Vũ Đình Long - Người của những lần đầu tiên

Chủ nhật, ngày 21/08/2011 12:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời Vũ Đình Long sinh ra và lớn lên, đất nước đã hoàn toàn bị Pháp xâm lược và đang tiến hành chính sách khai thác thuộc địa. Trong buổi giao thời Á-Âu, ông đã nhanh chóng nắm bắt những cái mới từ phương Tây đưa lại để góp công sức mình xây đắp nền văn hóa mới Việt Nam hiện đại.
Bình luận 0

Trước hết Vũ Đình Long làm kịch. Làng quê Bắc Bộ đưa nôi ông bằng lời ru dân ca, bằng những câu chèo. Nhưng ông học trường Pháp, ông đọc văn chương Pháp và thấy có một loại hình sân khấu mới là kịch nói. Thế là ông dùng ngay hình thức nghệ thuật mới này của phương Tây để nói chuyện xã hội mình đang sống.

Vở kịch nói “Chén thuốc độc” ông viết được đăng trên Tạp chí Hữu Thanh (8.1921) và được công diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 22.10.1921. Và đó là ngày khai sinh ngành kịch nói Việt Nam. Vũ Đình Long trở thành người mở màn nền kịch nói, cùng với Phan Khôi mở màn thơ mới và Hoàng Ngọc Phách mở màn tiểu thuyết – ba thể loại văn học chưa có trước đây ở Việt Nam.

Tiếp đến Vũ Đình Long làm xuất bản. Việc này cũng chưa có tiền lệ ở nước ta. Đầu tiên ông mở một hiệu sách bán sách của người khác in. Rồi ông lập nhà in, in sách. Rồi ông khai trương một nhà xuất bản mang tên Tân Dân. Nhưng ông không làm sách báo bình thường, mà chủ ý vào văn chương, nghệ thuật, hướng đến đông đảo người đọc. Cho nên ông kéo được nhiều nhà văn của buổi đầu văn học Việt Nam hiện đại cộng tác với mình ra sách, ra báo.

Chính sự nhanh nhạy, tháo vát trong công việc, đầu óc luôn tìm tòi, đổi mới của Vũ Đình Long đã thu hút được nhiều văn tài đến với ông. Nói như lời nhà văn Vũ Bằng, người có nhiều năm cộng tác với nhà Tân Dân thì Vũ Đình Long là “một người cần mẫn, có tài, có học và có nhiều kinh nghiệm về nghề làm báo”.

Đóng góp của Vũ Đình Long cho văn hóa văn nghệ thật sự là to lớn và đậm nét. Bài viết của ông về Truyện Kiều đăng trên Tạp chí Nam Phong (1924) là một thiên khảo cứu công phu, rành rọt, cho thấy ở ông năng lực nghiên cứu và tấm lòng đối với gia tài tinh thần của cha ông. Khi bước vào thời đại dân chủ cộng hòa, Vũ Đình Long đã tham gia tích cực ở Hội Văn hóa cứu quốc, Hội Nhà văn Việt Nam mà ông là hội viên từ ngày đầu thành lập (1957), Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam mà ông tham gia Ban Chấp hành từ khóa I.

Tấm gương Vũ Đình Long - nhà viết kịch, ông chủ báo, chủ xuất bản, một con người từ làng quê ra thành phố lập nghiệp và thành công, có công lao với đất nước, cần được ghi nhận xứng đáng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem