Tranh cãi về tác quyền bộ phim “Huyền thoại 1C”

Thứ sáu, ngày 26/10/2012 06:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ phim “Huyền thoại 1C” đã kết thúc phát sóng trên kênh HTV9 vào ngày 11.10, thế nhưng những tranh cãi về tác quyền kịch bản thì vẫn chưa chấm dứt.
Bình luận 0

Nhà văn Anh Động - người cho rằng mình bị xâm phạm quyền tác giả, cho biết có khả năng sẽ đưa vụ việc ra tòa.

Có nhiều hơn 1 tác giả

Mới đây, nhà văn Anh Động đã gửi đơn tới Báo NTNN mong báo vào cuộc xem xét vụ xâm phạm tác quyền kịch bản bộ phim truyền hình “Huyền thoại 1C” (do Bộ VHTTDL làm chủ đầu tư với kinh phí 20 tỷ đồng) mà theo ông là chỉ riêng ông là tác giả kịch bản, không liên quan tới nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn.

img
Cảnh trong phim “Huyền thoại 1C” đang có tranh chấp bản quyền kịch bản.

Ông Anh Động cho biết: “Tôi chưa từng chấp nhận viết nâng cao kịch bản cho ông Đoàn Minh Tuấn, vì khi Công ty (Công ty CP Tây Nam Phim- đơn vị sản xuất- PV) cung cấp thông tin kịch bản của ông Đoàn Minh Tuấn để tôi tham khảo thì không thể sử dụng được bất cứ thông tin nào từ đề cương đó…

Vậy tôi kính đề nghị quý cơ quan có biện pháp chấn chỉnh, yêu cầu Công ty CP Tây Nam Phim xử lý lại hạng mục tác giả đề lại: “Kịch bản văn học nâng cao: Anh Động”, đúng theo công lao sáng tạo nghệ thuật của tôi đóng góp cho sự thành công của bộ phim “Huyền thoại 1C”, đúng theo cam kết hợp đồng đã ký”.

Trong khi đó, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn vẫn khẳng định với báo chí, kịch bản của ông đã được Hội đồng duyệt kịch bản của Cục Điện ảnh thông qua. Bộ VHTTDL sau đó ra quyết định làm phim “Huyền thoại 1C” do nguyên Thứ trưởng Lê Tiến Thọ ký.

Ông Tuấn không hề biết Công ty CP Tây Nam Phim đã mời ông Anh Động tham gia viết kịch bản nâng cao cho kịch bản “Huyền thoại 1C” của mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong Hợp đồng số 02/10/HĐTG/TNF ký ngày 22.8.2010 giữa bên A là ông Hồng Quốc Công – Giám đốc Công ty CP Tây Nam Phim và bên B là ông Nguyễn Việt Tùng (bút danh Anh Động) thì tại Điều 1 có nêu rõ: “Bên A đồng ý giao và nhà văn Anh Động đồng ý viết 20 tập kịch bản văn học nâng cao cho phim “Huyền thoại 1C”. Bên A chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về tổng thể đề cương kịch bản của biên kịch Đoàn Minh Tuấn và Bản giám định Kịch bản số 193/ĐA-NT của Hội đồng T.Ư thẩm định và tuyển chọn kịch bản “Huyền thoại 1C” và đồng thời hoàn toàn chịu trách nhiệm về phần bản quyền cho thông tin được cung cấp nếu có tranh chấp xảy ra”.

Như vậy, rõ ràng phim “Huyền thoại 1C” có nhiều hơn 1 tác giả kịch bản và khi ký kết hợp đồng, nhà văn Anh Động cũng biết rõ đã có một kịch bản của tác giả Đoàn Minh Tuấn để làm phim này.

Làm sao cho thuận?

Trao đổi với PV NTNN, nhà văn Anh Động cho biết: “Tôi chỉ có yêu cầu, trên phim phải đề rõ: “Tác giả kịch bản văn học nâng cao: Nhà văn Anh Động” chứ không phải “Tác giả kịch bản nâng cao”, rõ ràng phía Công ty CP Tây Nam Phim đã hứa với tôi như thế nhưng không thực hiện. Hết thời hạn khiếu nại mà vẫn chưa được giải quyết, tôi sẽ đưa vụ việc ra tòa”.

Trong giải trình của Công ty CP Tây Nam Phim gửi Bộ VHTTDL và Cục Điện ảnh, ông Hồng Quốc Công cho biết, sau khi đăng ký bản quyền với Cục Bản quyền tác giả vào ngày 14.8.2009, về thủ tục pháp lý, biên kịch Đoàn Minh Tuấn chính là tác giả của kịch bản phim truyền hình “Huyền thoại 1C”.

Tuy nhiên, sau đó ông Tuấn đã đồng ý để Công ty CP Tây Nam Phim nâng cao chất lượng kịch bản phim theo yêu cầu của độ dài phim, vì thế mới có sự tham gia của nhà văn Anh Động sau này. Ngày 22.11.2011, công ty đã có thỏa thuận với ông Anh Động sẽ để tên ông là “tác giả kịch bản văn học nâng cao” trên phim. Theo quan điểm của nhà sản xuất, vì bộ phim là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử nên càng có nhiều tác giả tên tuổi đóng góp công sức lao động thì giá trị và độ thuyết phục của phim càng cao.

Sáng 25.10, trao đổi với PV NTNN, một đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết:

“Sau khi làm việc với Cục Điện ảnh và Cục Bản quyền tác giả, tới đây, Bộ sẽ có văn bản chính thức trả lời ông Anh Động theo hướng, căn cứ trên Luật Sở hữu trí tuệ, kịch bản văn học phim “Huyền thoại 1C” do cả ông và ông Đoàn Minh Tuấn cùng tham gia sáng tạo thì cả hai cùng được hưởng các quyền nhân thân đối với phần sáng tạo của mình”.

Theo công văn của Cục Điện ảnh gửi Bộ VHTTDL ngày 4.10.2012 thì trong Hồ sơ kịch bản phim có 2 hợp đồng, 1 ký với ông Đoàn Minh Tuấn, 1 ký với ông Anh Động và theo thuật ngữ chuyên ngành, “tác giả kịch bản” và “tác giả kịch bản văn học” là tương đương nhau. Vì vậy, trên phim, nhà sản xuất đã đề “kịch bản Đoàn Minh Tuấn”, “kịch bản nâng cao Anh Động” thì “kịch bản” ở đây có nghĩa “kịch bản văn học”.

Tóm lại, sự vụ lùm xùm này chỉ xuất phát từ chỗ, Công ty CP Phương Nam Phim là người đứng giữa 2 tác giả kịch bản đã giải quyết vấn đề chưa chuyên nghiệp.

Nếu xét thấy đúng như nhà văn Anh Động nói rằng ông hoàn toàn không sử dụng một chi tiết nào của kịch bản của ông Đoàn Minh Tuấn thì phải công nhận “kịch bản nâng cao” đó là một kịch bản độc lập với tên gọi khác, còn ngược lại, phải chứng minh rõ giữa 2 kịch bản này có sự liên quan hơn là giải thích “càng có đông tác giả thì giá trị và độ thuyết phục phim càng cao”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem