Nữ sinh Việt xinh đẹp kể chuyện học ĐH Harvard và... nhảy múa

Kim Yến thực hiện (Thế giới Tiếp thị) Thứ hai, ngày 30/06/2014 14:44 PM (GMT+7)
"Môi trường Harvard đã cho tôi một sự tự tin rằng muốn làm gì sẽ làm bằng được.Tôi có thể trở thành một lãnh đạo khi công việc đòi hỏi", Quỳnh Trang tâm sự.
Bình luận 0

Điều gì từ nhỏ đã hình thành nên sự đa dạng trong tính cách Trang? Đam mê toán đến với Trang từ khi nào?

-  Chỗ ngồi thân thuộc nhất với tôi trong trường quốc tế Hà Nội có lẽ là thư viện. Tôi đã ngồi đồng ở đó suốt nhiều ngày, đọc hết sạch tất cả mọi loại sách liên quan đến toán, từ toán cao cấp đến Steve Jobs, tự viết những thuật toán vui cho riêng mình…

Từ 5 – 11 tuổi, tôi theo mẹ sang Thái theo chương trình cao học của bà. Tuổi thơ của tôi lớn lên trong khu trường của những người sau đại học, cuộc sống giản dị, chỉ có học và học, nên mình đã quen với việc tự học từ sáng đến tối. Khó nhất với tôi là học tiếng Việt, tôi phải tự ra giáo trình cho mình, dù mẹ không bao giờ bắt học...

img Quỳnh Trang cùng mẹ trong buổi lễ tốt nghiệp. Ảnh internet

 

Người Thái rất mê các môn thể thao ngoài trời. Chiều chiều, ai cũng tìm đến môn thể thao yêu thích ngay trong khuôn viên của trường, thế là tôi được khám phá rất nhiều môn thể thao khác nhau, từ bóng rổ, bóng bàn, bóng chuyền… Dù chỉ có hai mẹ con, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn, vì mẹ lúc nào cũng sống vì tôi, hy sinh tất cả cho việc học của tôi. Sự giản dị, quyết liệt, lòng nhân hậu chính là gia tài lớn nhất tôi học được ở mẹ.

 "Nghiên cứu về các bạn tự kỷ, tôi thấy các bạn rất thông minh, có bạn chỉ số thông minh lên đến 99,9%. Tôi không nghĩ các bạn bị bệnh, mà rất đặc biệt" - Quỳnh Trang

Hãy kể về kỳ tích nhận học bổng toàn phần ở Harvard?

- Dù số điểm khá cao ở phần thi toán của kỳ kiểm tra SAT và nhận được bảy giải thưởng về toán, nhưng đó chưa phải là điều cốt lõi.

Tôi nghiên cứu về khoa toán, về những cơ hội và môi trường học tập nơi mình sẽ đến rất nhiều, để cuối cùng chọn Harvard. Khi tôi nói với mẹ điều này, mẹ nhìn tôi cười chẳng có gì là tin tưởng: “Thì con cứ thử đại đi”. Lúc nhận được thư báo lại đúng vào ngày cá tháng 4, tôi phải giấu một thời gian không cho ai biết vì sợ sai. Mãi đến khi nhận được toàn bộ hồ sơ mới dám nói cho bạn bè nghe.

Tôi đã viết về đam mê của mình với toán, cách suy nghĩ của mình về thời gian liên quan đến toán, về ước mong sẽ dùng toán để dự báo lũ giúp miền Trung, giống như công việc mẹ tôi đang làm.

Tôi cũng viết về tính cách của mình, không chỉ là một cô gái chúi mũi vào việc học, với chiếc kính dày cộp, mà rất mê thời trang, và mê nhảy… Cùng với đó là một video thể hiện bài nhảy yêu thích, những câu đố vui toán học… Harvard rất ủng hộ điều đó qua hoạt động ngoại khoá.

Và Trang đã học được điều gì quý nhất ở Harvard?

-Lúc nộp đơn vào trường, tôi mới 16 tuổi, đang học lớp 11. Tôi đã viết trong đơn là mình không phải là một nhà lãnh đạo, nếu ai cũng trở thành lãnh đạo hết thì lấy đâu ra người làm chuyên môn. Nhưng môi trường Harvard đã cho tôi một sự tự tin rằng muốn làm gì sẽ làm bằng được.Tôi có thể trở thành một lãnh đạo khi công việc đòi hỏi; thành lập Otus Consulting là một ví dụ.

Thời gian học vô cùng bận rộn, vất vả, vì sao Trang vẫn dành nhiều tâm huyết cho Otus Consulting?

- Otus Consulting là cách để tôi có thể tiếp tục giúp các em khi mình ở Mỹ. Những trung tâm tư vấn du học hiện nay phần lớn chỉ tư vấn những trường bình thường, còn để giúp những em thực sự giỏi thì rất thiếu. Chúng tôi đã liên kết với các bạn sinh viên Việt Nam ở Mỹ để tạo thành nhóm giúp cho các em ở Việt Nam, những em cần mình nhất. Các em giỏi, có năng lực, xứng đáng với môi trường học tập tốt hơn.

Lập ra Otus Consulting, tôi không còn thời gian để đi chơi, cũng không còn ngày lễ, ngày tết, vì đó luôn là thời gian căng thẳng nhất của quá trình nộp hồ sơ tuyển sinh. Nhưng thật hạnh phúc khi năm đầu tiên chúng tôi đã giúp được 12 em, năm thứ hai 20 em, năm thứ ba là 10 em vào những trường top nước Mỹ như Harvard, Yale, Stanford, University of Pennsylvania, Cornell, Northwestern, Pomona College, Broward, University of California, Berkeley… Để có được kết quả ấy, phải trò chuyện rất nhiều với các em, hiểu chi tiết từng sở thích, cá tính, để phát hiện ra những tố chất khác biệt, từ đó lọc ra điểm hay, hướng các em làm cho sự khác biệt ấy sâu sắc hơn, để tạo nên bộ hồ sơ nổi bật. Hàng ngày, cứ 3 giờ sáng là dậy chat với các em đến 5 giờ…

Trong quá trình làm việc với các em, Trang phát hiện ra nhược điểm chung nào lớn nhất?

- Cách suy nghĩ của các em chưa rộng, do lỗi của giáo dục trong nước, chỉ bó gọn vào một số ngành kinh doanh, tài chính, nên chưa biết được cái hay, cái đẹp của nhiều ngành nghề khác nhau. Chính vì vậy mà sau khi qua Mỹ, gần như 50% thay đổi ngành học. Các em học ở trường quốc tế thì mạnh hơn hẳn về các hoạt động ngoại khoá, cách suy nghĩ tự do hơn, nên bài luận thường sâu sắc hơn những em học trường Việt.

Vì sao Trang lại chọn luận văn tốt nghiệp nghiên cứu về não trẻ tự kỷ? Thử thách lớn nhất với đề tài này là gì?

- Ngay từ khi còn đi học ở Hà Nội, tôi vẫn thường xuyên đạp xe đi thăm, dạy tiếng Anh cho các em nhỏ bị khuyết tật do chất độc màu da cam. Điều các em thiếu thốn nhất chính là tình thương, sự ôm ấp, vuốt ve. Có khi chỉ là một cái nắm tay thôi cũng khiến các em nhảy cẫng lên sung sướng, ẵm các em vào lòng cũng khiến các em chan chứa nụ cười... Không biết có phải vì các em không mà tôi đã chọn học về não, cách người ta suy nghĩ.

Đề tài của tôi nghiên cứu những hoạt động liên kết trong những phần khác nhau của não, so sánh giữa người bình thường và người tự kỷ qua những độ tuổi khác nhau, thay đổi và phát triển thế nào. Nghiên cứu về các bạn ấy, tôi thấy các em rất thông minh, có em chỉ số thông minh lên đến 99,9%.

Tôi không nghĩ các em bị bệnh, mà rất đặc biệt.

Dường như Trang lúc nào cũng sống với đam mê?

- Cuộc đời tôi có ba đam mê quan trọng nhất, đó là ngành thần kinh sinh học và tâm lý học; giáo dục; và dancing sport. Tôi đã từng phải làm thêm tại thư viện Widener 20 giờ/tuần, đạp xe từ Harvard tới viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để tham gia trợ giảng… kiếm tiền học nhảy.

Từ Boston, tôi phải lái xe hơn bốn giờ để xuống New York học một thầy rất giỏi ở Mỹ, rồi lại lái xe trở về Boston. Tiền học nhảy nếu để dành chắc là tôi… giàu to! (cười)

Nhảy mang đến cho Trang cảm giác như thế nào?

- Đó là tôi. Bình thường tôi là người ít nói, hiền, nhưng khi nhảy, tôi là một con người hoàn toàn khác. Tôi đã từng tham gia Bước nhảy hoàn vũ ở Mỹ, chỉ để được đứng trên cùng một sàn diễn với những ngôi sao mà mình ngưỡng mộ cũng đã là một hạnh phúc...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem