GS Đỗ Đức Thái: "Chương trình Toán mới không thua kém nước nào"

Thuận Hải Thứ hai, ngày 25/11/2019 10:03 AM (GMT+7)
GS Đỗ Đức Thái - Trưởng khoa Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ biên môn Toán Chương trình phổ thông mới cho rằng, Chương trình Toán mới của Việt Nam hiện đại là sản phẩm của 6 năm thai nghén, làm việc cật lực và "Chương trình Toán mới không thua kém nước nào".
Bình luận 0

Học không phải để thi

Trao đổi với Dân Việt ngày 25/11, GS Đỗ Đức Thái cho rằng, quan điểm xây dựng chương trình môn Toán theo chương trình phổ thông 2018 là “tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo". Cụ thể, các thành tố năng lực học toán sắp tới gồm: tư duy, lập luận toán học; mô hình hoá toán học; giải quyết vấn đề; sử dụng công cụ và phương tiện toán học; giao tiếp toán học.

“Học toán để suy nghĩ có logic, hợp lý hơn, làm gì cũng phải có lập luận và dùng kiến thức đó để đi kiếm tiền, tức sử dụng được cho công việc của mình", GS Thái nhấn mạnh. Điều này có nghĩa là đi ngược với chủ trương dạy học hiện nay, rằng học sinh phải biết nhiều, học được nhiều để có “một bụng kiến thức”, sau đó sẽ giải được các bài tập lắt léo, rồi đi thi có điểm cao…

img

GS Đỗ Đức Thái - Chủ biên môn Toán, Chương trình giáo dục phổ thông mới.  

“Chúng ta học không phải để đi thi! Có một thời gian học sinh Việt Nam bắt đầu thi IMO trong một trào lưu hoang đường và nó để lại hậu quả lâu dài. Do sự hoang đường đó, chúng ta đã đánh giá thành tựu giáo dục toán học phổ thông, đánh giá sức mạnh của nền toán học đất nước thông qua mấy giải quốc tế, như vậy là không đúng!”, GS Thái nhấn mạnh.

Cũng theo GS Thái, một điểm yếu của giáo dục hiện nay là chưa khơi được nguồn sáng tạo của học sinh. Cách dạy, học, thi cử hiện nay của Việt Nam đào tạo ra những con người tư duy khuôn mẫu, không phải con người sáng tạo, điều đó cản trở đất nước đi lên.

Về nội dung chương trình môn Toán mới, ông Thái cho rằng, sẽ tinh giản nhưng không phải là “tinh giảm”. Nghĩa là chương trình sẽ cung cấp được cho người học những kiến thức cốt lõi nhất cần có ở giáo dục phổ thông. Với những kiến thức này, học sinh sau khi tốt nghiệp có thể áp dụng vào cuộc sống cũng như đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế.

Về tính hiện đại trong chương trình môn Toán, ông Thái lý giải rằng giáo dục Toán học phổ thông của Việt Nam phải đáp ứng chuẩn mực chung của những nền giáo dục khác trên thế giới về Toán, để học sinh có thể du học hoặc tiếp tục nghiên cứu thêm hoặc tham gia vào thị trường lao động chung khi đã tốt nghiệp.

img

Chương trình Toán mới sẽ chuyển từ "học để thi" sang "học để biết, áp dụng".

Trong quá trình soạn thảo chương trình môn Toán, đội ngũ soạn thảo đã tham khảo chương trình Toán học phổ thông hiện hành của khoảng 120 quốc gia và trao đổi với chủ biên chương trình Toán của khoảng 60 quốc gia.

"Chương trình Toán học phổ thông mới của Việt Nam hiện đại không thua kém chương trình của bất cứ quốc gia nào", GS Đỗ Đức Thái khẳng định.

Một bước chuyển quan trọng

Chia sẻ tại tọa đàm, GS Đỗ Đức Thái cho rằng, sau khi công bố chương trình Toán phổ thông mới, nhóm biên soạn đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Có những ý kiến phê phán rất gay gắt. Nhóm lúc đó đã chọn lắng nghe nhưng chưa phản hồi tất cả các ý kiến.

Theo GS Thái, chương trình phổ thông môn Toán mới là sự thai nghén trong 6 năm với quá trình làm việc cần mẫn, nỗ lực của cả đội ngũ soạn thảo. Đây không phải là sản phẩm ra đời vội vàng hay “đẻ non” như nhiều người lo lắng.

“Việc soạn thảo chương trình theo hướng chuyển từ kiểu học để thi sang học để biết, học để dùng là một bước chuyển vô cùng khó khăn”, GS Thái nhấn mạnh. Chương trình toán học mới sẽ chấp nhận sự đa dạng trong chương trình, đa dạng trong giáo dục để có thể đi đến được với đại đa số học sinh thay vì chỉ lấy một phần nhỏ là các cá nhân xuất chúng để làm kim chỉ nam.   

img

Sẽ là một bước chuyển quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong ảnh: Học sinh thích thú tham gia hoạt động tại Ngày hội Toán học mở 2019.

Về ý kiến cho rằng chương trình toán học phổ thông mới sẽ làm giảm cơ hội “giật giải” của học sinh trong đội tuyển thi học sinh giỏi các cấp và quốc tế, GS. Thái cho rằng, điều này là không đúng. Với kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện học sinh giỏi, GS Thái khẳng định, sẽ không có chuyện chương trình mới không tạo điều kiện cho học sinh giỏi phát triển hơn.

"Chúng ta có một triệu học sinh và chỉ có một phần nhỏ trong một triệu học sinh cần chương trình rất đặc biệt để dạy họ trở thành những nhà toán học xuất sắc. Chúng ta không thể đem phần còn lại thành vật hy sinh cho một người được", GS Thái giải thích.

Từ năm học 2020 - 2021, Bộ GDĐT sẽ bắt đầu triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu, bắt đầu từ lớp 1. Sau đó, tiếp tục năm học 2021 - 2022 sẽ thực hiện chương trình mới cho lớp 2...

Mới đây, ngày 22/11, Bộ GDĐT đã công bố 32 bản sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới, thuộc các nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP.HCM. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem