Bám chữ nơi vùng biên

Ngọc Vũ - Nguyễn Lánh – Duy Hậu Thứ bảy, ngày 03/10/2015 06:52 AM (GMT+7)
Băng suối, lội bộ hàng km đường rừng để đến lớp; học sinh bán trú 2-3 em ngủ chung trên chiếc giường chỉ rộng 1m, thậm chí phải... ngủ trên bàn học. Khó khổ là thế, nhưng thầy trò ở những xã vùng biên này vẫn kiên trì bám chữ. Phóng viên NTNN đã ghi nhận câu chuyện này ở một số địa phương như thế.
Bình luận 0

Ngủ trên... bàn học

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Nang (xã Ba Nang, huyện Đakrông) rất may mắn được Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị xây dựng nhà bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Nhìn các em học sinh phải sống trong 2 phòng ở chật hẹp, dột nát, giường gỉ sét, hư hỏng, nhiều em không có tiền mua nổi tấm chiếu, tấm chăn để nằm mà không khỏi xót thương. Em Hồ Thị Vai – học sinh lớp 9, nhà ở thôn Bù (Ba Nang) cách trường 17km, do đường đi hiểm trở nên em được ưu tiên ở nhà bán trú. Một đến hai tuần Vai mới băng rừng về nhà để vác gạo lên trường. “Ở nhà bán trú chật chội, 2 đến 3 bạn ngủ chung trên chiếc giường rộng chỉ 1m. Có bạn không chịu nổi, tối đến đành ra hành lang hoặc ngủ trên bàn học… lạnh lắm ạ!”- Vai cho biết.

img

Hàng ngày các em đi học ở điểm trường Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) phải qua hai lần lội suối. Ảnh: NGỌC VŨ

Thầy giáo Lê Thanh Tùng – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Năm nay trường có 350 học sinh thì đến 200 em có nhu cầu bán trú nhưng trường chỉ đáp ứng được 50 em. Hệ thống điện, đèn thắp sáng, quạt trần đã hư hỏng từ lâu nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, khiến học sinh phải sống trong cảnh tối tăm, nóng bức.

Cõng con qua suối đi học

"   Thấy con đi học phải lội qua con suối nước chảy xiết mà thương quá. Vào mùa nước lớn, mình không cho con đi học vì sợ nguy hiểm nhưng nó cứ nằng nặc đòi đi. Vậy là mình phải bỏ dở việc làm rẫy để cõng con qua suối”.
Anh Hồ Văn Dưng

Hàng trăm năm qua, các bản Cây Sú, Cổ Tràng, Tân Sơn thuộc xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nằm bên tả ngạn sông Long Đại, như một ốc đảo lọt thỏm giữa Trường Sơn đại ngàn. Nơi đây, các em học sinh tiểu học vẫn hằng ngày phải lội sông, suối đến trường và phải học bài dưới ánh đèn dầu. Vào mùa mưa lũ, nước sông lên cao, nhiều học sinh đành chấp nhận nghỉ học vì dòng nước quá sâu. Nhiều em khi qua suối bất cẩn bị trượt ngã, khiến các phụ huynh rất lo lắng. Anh Hồ Văn Dưng ở bản Cây Sú nói: “Thấy con đi học phải lội qua con suối nước chảy xiết mà thương quá. Vào mùa nước lớn, mình không cho con đi học vì sợ nguy hiểm nhưng nó cứ nằng nặc đòi đi. Vậy là mình phải bỏ dở việc làm rẫy để cõng con qua suối.”

Còn việc dạy chữ của các thầy cô nơi đây cũng gặp muôn vàn khó khăn vì học sinh học tiểu học nhưng không hề qua học các lớp mầm non, nên vào lớp 1 các thầy, cô phải gánh thêm công việc dạy tiếng Kinh để các em có thể tiếp cận với kiến thức phổ thông, đồng thời cũng kiêm luôn công việc dạy học thể dục, tạo sân chơi cho học sinh trong những giờ ra chơi. Khi màn đêm buông xuống, các thầy phải đội đèn pin trên đầu soạn từng trang giáo án, chấm điểm từng bài kiểm tra cho học trò. Thầy giáo Nguyễn Đức Lành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Sơn cho biết: “Sự học gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng các thầy vẫn cắm bản, cắm lớp truyền dạy kiến thức cho các em học sinh”.

Những năm 1990, người Mông ở phía bắc di cư vào Noh Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) sinh sống và dần dà lập thành thôn với gần 2.500 người. Nhưng tình trạng giao thông khó khăn khiến người trong thôn gần như bị biệt lập với bên ngoài. Trước nguy cơ có nhiều trẻ em trong thôn bị thất học, năm 2001, ngành giáo dục huyện đã thành lập điểm trường tại đây. Hàng năm, các trường sẽ cắt cử luân phiên giáo viên để vào phụ trách. Tính đến thời điểm hiện tại, điểm trường tại thôn này đã được đầu tư 4 phòng học kiên cố, 9 phòng học tạm với hơn 700 học sinh từ mầm non đến bậc THCS. 

Mong mỏi một cây cầu

15 năm qua, kể từ khi điểm trường tại thôn Noh Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) thành lập, cứ vào mùa mưa, sau khi thử “cảm giác mạnh” trên cây cầu gỗ tạm bợ bắc qua sông Krông Na chảy xiết, muốn đến được Noh Prông người đi còn phải “hì hục” trên “suối bùn” vắt vào tận thôn. Bất kể giáo viên nào vào điểm trường Noh Prong đều có chung một mơ ước đó là có một cây cầu vững chắc để đi lại bớt nguy hiểm. “Sau một lần bị rơi xuống sông khi đến lớp dạy, tôi mới thấy hết những hiểm nguy rình rập trên cây cầu tạm bợ này. Ở đây, không chỉ có giáo viên mà tất cả người dân đều chung mong muốn có một cây cầu”- thầy Y Thông – giáo viên điểm trường Noh Prông tâm sự.

Theo ông Y Liệu Niê- Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, năm 2012, thực hiện dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do, thôn Noh Prông được Nhà nước đầu tư 1,7 tỷ đồng để xây dựng giao thông nội vùng và cầu treo dây võng cùng điểm trường kiên cố cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay dự án này vẫn chưa được hoàn thiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem