Những câu hỏi từ bãi sông Hồng

Thứ tư, ngày 06/04/2011 16:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuộc sống chỉ giàu về gió trời của những người dân ở bãi giữa sông Hồng thuộc khu vực phường Phúc Xá (Ba Đình) và Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) lại tiếp tục được phản ánh đến đông đảo công chúng qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.
Bình luận 0

Chuyện du cư tưởng chỉ gắn với đời sống của đồng bào miền núi một thời, diễn ra trong những vùng không gian rộng lớn, hoá ra lại ở ngay trước mắt những người thành thị, ngay giữa thủ đô tráng lệ. Đó là hiện trạng vừa được thấy trong triển lãm sắp đặt "Du cư trong thành phố" của nhóm tác giả hoạ sĩ Hồng Phương, nhà báo Vũ Lâm với sự tham gia của các nhiếp ảnh gia Lê Anh Dũng, Nguyễn Việt Hưng và Đinh Hữu Dư.

img
Công chúng xem triển lãm, sắp đặt “Du cư trong thành phố”.

Đánh động lần nữa

Đời sống khó khăn, phận người dập dềnh mặt nước của cộng đồng cư dân bãi ngoài, bãi giữa sông Hồng vốn không xa lạ qua phản ánh của báo chí, truyền hình. Chỉ có một điều lạ lùng là đời sống ấy cứ thế tồn tại mãi bao năm nay mà không nhận được những tác động cải thiện tích cực của các cấp chức năng. Triển lãm một lần nữa dấy lên thực trạng này qua sự phối hợp của sắp đặt, video art và nhiếp ảnh.

Một căn lều trên phao nổi được bê nguyên từ mặt sông về sân Trường ĐH Mỹ thuật (phố Yết Kiêu), đặt trên hộp tôn bóng tượng trưng cho mặt nước, vẹo vọ và tạm bợ trong nắng chiều, xung quanh các tác giả bày những salon cho khách ngồi chiêm ngưỡng. Ở vòng ngoài là 3 mặt dây phơi treo chi chít... ảnh (như dây phơi quần áo ngoài bãi).

Những tấm ảnh là kết quả của tháng ngày “3 cùng”, gắn bó để thật hiểu những người ở "ngoài rìa" thành phố, các tác giả ghi lại muôn mặt đời sống của họ, một đời sống bấp bênh cũng như thân phận những căn lều dập dềnh trên mặt nước.

Gia tài lớn nhất có trời, gió, mây, nước, còn lại là sự thiếu thốn, tận dụng, chắp vá trong các đồ đạc, trong sinh hoạt ngày thường. Những căn lều chật chội, chẳng có gì đáng gọi là của nả, Tắm giặt nước sông, vo gạo, rửa bát bằng nước sông, thậm chí đi vệ sinh người lớn thì có chỗ kín, chứ trẻ con khi muốn cũng ngồi ở mép lều để… thả xuống sông, rồi nước lại trôi đi hết.

Nghèo cũng có hạnh phúc...

Nhưng chẳng phải rất nghèo mà người ta không có nụ cười. Và những hạnh phúc dung dị sáng bừng lên qua những tấm ảnh chính là cái nhìn trân trọng, ấm áp của các tác giả đối với những đời sống tưởng như "vô thừa nhận" ngoài kia. Từ những rung động ngoài bờ sông ấy, soi chiếu lại thành phố, so sánh với những cuộc đời no đủ, chắc nhiều người phải giật mình!

Nhà báo - hoạ sĩ Vũ Lâm chia sẻ: "Có phải tuy không có nhà, ở trên cái lều trôi nổi thì con người ta rất khổ? Và họ không thể có hy vọng hạnh phúc? Còn đa số chúng ta, ở trong lòng thành phố, với những cái hộp bê tông kín mít rào sắt cửa dày nhiều lần khoá, tiện nghi đủ thứ, giá trị hàng tỷ đồng, thì thực sự đã có hạnh phúc?".

Ở ngoài sông, trong kham khổ, vẫn có thể thấy một bàn thờ Phật trong căn lều nát, vẫn thấy những đứa trẻ chơi đùa và xúm quanh các anh chị tình nguyện ra dạy chữ cho các em. Vẫn có những con ngan, con mèo, con chó... được người ta chăm sóc. Xem ảnh, thật sự không thể biết được giữa người giàu và người nghèo thì ai yêu động vật hơn.

Và người ngoài sông, giữa thiên nhiên rộng rãi thì dù ăn uống có đạm bạc, sức khoẻ vẫn tốt hơn, giấc ngủ sâu hơn, sảng khoái hơn. Còn những nụ cười của họ - những người lao động từ nhiều quê quán khác nhau đang gồng mình lên để tồn tại giữa đời, thì cũng có vẻ chất phác, hồn hậu hơn?

Quỹ trao đổi phát triển văn hoá Đan Mạch - VN đã tài trợ kinh phí cho các tác giả thực hiện triển lãm này, ban đầu được gọi là Dự án "After 3000" với ý nghĩ của nhóm tác giả: Sang đến năm 3000 thì cả thành phố không biết đã "du cư" tận đâu. Hy vọng dịp này, Hà Nội sẽ có những đầu tư, hỗ trợ thoả đáng nhằm giúp cho những con người nương náu ở Hà Nội nhưng hầu như mới chỉ được "thiên nhiên ưu đãi"!
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem