Đăng ký xét tuyển Đại Học, Cao Đẳng đợt 2: Thí sinh liều, nhà trường sợ ảo

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 28/08/2015 06:41 AM (GMT+7)
Không còn hào hứng chạy đua nộp hồ sơ xét tuyển, trong đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung, nhiều thí sinh (TS) đã có tâm lý buông xuôi, phó mặc và... chọn liều. Trong khi đó, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) còn trống nhiều chỉ tiêu cũng tâm trạng phấp phỏng lo hồ sơ ảo.
Bình luận 0

12 “cửa” quá thừa

Ngày 23.8 khi đang còn đợi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển thì em Nguyễn Văn Phương (Thái Thụy, Thái Bình) bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Thái Bình. Phương cho biết, em đã gọi điện hỏi trường  vì sao không gửi hồ sơ xét tuyển nhưng vẫn nhận được giấy báo trúng tuyển. Theo cán bộ tư vấn, trường đã cập nhật được số liệu về điểm của Phương từ nhiều nguồn, biết em đủ điểm sàn xét tuyển của Bộ GDĐT. Biết em được 16 điểm, khó đỗ Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội như nguyện vọng nên đã gọi điện và... mời em đến học.

img

Thí sinh đăng ký hồ sơ xét tuyển tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội. Ảnh: Tùng Anh

“Mặc dù vẫn thắc mắc không hiểu tại sao trường lại biết rõ về mình đến thế, nhưng sau khi biết mình chắc chắn trượt ĐH Công nghiệp, em quyết định học ĐH Thái Bình theo giấy hẹn. Em đã quá mệt mỏi với việc phải tìm hiểu để chọn trường gửi hồ sơ với số điểm của mình” – Phương nói.

Em Phạm Thị Hải Yến (Việt Trì, Phú Thọ) cũng chỉ được 17 điểm khối A (cả điểm cộng). Đợt 1 Yến nộp hồ sơ vào ĐH Thuỷ lợi nhưng không trúng tuyển. Ngày 26.8, Yến quyết định chọn 3 trường ĐH để nộp hồ sơ, trong đó có 2 trường dân lập và 1 trường công lập thuộc top dưới. Tuy rằng có đến 12 nguyện vọng ở 3 trường nhưng Yến cũng không hào hứng để cân lên đặt xuống như đợt 1 nữa. Yến nói: “Mục tiêu của em bây giờ chỉ là đỗ, trường nào gọi trước thì em sẽ nhập học luôn. Các bạn đã biết đỗ ĐH sẽ đi nhập học trong thời gian sớm nhất, lúc đó mà mình vẫn phải chờ đợi, thấp thỏm thì quá mệt mỏi và suốt ruột. 20 ngày qua đối với em đã giống như… địa ngục rồi”. Yến cũng cho biết, 12 “cửa” là quá nhiều để cân nhắc nên em cũng chỉ đánh dấu bừa như... thi trắc nghiệm.

Trong khi không ít TS đã buông xuôi thì các trường ĐH top dưới bắt đầu bước vào “cuộc chiến” với hồ sơ ảo. Ông Lê Hữu Lập - cán bộ phụ trách truyền thông Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, ở các nguyện vọng bổ sung, TS “nắm đằng chuôi”, còn các trường “nắm đằng lưỡi”. “Với 3 giấy đăng ký xét tuyển, TS có tới 12 nguyện vọng cùng nộp một lúc vào 3 trường khác nhau, tỷ lệ TS ảo sẽ cao gấp 3 lần đợt 1, các trường sẽ rơi vào tình huống phập phồng, lo lắng chờ TS có đến nhập học không?” – ông Lập phân tích.

Để “chắc ăn”, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết sẽ cấp giấy gọi nhập học ngay cho TS đến nộp hồ sơ xét tuyển nếu TS này có điểm trên điểm sàn nhận hồ sơ của trường. Được biết, trường này có 5.000 chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng đợt 1 mới có 1.000 hồ sơ.

Chỉ cần chọn ngành yêu thích

Theo thống kê của Bộ GDĐT, đợt xét tuyển bổ sung vẫn còn 300.000 chỉ tiêu trống của 22 trường ĐH phía Bắc và 17 trường ĐH phía Nam, chưa kể hàng ngàn chỉ tiêu hệ CĐ. Các chuyên gia giáo dục khuyên, TS còn nhiều cơ hội để trúng tuyển vào ngành mình yêu thích tại các trường phù hợp, vì vậy không nên có tâm lý phải đỗ dù vào bất kỳ trường nào.

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, những ngày đầu xét tuyển rất nhiều học sinh gọi điện hỏi ông tư vấn hỏi: “Với mức điểm này có đỗ vào ngành này không?”. Nhưng đến những ngày cuối thì câu hỏi lại là: “Mức điểm này thì đỗ được vào ngành nào?”. “Điều đó chứng tỏ vì hoang mang, mệt mỏi mà các em đã đi từ lựa chọn ngành yêu thích đến lựa chọn ngành dễ đỗ. Rất nguy hiểm nếu vào học một ngành mà mình không thích nó sẽ làm hỏng cả cuộc sống sau này của các em. Vì vậy, lời khuyên với TS trong đợt xét tuyển bổ sung là, dù bất cứ giá nào cũng không được… vơ bèo vạt tép” – ông Lâm nói.

TS Nguyễn Đức Nghĩa –  Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng khuyên TS cần bình tĩnh lựa chọn vì còn rất nhiều cơ hội xét tuyển ở các trường tốt. Ông cũng lưu ý, đợt xét tuyển bổ sung, TS không cần nộp giấy chứng nhận kết quả bản gốc mà chỉ cần khai báo mã vạch vào phiếu đăng ký xét tuyển của các trường. Tuy vậy, TS không thể đăng ký quá 3 trường vì nếu sử dụng 1 mã vạch cho trường này rồi thì sẽ không đăng nhập vào trường khác với cùng mã vạch đó trên hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu của Bộ GDĐT. Thời gian xét tuyển cũng đã được rút ngắn còn 10 ngày mỗi đợt nên sẽ không có căng thẳng kéo dài như đợt 1 nữa: “Đặc biệt lưu ý, trong đợt xét tuyển bổ sung TS không được rút hồ sơ ra nộp lại nên cần cân nhắc thật kỹ khi đặt bút điền vào 12 ngành mà mình lựa chọn” – ông Nghĩa nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem