Vĩnh biệt nhạc sĩ Thuận Yến: Còn mãi một tình yêu bao la

Thứ hai, ngày 26/05/2014 11:19 AM (GMT+7)
Trong các nhạc sĩ viết về Bác Hồ, ông là một người xuất sắc; trong các nhạc sĩ viết cho tình yêu lứa đôi, ông cũng là một tên tuổi hàng đầu... Thuận Yến - trái tim nồng nhiệt dịu dàng đã ngừng đập ở tuổi 83, nhưng tình yêu ông để lại thì còn mãi.
Bình luận 0
14 ca khúc về Bác Hồ

Nếu có giải thưởng cho nhạc sĩ viết nhiều và viết hay nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắc không ai khác ngoài nhạc sĩ Thuận Yến. Tuyển tập ca khúc Thuận Yến có tới 14 ca khúc viết về Hồ Chủ Tịch với những bài cả nước đã từng yêu và thuộc nằm lòng như “Bác Hồ - một tình yêu bao la”, “Người về thăm quê”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Miền Trung nhớ Bác”...

Nhạc sĩ Thuận Yến.
Nhạc sĩ Thuận Yến.

Chất nhạc của Thuận Yến thấm đẫm tính dân gian. Từng câu ví điệu hò miền Trung, chất chèo, ca trù nhấn nhá của miền Bắc và cái mênh mang trong điệu lý Nam Bộ đã hòa trộn trong các ca khúc viết về Bác Hồ, tạo nên một sắc thái riêng. Không người Việt Nam nào có thể quên tiếng hát của NSND Thanh Hoa mỗi ngày 19.5 lại vang lên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam: “Bác Hồ- Người là niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại…”. Bài hát về một vị lãnh tụ nhưng nhẹ nhàng như một câu chuyện kể, đi sâu vào lòng người bằng giai điệu đẹp, êm dịu, mượt mà. Đó là thế mạnh của nhạc sĩ Thuận Yến.

Nhạc cũng như tính cách của ông, gần gũi, giản dị nhưng đậm sâu tình nghĩa, hàng trăm ca khúc của Thuận Yến được rất nhiều người Việt yêu và hát lên, suốt những năm dài chiến tranh cho đến khi hòa bình lập lại. Nhiều giai điệu đã in sâu, đã trở thành thân thương và bình dị như đời sống. Ông viết nhạc cho người lính, như màu xanh bộ quân phục gắn bó suốt đời ông- “Gửi em ở cuối sông Hồng” (thơ Dương Soái), “Con gái mẹ đã trở thành chiến sĩ”, “Màu hoa đỏ”…

Hình như trong hành trang người lính nào cũng mang theo câu hát: “Anh ở biên cương, sương lạnh giá biết mùa đông tới, nơi quê hương em bước vào vụ mới. Mà anh thương em, đồng quê chưa cấy hết, chân ngập em ngập dưới bùn, lúa cấy thẳng hàng không…”. Với ca từ và giai điệu đẹp như một lá thư rưng rưng ngập tràn tình yêu thương cháy bỏng, “Gửi em ở cuối sông Hồng” đã trở thành nốt nhạc son trong tâm hồn biết bao người.

Khắc khoải tình yêu

Mảng ca khúc lớn mà Thuận Yến thành công nhất, phải kể đến những sáng tác cho tình yêu, cho giấc mơ lứa đôi bình dị mỗi đời người. Hàng loạt ca khúc tình yêu của ông có sức sống bất tận, không bao giờ cũ, như những viên ngọc càng qua thời gian càng tỏa sáng. “Chia tay hoàng hôn”, “Đi trong hương tràm”, “Khát vọng”, “Tình yêu không lời”, “Em tôi”, “Thì thầm với dòng sông”…- những ca khúc chỉ nghe qua một lần đã yêu, đã nhớ.

Nhạc sĩ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15.8.1932 quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V từ năm 1949, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông mất lúc 12 giờ ngày 24.5 tại Hà Nội.

Thuận Yến thường chọn phổ nhạc cho những bài thơ hay, như “Khát vọng” của Đoàn Thị Lam Luyến, “Chia tay hoàng hôn” và “Thì thầm với dòng sông” của Phan Vũ, nhưng không thể phủ nhận, chính phần âm nhạc tuyệt đẹp của ông đã mang đến một sức sống mới cho thơ.

Với giọng hát mang phong cách tình ca quê hương của các tên tuổi lớn như NSND Thu Hiền, NSND Trung Đức hay các thế hệ về sau như Anh Thơ, Tân Nhàn..., chất dân gian đẹp đẽ trong các ca khúc của Thuận Yến lại càng có cơ hội tỏa sáng. Nghe lẩn quất trong câu ca “Đời hai ta hai ngả chẳng thong dong, anh cánh cò em cánh vạc bên sông, nỗi nhớ đằm sâu trong hương lúa, tìm hơi nhau trong hun hút gió đồng…” là vùng thiên nhiên thơ mộng chứa đựng bao kỷ niệm tình yêu đôi lứa mà đời người ai cũng muốn mang theo.

Thuận Yến là một người cha yêu thương con hết mực, chính vì con gái Thanh Lam mà ông đã viết thành công khá nhiều bài nhạc trẻ- như một nỗ lực làm mới mình. Những ca khúc như “Vị đắng tình yêu”, “Tình yêu không lời”… nằm trong trường hợp này. Thanh Lam là người hát thành công nhất ca khúc “Chia tay hoàng hôn” của cha, bài hát mang theo bao kỷ niệm của cha mẹ cô - cuộc chia tay ở chiến trường Đường 9 Khe Sanh (Quảng Trị) khi họ mới cưới nhau, để bà Thanh Hương ra Bắc, đem đến cho đời một nhạc phẩm vô cùng day dứt.

Những năm cuối đời, nhạc sĩ Thuận Yến vướng nhiều bệnh tật, ác nghiệt nhất là alzheimer- bệnh mất trí nhớ ở người già, người yêu nhạc thiệt thòi khi không được đón nhận thêm các sáng tác mới của ông. Từ ngôi nhà nhỏ rợp bóng cây trong ngõ đường Đê La Thành (Hà Nội), ông đã sống đến hơi thở cuối cùng trong tình yêu của vợ con và các con cháu.

Người đàn ông xứ Quảng hiền lành, nhỏ nhẹ với nụ cười hiền lành thường trực trên môi đã rời xa cuộc đời này, cũng dịu dàng như khi ông đến. Nhưng có lẽ sẽ không ai lãng quên ông, bởi những tác phẩm ông để lại trên suốt hành trình ngợi ca vẻ đẹp bất tận của tình yêu đã dâng hiến cho đời sống những phút giây tuyệt vời đẹp đẽ.

Trộm nghĩ, để nhìn ra cái tình yêu bao la trong tim Bác Hồ- vị lãnh tụ vĩ đại- thì hẳn ông, tác giả của ca khúc cũng mang trong tim mình một tình yêu bao la dành cho con người và cho cuộc đời. Chính vì thế mà cái tên Thuận Yến ở lại với cuộc đời mãi mãi.
Mai An (Mai An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem