"Phạm sai lầm, thầy cô cũng cần được cảm thông!"

Khải Huyền Thứ tư, ngày 11/12/2019 16:11 PM (GMT+7)
"Giáo viên cũng là con người, có áp lực công việc, cuộc sống… nên có lúc phạm sai lầm. Khi đó, người thầy cần sự cảm thông, chia sẻ, bỏ qua lỗi lầm để tiếp tục phấn đấu", nhà giáo Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GDĐT TP.HCM nói tại hội thảo Đóng góp ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 29/TW về đổi mới căn bản, toàn diện và triệt để giáo dục Việt Nam.
Bình luận 0

Hội thảo do Hội Cựu giáo chức TPHCM vừa tổ chức hôm nay (11/12).

Ông Tân cho rằng, thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ việc thầy cô giáo phạm phải sai lầm trong nghiệp vụ khiến phụ huynh, dư luận phẫn nộ. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, thầy cô giáo là những người chịu nhiều áp lực trong công việc, phải liên tục nâng cao kỹ năng, trình độ để đáp ứng các yêu cầu của đổi mới giáo dục nhưng thu nhập lại chưa tương xứng.

img

Công việc áp lực, nhiều lúc thầy cô phạm sai lầm và cần được cảm thông, chia sẻ. Trong ảnh, cô H. từng bị phụ huynh quay lén video vì hành vi đánh học sinh trong lớp học. 

Trong môi trường đó, cần tạo ra môi trường giáo dục vững mạnh, đội ngũ thầy cô giáo phải đồng lòng, hợp sức để cùng phát triển. Khi đó, người thầy cần thường xuyên được huấn luyện, hỗ trợ của tập thể. Khi mắc sai lầm, các giáo viên cần được chia sẻ, đồng cảm, bỏ qua lỗi lầm để có thể tiếp tục phấn đấu.

Theo ông Tân, thực hiện đổi mới giáo dục cần thực hiện từ chính từng giáo viên đứng lớp, Pphải biết cân đối hài hòa giữa các văn bản chỉ đạo và thực tế nhà trường để có hướng xử lý phù hợp.

Theo TS. Hồ Bá Thâm - Giám đốc Viện Giáo dục và phát triển nhân lực Á Châu, hiện nay, nhiều người có cái nhìn khá tiêu cực với ngành giáo dục, nhất là sau nhiều vụ tiêu cực trong thi cử hay những hành vi cư xử chưa đúng mực của thầy cô giáo. Đây là những khó khăn khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục.

Do đó, theo TS Thâm, cần có một bộ quy tắc ứng xử văn hóa trường học dành cho cán bộ quản lý và giáo viên. Những quy tắc này nên xây dựng một cách mềm mỏng, có cái nhìn tích cực, nhân ái. Giáo viên và cán bộ quản lý phải là người gương mẫu giữ những quy tắc này trước khi yêu cầu học sinh thực hiện.

img

Thầy cô giáo đang là những người chịu nhiều áp lực trong công việc trong khi thu nhập chưa tương xứng. Ảnh: Giáo viên chủ nhiệm lớp 10, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM).

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM lại cho rằng, vấn đề tiền lương, thu nhập đang ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy học của giáo viên ngày nay. Thậm chí, vì tiền, một bộ phận giáo viên đã thay đổi, không còn giữ được cái tâm sáng của hình ảnh người thầy giáo trước đây.

Do đó, bà Thu cho rằng, muốn đổi mới giáo dục, phải tính đến chuyện tiền lương, thu nhập xứng đáng cho đội ngũ giáo viên. Để giáo viên có thể yên tâm đứng lớp, không gì hơn việc đáp ứng được các yêu cầu cần thiết về thu nhập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem