Dự thảo đổi mới chương trình và SGK: Bộ GDĐT lại... đẽo cày giữa đường

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 29/08/2014 10:29 AM (GMT+7)
Tới đây, Bộ GDĐT sẽ phải trình Quốc hội tờ trình về đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Tuy nhiên, trước giờ “G” ngày 28.8, lãnh đạo Bộ - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lại thông báo xin rút đề xuất thay đổi cơ cấu cấp học phổ thông trong dự thảo vì điều kiện chưa “chín” để đổi mới.
Bình luận 0

Chưa bàn đã…rút

Trước đó, trong dự thảo đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa trình Hội đồng quốc gia giáo dục, Bộ GDĐT dự kiến 2 phương án đổi mới cấu trúc giáo dục phổ thông. Tuy mới là dự thảo nhưng đề án này đã khiến cả phụ huynh và giáo viên hoang mang về ảnh hưởng của sự thay đổi mang tính hệ thống.

Ngày 28.8, tại hội thảo tham vấn các chuyên gia của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, Bộ GDĐT chính thức thông báo rút lại đề xuất này với lý do chưa “chín” trước sự bất ngờ của rất nhiều đại biểu.

Trước cách làm rất ngẫu hứng của Bộ GDDT, nhiều chuyên gia đã rất bức xúc. GS Phạm Vũ Nhật Tiến cho biết: “Bộ GDĐT chưa bao giờ bàn sâu đến việc hệ thống giáo dục nên là 9+3 hay 10+2, chưa cân nhắc kỹ lưỡng, chưa có nghiên cứu, đùng một cái đưa ra dự kiến rồi lại xin rút đột ngột”.

GS Nguyễn Minh Thuyết thì cho rằng, việc đưa ra một phương án phải có nghiên cứu cẩn thận và đánh giá tác động của nó. Thêm 1 năm ở cấp này, giảm 1 năm ở cấp khác là cả một vấn đề, vậy mà Bộ coi như trò đùa để đề xuất rồi rút làm cho dư luận hoang mang: “Bộ phải tính đến việc sẽ biên chế giáo viên thế nào, lương ra sao, cơ sở vật chất sẽ thay đổi thế nào, điều ai xuống dạy ở lớp 10 THCS…rồi hãy đưa ra dự thảo” – ông Thuyết nói.

Phân luồng từ “trứng nước”

Không đồng tình với cách làm của Bộ GDĐT nhưng nhiều chuyên gia giáo dục vẫn cho rằng Bộ cần có những nghiên cứu bài bản cho việc thay đổi cơ cấu hệ thống các cấp học trong tương lai xa vì cơ cấu hiện tại cùng với chương trình chưa hợp lý đang là một nguyên nhân dẫn đến việc học sinh tốt nghiệp THPT chỉ có một con đường duy nhất là vào ĐH, điều đó đồng nghĩa với tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ngày một cao.

PGS-TS Trần Thị Tâm Đan – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần sắp xếp lại số năm của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổng thông trong tương lai xa. Theo bà Đan, tiểu học có thể tăng lên 6 năm để học sinh có thời gian học ngoại ngữ, còn THCS sẽ là 4 năm và THPT là 2 năm: “Đây là ý tưởng tốt để chúng ta có thể thực hiện chương trình sách giáo khoa cơ bản từ lớp 1 – lớp 10, sau THCS thực hiện phân luồng dễ dàng trách được áp lực thi ĐH. Tuy nhiên, để làm được điều này ta cần nghiên cứu và có những giải pháp khắc phục các tác động” – bà Đan nói.

Còn GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho rằng, nếu cứ giữ hệ thống và chương trình như hiện nay chúng ta vô tình đang phổ cập ĐH và làm tăng tỷ lệ cử nhân thất nghiệp: “Ngoài việc thay đổi cơ cấu, ta phải bàn đến việc thay đổi chương trình. Bộ nói sẽ có 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nhưng theo tôi riêng với bậc THPT cần có chí ít là 2 chương trình song song nhau đó là chương trình phổ thông “tinh hoa” và chương trình phổ thông có dạy nghề. Chúng ta phải có quy định về cơ chế hẳn hoi cho những học sinh đủ điều kiện để học các chương trình phù hợp với trình độ và mong muốn. Mô hình này ở Đức đã làm rất thành công. Có như vậy mới giảm được tình trạng tất cả đều đổ xô vào đại học như hiện nay ” – GS Cương nói.

  2 phương án đổi mới giáo dục phổ thông của Bộ GDĐT: Phương án 1, giáo dục cơ bản thực hiện trong 10 năm (5 năm tiểu học, 5 năm trung học cơ sở), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) thực hiện trong 2 năm. Phương án 2, giáo dục cơ bản được thực hiện trong 9 năm (5 năm tiểu học, 4 năm trung học cơ sở); giáo dục định hướng nghề nghiệp được thực hiện trong 3 năm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem