Bộ trưởng Nhạ: Sư phạm “u ám” nhưng không được... sốt ruột

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 11/08/2017 14:41 PM (GMT+7)
Lo lắng về “thảm họa” điểm đầu vào sư phạm quá thấp trong mùa tuyển sinh năm nay, lãnh đạo nhiều trường ĐH đã lên tiếng “hiến kế” để giải cứu ngành sư phạm.
Bình luận 0

Thí sinh giỏi đổ xô vào các trường An ninh, Quân đội trong khi ngành sư phạm “ế chỏng chơ” phải lấy mức điểm chuẩn đầu vào thấp đến… thảm họa là vấn đề được lãnh đạo các trường ĐH đưa ra mổ xẻ nhiều trong những ngày qua.

Trả lời phóng viên Dân Việt xung quanh vấn đề này, ngày 11.8, TS Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng ĐH Hàng Hải Việt Nam cho rằng, xu hướng đó là tất yếu. Thí sinh vào các trường An ninh, Quân đội được “bảo trợ” từ A – Z, không chỉ không phải lo học phí mà còn được miễn phí ăn, ở, quần áo đồng phục. Điểm quan trọng nhất là ra trường không sợ thiếu việc làm. Trong khi đó sư phạm thì sao? Hiện đang có mấy chục ngàn giáo viên thất nghiệp. “Tôi cho rằng, một số ngành đất nước cần, xã hội cần nhưng sinh viên… không cần thì nên có chính sách hỗ trợ phù hợp để duy trì được chất lượng. Nếu ngành giáo dục giải được bài toán việc làm cho sinh viên sư phạm thì chắc chắn điểm đầu vào sư phạm sẽ tăng” – ông Nhớ nói.

GS. TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì cho rằng, Các trường CĐ sư phạm ở các địa phương đang tuyển sinh vượt ra khỏi sự kiểm soát của Bộ GD ĐT. Theo ông Minh, cần sớm có giải pháp trả lại công tác giáo dục về chính cho ngành giáo dục chứ không thể để trôi nổi cho các địa phương quản lý.

Giải thích điều này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD ĐT) cho biết, tuần tới Bộ sẽ có buổi họp chuyên đề riêng với các trường ĐH sư phạm về vấn đề này. Theo bà Phụng, Bộ GD ĐT đang xây dựng đề án quy hoạch lại hệ thống các trường đào tạo sư phạm theo đúng chuẩn.

img

Nếu ngành giáo dục giải được bài toán việc làm cho sinh viên sư phạm thì chắc chắn điểm đầu vào sư phạm sẽ tăng (Ảnh minh họa IT).

“Bộ sẽ xây dựng chuẩn riêng cho các trường đào tạo sư phạm. Sau đó, Bộ sẽ rà soát theo chuẩn để phân loại các trường. Trường nào mạnh, đạt chuẩn sẽ được đầu tư, trường nào yếu, điểm chuẩn thấp vẫn không có người học sẽ phải đóng cửa, giải thể hoặc sát nhập trở thành trường vệ tinh của các trường lớn. Khi làm được điều đó sẽ có giải pháp “đặt hàng” đầu ra cho các cử nhân sư phạm. Những em nào học giỏi sẽ được ưu tiên về việc làm sau khi ra trường. Đề án sẽ có những giải pháp để ngành sư phạm không bị thị trường can thiệp chi phối về đầu vào, đầu ra” – bà Phụng nói.

img

Quy mô đào tạo của các trường ĐH Sư phạm hiện nay. 

Nhấn mạnh thêm, Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc quy hoạch hệ thống trường sư phạm cần thời gian, quá trình chứ không thể chỉ trong vòng 1-2 năm.

“Ngành sư phạm đang “u ám” nhưng chúng ta không được sốt ruột, sốt ruột là hỏng. Bộ GD ĐT đã có kế hoạch chỉnh đốn lại hệ thống đào tạo sư phạm, sẽ làm quyết liệt nhưng không ồ ạt. Tất cả những bức xúc Bộ GD ĐT đã nhìn thấy hết như chính sách đầu tư, tuyển dụng, chế độ đãi ngộ của ngành. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, để khắc phục cần có thời gian” – ông Nhạ nói.

Ông Nhạ cũng cho rằng, đối với ngành sư phạm điểm đầu vào không phải là thứ duy nhất. Bởi lẽ, giáo viên không chỉ cần kiến thức mà còn cần tài năng, kỹ năng. Ví dụ như giáo viên mầm non cần kỹ năng về múa hát và phẩm chất yêu trẻ… những thứ đó một thí sinh điểm đầu vào cao chưa chắc đã có được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem