thản trước tin đồn giới tính

Là trưởng nhóm, đồng thời đóng vai trò cốt yếu trong quá trình thành lập và phát triển CCG, Thái Duy là nhân vật trung tâm khi nhắc đến “hiện tượng cà phê kịch” này. Tuy vậy, vẻ ngoài tươi vui, tinh nghịch, tài năng của chàng trai này lại ẩn chứa nhiều u uất khó nói.
img 
CCG đang gây sự chú ý, theo Thái Duy nhóm sẽ duy trì theo hướng nào?

- Thực ra thì nhóm của Thái Duy chỉ muốn thi thố, học hỏi từ nhận xét của các giám khảo Vietnam’s Got Talent để biết tầm của mình tới đâu. Còn định hướng thì tạm thời cứ giữ đam mê và làm, chờ đợi chuyện gì tới sẽ tới.

Nếu có một sân khấu mời Thái Duy hay ai khác trong nhóm thì liệu CCG có tan rã, Duy có nghĩ tới điều này?

- Tạm thời Duy nghĩ sẽ ưu tiên tất cả cho nhóm. Nhưng nếu cơ hội tới, Duy ủng hộ mọi người, và cả bản thân, nắm bắt lấy và tạo dựng sự nghiệp. Hiện tại các bạn vẫn đang làm những nghề khác nhau, còn diễn kịch cổ trang cũng dừng lại ở đam mê.

Ngoài đóng kịch cổ trang, Duy có làm gì khác không?

- Hiện tại Duy đã thất nghiệp rồi. Trước đây Duy có đi làm ở một vài chỗ, chỉ làm quản lý quán ăn, trực điện thoại, văn phòng... nhưng dường như không thích hợp. Sếp cũ của Duy còn nói thẳng là: “Em quay về tập kịch đi, tâm hồn em cứ để đâu đâu...”. Duy cũng buồn, nhưng có lẽ chính mình và đam mê kịch cổ trang đã chọn nhau rồi.

Nhưng diễn kịch thì không đủ sống. Duy không có nghề chính, thì có ảnh hưởng đến đam mê không?

- Duy cũng biết là vậy. Nhưng Duy vẫn cứ làm vì lúc này buông ra cũng không có lựa chọn khác.

Người nhà của Duy nói gì?

- Ba mẹ của Duy đã ly dị rồi. Mẹ sống với chị. Họ cũng quan tâm và nhiều lần khuyên Duy đi làm gì đó kiếm tiền, nhưng quả thực Duy không thể sống thiếu kịch cổ trang lúc này. Có quá nhiều chuyện đã xảy ra xung quanh mình khiến Duy chỉ còn niềm đam mê này để giữ ngọn lửa sống.

Nhiều người nói Duy giống con gái quá?

- Duy không muốn nói quá nhiều về bản thân. Nếu hỏi về CCG thì Duy sẽ kể hết. Còn chuyện giới tính, mặc dù thời nay quan điểm của xã hội đã thoáng hơn, Duy vẫn nghĩ nên giữ một vài điều cho riêng mình, chứ không nói trên mặt báo hay tuyên bố gì cả. Nhiều người đã nói Duy sao không đi chuyển giới, Duy thấy cũng bình thường, không cần thiết phải làm vậy.

- Xin cảm ơn và chúc Duy cùng nhóm CCG thành công.

 Nhật Đăng - Trương Phi  (thực hiện)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem