ĐH - CĐ 2014: Không có “vùng cấm” khi chấm thi

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 11/07/2014 07:22 AM (GMT+7)
Chiều 10.7 ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng đợt 2, Bộ GDĐT đã tổ chức họp báo đánh giá về 2 đợt của kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ năm nay. Việc chấm những đề thi mở được thực hiện như thế nào là mối quan tâm lớn nhất của tất cả các thí sinh. 
Bình luận 0

Những câu hỏi…quá sức?

Theo đánh giá của Bộ GDĐT, đề thi năm nay nằm trong chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, vừa sức với đa số thí sinh, khả năng phân hóa được trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi các môn lịch sử, địa lý, tiếng Anh được đánh giá cao ở chỗ lồng ghép các nội dung có tính thời sự liên quan đến chủ quyền biển đảo, giải pháp tạo công ăn việc làm cho giới trẻ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của học sinh và giáo viên phản ánh, rất nhiều câu hỏi trong các đề thi vượt xa với kiến thức của học sinh lớp 12. Cụ thể, môn vật lý có câu hỏi thực hành về thiết bị đo điện năng được đánh giá là rất khó đối với nhiều học sinh nông thôn, học sinh khu vực khó khăn chưa bao giờ được tiếp xúc với thiết bị này, nhiều em đã phải… làm liều. Hay trong đề thi Lịch sử có câu hỏi liên quan đến việc các quốc gia Đông Nam Á phải làm gì để bảo vệ các quốc gia trong khu vực? Thầy Nguyễn Văn Khánh – giáo viên sử một THPT ở Hưng Yên cho rằng: “Hiện tất cả các nước trong khu vực đều đang đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, đòi hỏi một học sinh lớp 12 trả lời là quá sức”.

Tương tự, nhiều giáo viên, thí sinh cũng băn khoăn, đối với đề thi địa lý có câu hỏi phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp và hướng giải quyết việc làm: “Nếu thí sinh nói đó là hệ quả của việc Bộ GDĐT cho mở trường ĐH ồ ạt trong thời gian qua thì Bộ GDĐT có chấm điểm không?”.

Trong khi đó, cấu trúc đề thi môn lý với 20 câu hỏi được đánh giá là dễ hơn thi tốt nghiệp và có câu hỏi khó ngang ngửa với đề thi học sinh giỏi quốc tế như câu 44 mã đề 825.

Việc thay đổi cấu trúc tất cả các đề thi tự luận cũng đã khiến cho nhiều thí sinh bị “sốc” vì chưa chuẩn bị tâm lý cho sự thay đổi này.

Không có vùng cấm

Giải thích những thắc mắc trên, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GDĐT cho biết, đề thi năm nay đã được xây dựng trên cơ sở đồng bộ, nhất quán với những gì đã làm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.

Ông Trinh cho rằng, các trường phổ thông đã có đổi mới phương pháp dạy, kiểm tra để thích ứng dần với cách thi và ra đề mới. Những năm trước đề thi tự luận cũng đã đánh giá năng lực bằng những câu hỏi mở, vì vậy việc thay đổi cấu trúc đề thi là phù hợp.

Trả lời về câu hỏi liên quan đến đồng hồ đo điện, ông Trinh cho rằng từ năm 2002 các trường THPT đều đã được trang bị thiết bị này để học sinh thực hành, nếu trường nào học sinh không được tiếp xúc là lỗi ở trường đó.

Nói về đề thi địa lý, ông Trinh cho biết: “Sẽ không có vùng cấm trong chấm thi, kể cả câu trả lời có chỉ trích đến việc Bộ chưa hoàn thành chức năng của mình, tất cả những bài thi truyền tải được ý tưởng, lập luận logic, chặt chẽ, phù hợp với thuần phong mĩ tục thì đều được chấm điểm tốt”.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết thêm: “Việc đánh giá đề dễ hay khó tùy thuộc vào khả năng của từng người”. Theo quy chế tuyển sinh, năm nay sẽ có nhiều mức điểm sàn được đưa ra để các trường có thể dựa vào đó tuyển sinh phù hợp với nhu cầu của mình. Các mức điểm sàn sẽ được công bố sau khi các trường công bố điểm thi vào đầu tháng 8.

    Trong cả 2 đợt thi ĐH năm nay, cả nước có 226 thí sinh bị xử lý kỷ luật, giảm hơn nhiều so với năm 2013 (333 thí sinh bị xử lý kỷ luật).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem