Nhường phòng ở làm lớp học cho trò

Hồng Đức Thứ ba, ngày 12/04/2016 06:46 AM (GMT+7)
Bản Ho, xã Hiền Kiệt, huyện vùng cao biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa) nằm giáp với bản Him Đăm, xã Mường Pùn, huyện Viêng Xay (Lào). Do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nên các thầy, cô giáo quyết định nhường phòng ở của mình làm lớp học cho học trò.
Bình luận 0

Ngày làm lớp học, đêm làm phòng ngủ

Cô giáo Nguyễn Thị Toan (43 tuổi), quê ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) lên xã Hiền Kiệt nhận công tác đã hơn 10 năm cho biết, cả bản Ho có 91 hộ thì 82 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Bản nằm biệt lập với trung tâm xã gần 10km, đường đồi núi nên các lớp tiểu học phải lập điểm trường lẻ ngay tại bản. “Mấy chị em ở khu lẻ này có 2 phòng ở thôi, nhưng vì học sinh không đủ chỗ để học, nên chúng tôi quyết định dành 1 phòng của mình làm nơi tổ chức lớp học cho các em. Còn 1 phòng thì ban ngày làm lớp học, ban đêm làm phòng ngủ cho mấy chị em”.

imgCô giáo Phạm Thị Huệ đang dạy cho học sinh tại phòng ở của giáo viên.  ảnh: Hồng Đức

Theo quan sát của chúng tôi, tại khu lẻ  trường Ho có 2 phòng học kiên cố và 2 phòng ở cho giáo viên. Trong khi đó trường có tổng số 64 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nên không đủ phòng học cho các em lên lớp hàng ngày. Vì vậy, từ năm 2013, các thầy, cô giáo ở đây đã nhường 1 phòng ở của mình làm phòng học cho học sinh. Trong tổng số 4 giáo viên “cắm bản” tại điểm trường Ho (3 nữ, 1 nam) thì có 3 người phải ở lại vì nhà xa.

Hết lòng để trò học tốt

"Biết là khó khăn, vất vả cho cả giáo viên và học sinh, nhưng chúng tôi vẫn phải chờ đợi sự đầu tư của nhà nước và động viên giáo viên, các em học sinh cố gắng khắc phục những khó khăn hiện tại, giúp duy trì số học sinh đến lớp”.
Bà Phạm Thị Dần

Cô giáo Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm lớp 4E cho biết: “Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng thấy các em học sinh ham học, chúng tôi rất mừng. Các cô ở chật chội một chút cũng chẳng sao, miễn là học sinh của chúng tôi được học tập trong điều kiện tốt”. Cũng theo cô Huệ, trước kia ở khu lẻ này học sinh đến trường rất ít. Khi lên đây nhận  công tác, các thầy, cô giáo đã nhiều lần đến từng gia đình vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường. Do điều kiện cuộc sống quá khó khăn, nên dù mới học bậc tiểu học, nhưng các em không muốn đến trường mà ở nhà đi làm nương, làm rẫy với bố mẹ. Từ khi nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền ăn và gạo hàng tháng cho các em, gia đình nào trong bản cũng cho con em đi học.

Em Vi Văn Nưng, học sinh lớp 4E cho biết: “Gia đình em có 2 chị em, bố mẹ chỉ làm nương rẫy và ruộng nước. Chị gái em hiện đang ở tại khu ký túc xá Trường THCS Hiền Kiệt, bản thân em cũng được thầy, cô giáo thương yêu và chỉ bảo tận tình”. Còn em Hà Văn Tuyển, cũng ở bản Ho, đang học lớp 4, tâm sự: “Hằng ngày, chúng em được các cô giáo dùng phòng ở của cô làm nơi dạy chữ cho chúng em. Vì thế, chúng em không phải chờ lớp khác học xong mới đến lượt mình nữa rồi”.

Bà Phạm Thị Dần -  Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Quan Hóa cho biết: “Điểm trường tiểu học ở bản Ho hiện nay rất khó khăn. Vì vậy, các thầy cô giáo ở đây đang rất cố gắng tạo  điều kiện cho học sinh được học 1 ca trong ngày theo đúng chương trình giáo dục nên các cô đã dồn phòng ở của mình để làm lớp dạy cho các em”./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem