Còn đào tạo ngược, còn nhiều cử nhân phải giấu bằng xin làm công nhân

Tùng Anh (thực hiện) Thứ bảy, ngày 23/08/2014 06:51 AM (GMT+7)
“Tôi đã nói rất nhiều lần, nền giáo dục Việt Nam hiện đang đi ngược với xu thế các nước tiên tiến trên thế giới. Lẽ ra giáo dục đại học phải siết đầu ra, sàng lọc quá trình đào tạo thì ta chỉ chăm chăm quản lý đầu vào. Anh có nguyên liệu tốt nhưng chế biến ẩu thì chất lượng sản phẩm cũng… nát bét”.
Bình luận 0

PGS - TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam lý giải về con số 162.000 cử nhân thất nghiệp và tình trạng cử nhân giấu bằng ĐH đi làm công nhân.

Ông nghĩ gì về con số 162.000 cử nhân thất nghiệp, không ít người phải giấu bằng, chịu khổ, chịu nhục để “được” làm công nhân trong các khu công nghiệp?

- Đó là một sự lãng phí tiền của của xã hội và công sức đào tạo của Nhà nước mà không chỉ Việt Nam rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng bị… sa lầy. Tuy nhiên, xung quanh con số này, còn có rất nhiều những tác động mang yếu tố ngoại cảnh. Trong đó, suy thoái kinh tế là nguyên nhân lớn tác động mạnh đến điều này. Cả nước đã có hơn 300.000 doanh nghiệp phá sản trong thời gian gần đây. Vậy thử hỏi, nếu không có sự phá sản của 300.000 doanh nghiệp này, mỗi doanh nghiệp chỉ cần tuyển dụng 1 người thì con số thất nghiệp kia chẳng phải giải quyết rất dễ dàng sao?

Nhưng thưa ông, theo các trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực của nước ta, hàng năm vẫn thiếu hàng nghìn lao động cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp vậy mà con số thất nghiệp vẫn rất lớn, như thế không thể đổ lỗi cho suy thoái kinh tế được?

img
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ
 Nước ta hiện có tới 435 trường ĐH, CĐ mà chỉ có 2 trung tâm kiểm định thì làm sao kiểm định được số lượng trường khổng lồ như vậy được. Bộ GDĐT cần có những tiêu chí rõ ràng, xây dựng được khung đánh giá chất lượng, có chế tài cho chính các trung tâm kiểm định nếu kiểm định không tốt.
 
- Tất nhiên, suy thoái chỉ là tác động bên ngoài, chúng ta không né tránh việc đào tạo chất lượng lao động Việt Nam đang có vấn đề. Vấn đề nằm ở tất cả các khâu từ thi tuyển đầu vào, chương trình đào tạo, thi cử, cấp bằng, kiểm định đầu ra mà sản phẩm là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Báo chí cũng nói nhiều đến việc mở trường ĐH ồ ạt, mở ngành không phù hợp với nhu cầu thị trường, nhưng đó chỉ là một góc nhìn thôi. Không vì con số này và những phân tích mà chúng ta khuyên học sinh không nên vào ĐH, CĐ làm gì? Điều đó sẽ làm hoang mang dư luận xã hội.

 

Dư luận cho rằng, Bộ GD ĐT hiện mới chỉ quan tâm đến việc “siết” đầu vào mà thả lỏng quá trình đào tạo và đầu ra, đây cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng cử nhân không được thị trường lao động đón nhận, ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi đã nói rất nhiều lần, nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang đi ngược với xu thế các nước tiên tiến trên thế giới. Lẽ ra giáo dục đại học phải siết đầu ra, sàng lọc quá trình đào thì ta chỉ chăm chăm quản lý đầu vào với quan niệm có nguyên liệu tốt sẽ có sản phẩm tốt như thế là sai lầm. Anh có nguyên liệu tốt nhưng anh chế biến ẩu thì chất lượng sản phẩm của anh cũng… nát bét. Bộ GDĐT bao năm nay vẫn loay hoay với việc thi cử thế nào để vào ĐH, CĐ; việc đòi các trường phải đủ diện tích này, diện tích kia… Vô hình trung đã tạo cho người học thói quen lười biếng.

Vậy theo ông, làm thế nào để “khớp” giữa cung – cầu nhân lực và thị trường lao động trong bối cảnh hiện nay?

- Để “khớp” tuyệt đối thì không thể có, chỉ có thể trở về thời kỳ bao cấp trước đây, nhà nước cử anh đi học rồi về bố trí công việc cho anh trong các cơ quan, xí nghiệp. Chỉ có thể “khớp” một cách tương đối bằng việc Bộ GDĐT phải có chế tài trong việc buộc các trường ĐH-CĐ đào tạo liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy. Các trường trong khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải có cả phương án sẽ liên kết đào tạo, cung cấp nhân lực cho cơ quan, doanh nghiệp nào… Cùng với các doanh nghiệp đó, lôi kéo họ vào quá trình đào tạo, điều chỉnh chương trình đào tạo giữa lý thuyết và thực hành phù hợp với yêu cầu sử dụng lao động của họ chứ không thể cứng nhắc với một khung chương trình như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

  Lãng phí hơn 10.000 tỷ đồng

GS Nguyễn Xuân Hãn - ĐH Quốc gia Hà Nội: “Hiện ta đang có 2,2 triệu sinh viên, con số cử nhân thất nghiệp là 162.000 người, nếu tính rẻ mạt nhất cũng tốn đến 10.000 tỷ đồng tiền mà Nhà nước và xã hội phải bỏ vào đó để đào tạo. Đó là một sự lãng phí khủng khiếp. Con số đó chắc chắn chưa tính đến một số lượng lớn cử nhân phải giấu bằng đi làm công nhân, làm lao động chân tay, đi buôn bán...  công việc này cũng là công việc có thu nhập, nhưng chất xám đào tạo đang bị hủy hoại”.
Tùng Anh (ghi)

Ông Ngô Văn Kha - Trưởng ban văn hóa xã Hữu Bằng (Kiến Thụy, Hải Phòng): Cần có định hướng công việc

“Thực tế, không phải ai học xong ra trường cũng tìm được công việc theo đúng chuyên môn mình học ngay nên có nhiều con em trên địa bàn xã mặc dù được đầu tư cho học hành đỗ đạt bậc đại học, cao đẳng nhưng cũng chọn cách đi làm tạm tại các doanh nghiệp trên địa bàn để kiếm thêm thu nhập. Nhiều người thuyên chuyển công việc từ công ty này sang công ty khác liên tục. Đến lúc không chịu được áp lực công việc hoặc thấy không phù hợp thì lại chọn cách nghỉ làm ở nhà rồi lại tìm kiếm cơ hội mới. Tôi cho rằng cần có định hướng công việc trước khi đi học, thay vì đi học ĐH-CĐ về rồi thất nghiệp và lựa chọn công việc kiểu … lấp chỗ trống”.

Ông Nguyễn Minh Chiến - Trưởng thôn 7, xã Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội): Kiểm định chất lượng đại học

“Người dân nông thôn hiện cũng rất cân nhắc khi cho con đi học ĐH, họ không cho học ĐH dân lập vì lo ngại chất lượng đào tạo kém, học phí cao. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH khác cũng là ĐH công lập, nhưng chất lượng đào tạo kém, học xong ra trường không có việc làm thì người dân không thẩm định nổi. Tôi cho rằng phải có cách kiểm định chất lượng đại học, đánh giá bằng tỷ lệ có việc làm phù hợp.

Hiện tôi cũng có 2 con đang đi học, 1 học ĐH Điện lực, 1 học Trung cấp Dược. Con gái học trung cấp Dược hiện đang đi bán thuốc tây thuê. Chúng tôi cũng có mong muốn cho cháu học liên thông lên Đại học Dược nhưng chính cháu lại băn khoăn bởi nếu học Đại học Dược xong mà vẫn đi bán thuốc thì không cần phải học. Điều đó cho thấy nó thực tế hơn chúng tôi”.

Ông Nguyễn Tiến Hòa - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh: Sớm đào tạo theo nhu cầu

Bình quân tại các phiên giao dịch việc làm ở trung tâm, số sinh viên tốt nghiệp khối ngành kinh tế ở các trường đại học, cơ sở đào tạo trên toàn quốc đến đăng ký, tư vấn việc làm chiếm 70% so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, số này tìm được việc làm qua các phiên giao dịch chiếm tỷ lệ rất ít.

Ngay ở Khu kinh tế Vũng Áng, cần tuyển hơn 67.777 lao động (đã tuyển được hơn 30.000). Năm 2014, các doanh nghiệp, nhà thầu trong Khu kinh tế Vũng Áng có kế hoạch tuyển dụng 2.933 lao động, trong đó đại học 414 người, sơ cấp đến cao đẳng 2.033 người, tức là nhu cầu cần chưa tới 20% cử nhân đại học trong khi tỷ lệ nộp hồ sơ ĐH, CĐ lên tới 70% thì việc phải đi làm trái ngành, “hạ cấp” làm công nhân là hết sức thực tế. Vì thế, cần có định hướng đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng, chứ không phải học ào ào chỉ để lấy cái bằng ĐH”.

Lê An - Trần Phượng (ghi)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem