Chưa thật sự trao quyền cho các trường đại học

Thứ ba, ngày 10/01/2012 07:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù Luật Giáo dục đại học đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội (QH), dự kiến được thông qua tại kỳ họp tới, nhưng tại cuộc họp trực tuyến ĐBQH chuyên trách hôm qua (9.1) dự luật này vẫn còn nhiều vấn đề chưa có sự đồng thuận.
Bình luận 0

Từ đầu cầu TP.HCM, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, trong những năm qua, nước ta thành lập nhiều trường ĐH tư thục theo mô hình công ty. Nói giáo dục là phi lợi nhuận nhưng bản chất các đại học công ty này là lợi nhuận.

img
Việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học chưa thực chất (ảnh minh hoạ).

Ông Lịch cho biết, phi lợi nhuận ở các trường tư thục phải được hiểu là nguồn bỏ tiền đầu tư không thu lợi nhuận về cho mình mà dành lợi nhuận đó để đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục.

Ông Lịch đề xuất cần khuyến khích phát triển các loại trường theo phương thức trên (có thể do Nhà nước hoặc tư nhân đầu tư). Còn loại hình đại học mô hình công ty chia lợi nhuận thì không nên có ưu đãi.

“Vấn đề này phải được giải quyết một cách căn bản, toàn diện, triệt để, sau đó mới luật hóa. Nếu không, ra luật càng rối rắm và không giải quyết được vấn đề” - ông Lịch khẳng định.

Vấn đề tự chủ của các trường đại học được nhiều đại biểu, chuyên gia giáo dục đặc biệt quan tâm. Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, những năm qua Bộ GDĐT đã cởi mở cho các trường nhưng trong luật này dường như Bộ vẫn còn “vấn vương”.

GS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, việc trao quyền tự chủ cho các trường ĐH hiện nay là chưa thực chất.

GS Đặng Hữu - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, không có quyền tự chủ thì không phát triển được ĐH. Bước sang thời kỳ phát triển trí tuệ, có tự do mới có khoa học, không có ĐH tốt thì không có khoa học tốt, không có tri thức thì không có đổi mới.

“Tại sao lại phải có lộ trình tự chủ, đó thực chất là quay lại cơ chế xin – cho. Bước sang thời đại mới, vai trò quản lý nhà nước cần thay đổi từ kiểm soát sang bà đỡ cho sáng tạo” - GS Hữu gợi ý. Sáng 9.1, các ĐBQH cũng cho ý kiến về Dự án Luật Công đoàn.

* Hôm nay (10.1), Uỷ ban Thường vụ QH sẽ bắt đầu phiên họp thứ 5, kéo dài 2 ngày cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, Luật Quảng cáo, Luật Biển Việt Nam.

Uỷ ban Thường vụ QH cũng thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2012, cho ý kiến về các dự án thành phần và việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem