Gần 400 giáo viên bỗng dưng lâm cảnh... thất nghiệp

Bùi Oanh- Hồng Đức Thứ sáu, ngày 08/07/2016 06:20 AM (GMT+7)
Nhận được thông tin sẽ không được tiếp tục ký hợp đồng lao động, 376 giáo viên (GV) tại huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng. Nhiều người trong số họ đã giảng dạy cả chục năm trời, nhưng bây giờ phải tay trắng ra đi.
Bình luận 0

Chấm dứt hợp đồng với 376 giáo viên

Ngày 28.6, UBND huyện Vĩnh Lộc ra thông báo số 98 về việc dừng không ký lại hợp đồng lao động  (HĐLĐ) đối với các trường hợp hết hạn hợp đồng đang làm việc tại các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, trường học thuộc UBND huyện quản lý. Theo đó, tổng số GV, nhân viên hợp đồng hiện có tại các trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc là 376 người. Tất cả số GV này đều hết hạn hợp đồng lao động vào ngày 30.6.2016. Việc này đã khiến hàng trăm GV hoang mang, lo lắng. Nhiều người trong số họ đã cống hiến cả chục năm cho sự nghiệp giáo dục, trong đó, nhiều trường hợp cả 2 vợ chồng đều nằm trong diện này.

img

Nhiều giáo viên thấp thỏm, lo lắng vì bỗng dưng mất việc làm. Ảnh: Hồng Đức

Cô Trần Thị Huệ - GV Trường THCS Vĩnh Thịnh, bật khóc nói: “Bố tôi là thương binh nặng, mất tới 91% sức khỏe, ông qua đời cách đây ba năm, được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Năm 2010, tôi ra trường và được huyện ký hợp đồng, phân công giảng dạy tại Trường THCS Vĩnh Thịnh. Những năm giảng dạy tại trường, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, học sinh của tôi năm nào cũng có em đạt giải trong các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh. Bao nhiêu kỳ vọng của bố tôi, người có công với đất nước và sự cống hiến 6 năm qua của tôi cho ngành giáo dục giờ thành vô nghĩa”.

Vợ chồng thầy Lê Văn Dũng (dạy tại Trường THCS Vĩnh Ninh) và cô Phạm Thị Thu Hương (dạy tại Trường THCS Vĩnh Yên) đã có gần 10 năm gắn bó trên bục giảng, bây giờ cũng chịu cảnh thất nghiệp. Hoàn cảnh của gia đình thầy Dũng, cô Hương rất khó khăn. Những năm đi dạy, lương của cả 2 vợ chồng chỉ lĩnh hơn 2 triệu đồng/người/tháng, nhưng thầy Dũng, cô Hương vẫn bám trụ với nghề. “Vợ tôi vừa sinh em bé được 6 tháng, đang háo hức trở lại đi làm thì nhận được tin mất việc, cứ khóc sụt sùi mãi. Bây giờ, 2 vợ chồng cùng thất nghiệp, biết lấy gì mà nuôi các con ăn học” - thầy Dũng nói.

Chấm dứt hợp đồng... vẫn thiếu giáo viên

Ông Cao Văn Bình - Trưởng phòng Giáo dục huyện Vĩnh Lộc cho biết, dù tính tổng số giáo viên toàn huyện là thừa nhưng trong số 376 giáo viên bị cắt hợp đồng đợt này, nhiều người là giáo viên dạy giỏi, dạy những môn đặc thù không dễ có người thay thế. Để có được những giáo tâm huyết không phải dễ, bây giờ không cho họ đứng trên bục giảng cũng là một lãng phí nguồn lực của xã hội.

Trước sự việc 376 GV trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc bị chấm dứt hợp đồng, ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, cho hay: Việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các GV được UBND huyện Vĩnh Lộc thực hiện theo kế hoạch số 14-KH/TU ngày 7.4.2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc đã tổ chức họp và ra thông báo số 139-TB/HU về việc triển khai thực hiện kế hoạch số 14-KH/TU. Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất không ký lại HĐLĐ đối với các trường hợp đã hết hạn hợp đồng đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện cho đến khi có chủ trương chính sách của tỉnh”- ông Tâm nói.

Khi được hỏi, từ năm 2011, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tạm dừng ký HĐLĐ đối GV, nhưng tại huyện Vĩnh Lộc vẫn có hàng trăm GV được ký hợp đồng? Ông Tâm, khẳng định: “Từ năm 2011 đến nay, huyện không ký bất cứ HĐLĐ nào đối với GV, mà do các nhà trường tự ký theo nhu cầu. Trường nào thiếu GV, hiệu trưởng tự ký hợp đồng với các GV. Trong đợt cắt tuyển này, có 115 giáo viên hợp đồng do các trường tự ký”.

Trao đổi với NTNN, bà Vũ Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Ngay trong chiều 4.7, lãnh đạo huyện đã họp bàn và thống nhất sẽ có hướng hỗ trợ cho GV, nhân viên ngành giáo dục bị dừng hợp đồng, mỗi người 2 tháng lương hiện hưởng, để giúp mọi người tìm công việc khác. “Trước mắt,  huyện  cũng mới có phương án như vậy. Còn vấn đề thực hiện theo kế hoạch của tỉnh (tức là chấm dứt hợp đồng với 376 GV), thì bắt buộc huyện phải làm. Lãnh đạo huyện cũng mong nhận được sự đồng thuận các giáo viên và người dân địa phương” -  bà Hương nói. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem