Chưa chất vấn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã bị “xoay”

Quốc Ngọc Thứ tư, ngày 09/07/2014 15:59 PM (GMT+7)
Dù chưa đến các phiên chất vấn, nhưng trong ngày làm việc thứ 2, người đứng đầu ngành giáo dục thành phố đã bị đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc chuẩn bị năm học mới.
Bình luận 0

Sáng 9.7, sau phần thông tin về tình hình Biển Đông, các đại biểu tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phần báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ và các vấn đề kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014 của thành phố.

Các ý kiến trong phiên thảo luận tổ chiều 8.7 đã được bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM - nhắc lại như các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội đã vững chắc hay chưa, vấn đề ngập nước, ô nhiễm môi trường, tình hình trộm cắp, tệ nạn xã hội, ma túy… đang khiến người dân lo lắng.

Vấn đề được bà Tâm và các đại biểu quan tâm nhất chính là các thắc mắc liên quan đến việc chuẩn bị cho năm học 2014-2015 và đề xuất thực hiện đề án chương trình tích hợp tiếng Anh.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở  GD-ĐT TP.HCM cho biết, chuẩn bị năm học mới, Sở GD-ĐT đã có kế hoạch gắn với chủ trương xuyên sốt là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đổi mới nội dung và phương pháp học tập.

img 
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn trả lời các câu hỏi của đoàn chủ tịch HĐND TP.HCM khóa VIII tại kỳ họp lần thứ 14, sáng 9.7. Ảnh: Quốc Ngọc 

 

Trong nội dung đổi mới, ông Sơn cho biết Sở sẽ có định hướng xin phép cơ chế riêng đặc thù cho TP.HCM thực hiện bộ sách giáo khoa (SGK) mang tính đặc thù của địa phương. Bộ sách này sẽ đáp ứng đủ nội dung và khung của Bộ GD-ĐT. Việc này cũng nhằm đáp ứng chủ trương tiếp theo về học tự chọn, thi tự chọn ở bậc phổ thông của thành phố.

Ở điểm này, bà Tâm yêu cầu lãnh đạo ngành giáo dục thành phố cho biết rõ thời gian thực hiện vì vấn đề xây dựng mới một bộ sách giáo khoa không đơn giản. Ông Sơn trả lời tất cả phải chờ định hướng sắp tới về tổ chức mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập, sẽ triển khai ở các bậc học (tức chủ trương học tự chọn, thi tự chọn ở bậc phổ thông) của thành phố.

Về chủ trương thí điểm sách giáo khoa điện tử bằng cách trang bị máy tính bảng cho học sinh lớp 1, 2 và 3, Sở cũng đã xây dựng kế hoạch.

Ông Sơn khẳng định bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh trong năm học mới. Đối với giáo dục mầm non, ông Sơn cho biết UBND thành phố đã phê duyệt 118 công trình trường mầm non và 24 công trình mầm non cấp bách để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân có con em từ 6 - 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo ông khuyên, nếu có điều kiện, người dân nên giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi ở nhà là tốt nhất.

Trước đây, ngày 17.6, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có tờ trình đề nghị UBND thành phố cho triển khai thí điểm đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam”, gọi tắt là chương trình tích hợp.

Tuy nhiên, trước phản ứng của dư luận và cơ quan ngoại giao, ngày 5.7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT thành phố ngưng ngay việc triển khai thực hiện đề án này.

Song song đó, chính quyền thành phố cũng chỉ đạo nội trong tháng 7.2014, Sở GD-ĐT phải tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thí điểm chương trình Cambridge đã được triển khai trong các trường học công lập tại TP.HCM thời gian qua.

Đồng thời, yêu cầu sở đánh giá kỹ kết quả tích cực, hạn chế, nguyên nhân từng mặt theo đề án thí điểm đã được phê duyệt.

Đặc biệt, Sở GD-ĐT phải giải thích rõ cho UBND thành phố biết vì sao phải ngừng triển khai chương trình này. Việc này ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi của học sinh và phụ huynh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem