Nỗi lo gửi con ở nhà trẻ tự phát

Tùng Anh – Minh Nguyệt Thứ sáu, ngày 13/11/2015 06:35 AM (GMT+7)
Bên cạnh gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền, rất nhiều công nhân trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) vẫn hàng ngày phải đi làm mà vẫn canh cánh nỗi lo con mình không an toàn khi gửi chúng cho các nhà trẻ tự phát.
Bình luận 0

Lọ mọ gửi trẻ ban đêm

Là công nhân Công ty Samsung Electronics Việt Nam tại Hà Nội (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) nhưng mới đây chị Nguyễn Thị Hoa (Hậu Lộc, Thanh Hóa) lại bị điều động đến làm tại chi nhánh Thái Nguyên. Mỗi tuần 3 ngày làm ca đêm, chị được xe công ty đón lên Thái Nguyên làm từ 19 giờ tối đến 9 giờ sáng hôm sau mới về đến nhà. Chồng chị lại làm bảo vệ nên công việc hầu hết là trực đêm. Vậy là cứ tuần 3 buổi, chị lại bồng bế con gái 18 tháng tuổi gõ cửa nhà người quen để nhờ trông con hộ qua đêm. Chị Hoa cho biết: “Bà nội đã mất, bà ngoại thì ốm yếu không thể ra trông cháu được nên em phải chật vật tìm chỗ gửi con. Ban ngày thì gửi con ở trường tư, mỗi tháng hết 900.000 đồng, nhưng ban đêm thì không biết phải làm thế nào, đành bế con nhờ hàng xóm, người quen cho con... ngủ nhờ” – chị Hoa nói.

img

Không tìm được chỗ gửi con, nhiều gia đình công nhân phải gửi con cho ông bà. (Ảnh chụp tại xóm trọ Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội).  Ảnh:  Minh Nguyệt 

Còn con gái bà Nguyễn Thị Hợp (65 tuổi, quê Nghĩa Đàn, Nghệ An) trọ tại xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội sướng hơn vì có mẹ để dựa. Cả con gái và con rể bà Hợp đều là công nhân trong KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội. Vì là người ngoại tỉnh, không có hộ khẩu thường trú nên con bà không thể xin cho các cháu vào học ở trường mầm non công lập. Bản thân hai vợ chồng lại làm ca kíp nên buổi tối cũng không biết gửi con ở đâu để đi làm, đành phải nhờ mẹ già.

“Lương công nhân vợ chồng nó khoảng 7 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhà hết 1,5 triệu đồng, tiền ăn uống tiết kiệm cũng hết 3 triệu đồng, còn ốm đau, thuốc men... Vì vậy, tôi quyết định ra trông cháu cho con để bớt chi phí. Giờ con lớn thì bắt buộc phải cho một đứa đi trường tư, mỗi tháng cũng hết hơn 1 triệu đồng. Thêm tiền gửi con thì tiền ăn lại phải nhịn bớt” – bà Hợp thở dài.

Hoàn cảnh của bà Hợp, chị Hoa chỉ là 2 trong số rất nhiều gia đình công nhân tại KCN, KCX đang phải đối mặt với khó khăn trong việc tìm chỗ gửi trẻ để đi làm theo ca kíp. Trường công thì không đủ tiêu chuẩn, trường tư thì kinh phí đắt đỏ. Nhiều bậc cha mẹ đành gửi con đến những cơ sở trông trẻ tự phát, nhà cửa ẩm thấp, các cô trông trẻ không có chuyên môn. Tuy biết con mình không được nuôi dạy tốt, thiếu an toàn nhưng đành gạt nước mắt chấp nhận. Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ bạo hành trẻ em bị phát giác tại các nhóm trẻ chui, tự phát. Nhiều công nhân lại lần nữa gạt nước mắt, chấp nhận xa con, gửi về quê cho ông bà nuôi.

Doanh nghiệp thờ ơ

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 2,2 triệu lao động đang làm việc tại KCN, KCX, trong đó hơn 80% là nữ. Cũng theo khảo sát của đơn vị này, trong 10 tỉnh thành có KCN chỉ có 17% khu KCN có nhà trẻ, mẫu giáo với 115 trường mầm non.

Bà Trịnh Thanh Hằng - Trưởng ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo khảo sát gần đây của Tổng Liên đoàn, có tới 96,9% doanh nghiệp trả lời không tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo. Lý do chính được doanh nghiệp giải thích là bởi không có kinh phí xây dựng, một số doanh nghiệp khác thì nói thẳng là họ không quan tâm, hoặc công đoàn cơ sở không đề nghị. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, chỉ có gần 17% nhà trẻ hiện có tại các KCN, KCX là do các doanh nghiệp xây dựng, còn lại là các cơ sở giáo dục của ngành giáo dục địa phương hoặc tư nhân tự tổ chức.

Từ tháng 5.2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, KCX, trong đó giao Bộ GDĐT phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển cơ sở giáo dục mầm non giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030.

Mới đây, Bộ GDĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo các Sở GDĐT địa phương rà soát nhu cầu gửi trẻ ở các KCN, KCX để có phương án đề xuất việc xây dựng. Tuy nhiên chưa biết đến bao giờ người lao động mới có thể yên tâm gửi con để hết lòng vì công việc.

 Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục cho mọi người: “Nhà nước chỉ khuyến khích thôi chưa đủ, cần phải đưa ra những chế tài quy định cụ thể bắt buộc các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải xây dựng trường mầm non khi có dự án thành lập KCN, KCX. Có an cư mới lạc nghiệp, những doanh nghiệp khôn ngoan,    làm ăn bền vững chắc chắn sẽ nghĩ đến việc hỗ trợ đời sống cho    công nhân để họ yên tâm làm việc”  

Phải giám sát chặt

Vấn đề nhà trẻ mẫu giáo là vấn đề “nóng” mà lâu nay dư luận nói nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nhà trẻ tại các KCN, KCX không chỉ thiếu, mà còn quá yếu, kém về chất lượng là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ việc đáng tiếc. Có thể nhận thấy rõ nhất là tình trạng bạo lực trẻ em ngày càng thấy phản ánh nhiều tại các cơ sở trông giữ trẻ tư thục, nhóm trẻ tự phát. Hiện nay, Chính phủ đã có đề án và các chỉ thị kèm theo để các đơn vị thúc đẩy xây dựng nhà trẻ ở KCN, tuy nhiên nếu không được giám sát chặt chẽ thì vấn đề chỉ dừng lại ở việc “đánh trống bỏ dùi””.

Ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH)

Thiếu kinh phí

Hiện tại Ban Gia đình (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) vẫn đang cập nhật thông tin về tỷ lệ nhóm trẻ, chất lượng giáo viên, cơ sở trông, giữ trẻ... tại các KCN trong cả nước. Dự kiến phải cuối năm mới có số liệu cụ thể, sang năm 2016, các tỉnh mới có thể triển khai đồng loạt thí điểm mô hình nhà trẻ, mẫu giáo độc lập tại các KCN. Hiện nay, mới chỉ có một số tỉnh xin được ngân sách hỗ trợ để thí điểm mô hình nhà trẻ mẫu giáo, tuy nhiên hầu hết các tỉnh vẫn chưa thể triển khai vì thiếu kinh phí và gặp khó khăn trong các khâu giải phóng mặt bằng, quy hoạch…”.

Bà Hà Oanh – Chuyên viên phụ trách Chương trình Xây dựng thí điểm các nhà trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, KCX (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)

Nguyệt Tạ (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem