Gian truân nghề bó chổi bông sậy ở miền Tây

Bài, ảnh: Ba Cần Thơ Thứ hai, ngày 24/08/2015 19:01 PM (GMT+7)
Chúng ta ai cũng biết cây chổi làm bằng bông đót xuất xứ từ các tỉnh miền Trung và phổ biến rộng rãi trong cả nước. Nhưng ít người biết, ở miền Tây cũng có nghề làm chổi với nguyên liệu chính là bông sậy.
Bình luận 0

Nghề bó chổi bông sậy không phải là nghề mới ở miền Tây vì nó xuất hiện từ lâu ở các tỉnh như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau,… nơi vùng đất hoang hóa có nhiều lau sậy. Nhưng mấy ai ngờ rằng ngay tại trung tâm TP.Cần Thơ lại có nghề bó chổi bông sậy mà vùng nguyên liệu chính lại ở nơi đây.

Nếu có dịp đi trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (gần chợ Mỹ Khánh – Phong Điền  TP.Cần Thơ) chúng ta sẽ bắt gặp những bó bông sậy phơi đầy 2 bên lề đường. Ghé thăm một gia đình có nghề truyền thống, chúng tôi được chủ nhân vui vẻ chia sẻ về cái nghiệp làm chổi này.

Anh tên Nguyễn Văn Mì, và vợ Nguyễn Thị Mai, ngụ tại TP.Long Xuyên, làm nghề bó chổi bông sậy truyền thống đã hơn 10 năm do cha mẹ truyền lại. Trong một dịp về Cần Thơ thăm bà con nơi xã Mỹ Khánh, anh quan sát thấy những khu đất tái định cư nhưng chưa xây dựng ở nơi đây, lau sậy mọc hoang đầy và trổ bông rất nhiều, không ai khai thác, bỏ phí “của trời cho” rất oan uổng. Vì yêu nghề truyền thống, anh chị bèn đề xuất với người thân nên khai thác nguồn nguyên liệu bông sậy nơi đây để làm chổi, bán kiếm chút đỉnh thu nhập để chi tiêu cho gia đình.

Theo anh Mì, mùa sậy ra bông từ tháng Sáu đến tháng Chín, nhưng thu hoạch bông tốt nhất từ tháng Sáu đến tháng Bảy, còn những tháng cuối bông sậy già quá sẽ không sử dụng được. Hàng ngày, anh chị và người thân cứ mang dụng cụ (móc, dao, bao) vào những đám sậy để hái bông, lấy công làm lời. Ở những nơi có nhiều bông, nếu hái giỏi, thu hoạch được khoảng 40 – 50 kg/ngày. (Giá thu mua hiện nay ở những nơi khác, bông sậy ướt: 5.000đ/kg, bông khô: 15 - 20.000 đ/kg). Công việc nhìn bên ngoài tuy đơn giản nhưng cũng lắm hiểm nguy vì có khi gặp phải ong, rắn độc.

Sau khi hái bông về phải trải qua rất nhiều công đoạn để hoàn thành một cây chổi như: Trước tiên, bông sậy hái về lặt bỏ lá, phơi khô bông (khoảng 2 nắng), nếu nắng tốt bông sẽ vàng sáng đẹp, bó thành từng bó. Kế đến, dùng tay tách thành từng tép, và dùng chày dần cọng bông sậy cho mềm, bắt con (bó thành từng lọn nhỏ), vô mái chổi (làm thành như mái chèo) rồi may (4 đường chỉ), tra cán trúc (dài khoảng 7 tấc). Cuối cùng, dùng dây lát ốp xung quanh cán, và dùng dây gân quấn lại, lấy dao bén xén phần ngọn bông cho gọn và cong đều là xong.

Một cây chổi sử dụng khoảng 100 bông khô cùng những tép bông nhỏ. Bình quân mỗi ngày, 2 vợ chồng anh làm được khoảng 10 cây chổi bông sậy. Giá bán ra (tùy theo trọng lượng và kích cỡ): Loại chổi (250 gram): 20.000đ/cây; loại chổi (350 gram): 30.000đ/cây; loại chổi 500 gram): 40.000đ/cây. Tính bình quân thu nhập trong tháng (trừ các chi phí), gia đình anh dư được khoảng: 8 - 9 triệu đồng.

“Hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất nhựa tổng hợp phát triển, những cây chổi quét nhà bằng nhựa đủ màu sắc rất bắt mắt nhưng không được các bà nội trợ ưa chuộng vì không được mềm mại, quét bụi không sạch. Nghề làm chổi bông sậy truyền thống của gia đình anh chị sẽ còn đất sống nếu những cánh đồng sậy vẫn còn và thị trường vẫn còn chấp nhận.” -  chị Mai, vợ anh Mì, bộc bạch như thế!...

img

Bông sậy nở đầy ở những khu dân cư chưa xây dựng.

img

Thu lượm bông sậy.

img

Tước bỏ bẹ lá để lấy bông.

img

Bông sậy đem phơi khô.

img

Chị Nguyễn Thị Mai tươi cười bên những thành phẩm do chính bàn tay khéo léo của mình làm ra.

img

Thành phẩm chổi bông sậy chờ bán cho khách hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem