Các trường đại học thực hiện tự chủ: Tiền tăng, chất lượng có tăng?

Tùng Anh Thứ tư, ngày 28/10/2015 06:32 AM (GMT+7)
Dự kiến năm 2018, tất cả các trường đại học (ĐH) đều phải thực hiện tự chủ mọi mặt từ tài chính đến đào tạo. Tự chủ có nghĩa là tăng học phí nhưng chất lượng đào tạo vẫn mơ hồ...
Bình luận 0

Tự chủ = nâng học phí

Như NTNN đã thông tin, Nghị định 86/2015 quy định về mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí ở các trường công lập sẽ có hiệu lực từ ngày 1.12.2015. Mức học phí tăng tối đa năm học 2015 - 2016 của các trường ĐH được thí điểm tự chủ có thể lên tới hơn 44 triệu đồng/năm. Còn ở những trường chưa thực hiện tự chủ tài chính là 8,8 triệu đồng/năm. Trong khi các trường chưa thực hiện tự chủ còn đang cân nhắc xây dựng kế hoạch tăng học phí theo lộ trình, thì mức học phí của các trường được tự chủ đã... tăng vọt.

img

Các trường đại học tự chủ, áp lực học phí đổ lên đầu sinh viên (ảnh minh họa: Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015).  Ảnh:   T.A

Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, hiện nay đã có 12 trường ĐH công lập được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm mô hình tự chủ. ĐH Ngoại thương thí điểm tự chủ ngay từ năm học 2015 - 2016. Cụ thể, năm học 2015 – 2016 mức học phí là 14,5 triệu đồng/năm; năm học 2016 – 2017 là 16 triệu đồng/năm. Tương tự, mức học phí của Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ lần lượt tăng trong các năm 2015-2016-2017 là 13 triệu đồng/năm; gần 15 triệu đồng/năm và hơn 17 triệu đồng/năm (mức học phí của trường này năm trước là khoảng 10 triệu đồng/năm).

Các trường ĐH khác cũng đã có lộ trình tăng học phí khá cao như Trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh và ĐH Tài chính – Marketing. Cụ thể mức học phí năm học 2015 – 2016 của 2 trường này cũng tăng lên 14,5 – 15 triệu đồng/năm; các năm học tiếp theo sẽ điều chỉnh tăng từ 2 – 2,5 triệu đồng/sinh viên/năm.

Theo PGS-TS Phạm Văn Liên – Phó Giám đốc Học viện Tài chính: “Mục tiêu của tự chủ là nâng cao chất lượng đào tạo. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì trường phải đào tạo được đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất tốt, chương trình cải tiến...  Những điều này đều cần tiền, muốn có tiền phải có sinh viên, muốn thu hút được sinh viên phải có chất lượng đào tạo... Trong giai đoạn chất lượng chưa tăng mà muốn thu hút sinh viên thì rất khó”.

Một số chuyên gia giáo dục khác lo ngại, việc trao tự chủ nếu làm không tốt sẽ biến các mô hình tự chủ thành... tự trị, trong đó có vấn đề tăng học phí. Nhiều người băn khoăn liệu tăng học phí có tỷ lệ thuận với tăng chất lượng đào tạo?

PGS-TS Phạm Hồng Chương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: “Các trường tự chủ phải lấy chất lượng làm vũ khí cạnh tranh sống còn, tự chủ không có nghĩa là chỉ nâng mức học phí, ngoài những quyết định về học phí còn nhiều quyết định khác quan trọng cần phải làm nếu muốn cạnh tranh khi đã được phân tầng như chiến lược phát triển, đào tạo giáo viên...”.

Đổ gánh nặng lên sinh viên

"  Giao quyền tự chủ không có nghĩa là Nhà nước “buông tay” hoàn toàn mà phải tạo ra các công cụ để kiểm tra và giám sát việc thu chi minh bạch và có cơ chế đảm bảo cơ hội học tập cho sinh viên nghèo”. 
 PGS-TS Phạm Hồng Chương 

Theo các chuyên gia giáo dục, việc tăng học phí là tất yếu khi các trường thực hiện tự chủ phải tự hạch toán chi tiêu và không còn dựa  hoàn toàn vào nguồn ngân sách nhà nước. Tuy vậy, gánh nặng về tự chủ dường như lại đang đổ lên đầu... sinh viên.

Không hiểu rõ khái niệm tự chủ đại học, nhưng nghe nói tự chủ là phải tăng học phí, em Nguyễn Thị Ninh (sinh viên ĐH Ngoại thương) khá lo lắng: “Gia đình em chỉ làm nông nghiệp, thu nhập thấp, để có tiền cho em đi học bố mẹ đã phải vay vốn hỗ trợ sinh viên và vay vốn qua hội phụ nữ xã. Số nợ này, sau khi đi làm em sẽ phải trả. Nếu học phí tăng thêm gia đình em sẽ không biết phải xoay thế nào. Năm tới em gái em sẽ thi vào ĐH”.

Đó cũng là lo lắng của PGS-TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội nếu trường phải tự chủ tài chính. Theo ông Hinh, các trường đào tạo y, dược từ trước đến nay luôn có thời gian đào tạo dài nhất, học phí cao nhất. “Tới đây các trường phải tự chủ, mức học phải tăng theo quy luật, nhưng học phí tăng nhanh và nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến người học, nhất là những em có mơ ước vào ngành y”. Ông Hinh đề xuất: “Đi kèm với lộ trình tự chủ, Chính phủ cần đẩy mạnh hệ thống hỗ trợ tài chính cho người học, mức hỗ trợ phải tăng nhiều hơn, thủ tục nhận hỗ trợ phải đơn giản, dễ dàng hơn. Vì đi vay để học sẽ là gánh nặng cho mỗi sinh viên nhưng cũng là động lực để các em phấn đấu học tập ra trường có việc làm để... trả nợ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem