Lo lắng trẻ "quá tải" vì thay đổi thi vào lớp 10 tại Hà Nội

Hà My Thứ tư, ngày 10/10/2018 10:46 AM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh băn khoăn về việc đến tận tháng 3.2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội mới công bố môn thi thứ 4 của kỳ thi lớp 10.
Bình luận 0

Mới đây, ngày 9.10, Sở GDĐT Hà Nội đã chính thức "chốt" phương án thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019. Theo đó, thí sinh sẽ thi 4 môn thay vì 2 môn kết hợp xét học bạ 4 năm THCS như các năm vừa qua. 4 môn thi gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn còn lại trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Môn thi thứ 4 sẽ được công bố vào đầu tháng 3.2019. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút, còn với 2 bài thi còn lại là 60 phút.

Ngay sau khi Sở GDĐT "chốt" phương án thi, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh và thầy cô giáo cũng như học sinh.

img

Đổi mới phương án thi lớp 10 tại Hà Nội khiến phụ huynh, học sinh băn khoăn. (Ảnh minh họa: IT)

Chị Hoàng Thị Thanh (có con đang học lớp 9 Trường THCS Giảng Võ) cho biết, việc đến tháng 3 năm sau, môn thi cuối cùng mới được công bố sẽ gây khó khăn cho việc ôn thi của thí sinh. "Vẫn biết là Sở GDĐT cố tình công bố muộn để thí sinh không học lệch, đảm bảo kiến thức dàn trải. Nhưng công bố muộn như vậy chắc chắn sẽ phần nào ảnh hưởng tới việc học tập của thí sinh. Việc đảm bảo học tốt một cách toàn diện các môn vô tình khiến kỳ thi năm nay nặng nề hơn so với các năm trước nhiều".

Cùng chung quan điểm trên, anh Phạm Việt (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, anh và vợ khá băn khoăn trước phương án thi mới của Sở GDĐT Hà Nội. "Việc tận tháng 3.2019 mới công bố môn thi chính thức dễ khiến cho các lò luyện thi bùng nổ vì tâm lý "co giò lên chạy" của phụ huynh. Bởi khi đó chỉ còn 3 tháng nữa là tới kỳ thi rồi. Hơn nữa, việc có tới 2 môn thi thêm ngoài Toán, Văn chắc chắn sẽ khiến học sinh phải tiếp tục học thêm để bổ sung kiến thức cho tất cả các môn này trước khi Sở công bố chính thức môn cụ thể, như thế là quá nặng".

Thầy Hoàng Ngọc Long - giáo viên môn Toán tại Trường THPT C.M (Hà Nội) cho rằng, năm học tới, việc chọn lựa trường cho phù hợp với năng lực của học sinh sẽ khó hơn. "Thí sinh phải định lượng được điểm số của mỗi môn để có thể tính ra tổng điểm, từ đó chọn trường. Việc thêm 2 môn thi, trong đó có một môn chưa biết trước, khiến việc định lượng này càng khó khăn. Điều học sinh có thể làm được trong thời điểm này chính là chịu khó ôn luyện đều các môn và đặc biệt phải nắm rõ kiến thức cơ bản. Từ đó, khi Sở GDĐT công bố môn thi, học sinh sẽ tập trung cho môn này bên cạnh các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ".

Trước câu hỏi về việc cách thức thi mới sẽ làm tăng khối lượng kiến thức học sinh phải ôn luyện hay nói cách khác là làm cho kỳ thi trở nên quá tải, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GDĐT Hà Nội cho hay, học sinh không phải thi quá nhiều môn dẫn tới quá tải (4 trên tổng số 14 môn học): "Để giảm áp lực ôn thi cho các em học sinh, đối với môn Ngoại ngữ và môn thứ 4, chúng tôi đã quy định rất rõ những yêu cầu về kiến thức kỹ năng, về hình thức đề thi và thời gian tổ chức thi.

Với môn Ngoại ngữ sẽ thi trắc nghiệm kết hợp tự luận. Với môn thứ 4 sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Về yêu cầu kiến thức, kỹ năng, các câu hỏi trong nội dung đề thi môn Ngoại ngữ và môn thứ 4 thuộc chương trình THCS, chủ yếu là ở lớp 9, hầu hết ở cấp độ nhận biết, thông hiểu theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn do Bộ GDĐT quy định".

"Đây chỉ coi như là một bài kiểm tra 45 phút hoặc thi học kỳ trên lớp của các em, rất quen thuộc, không hề áp lực", ông Phạm Quốc Toản nhấn mạnh.

img
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem