Thực hư thông tin nữ sinh TP.HCM "bị" buộc phải mặc áo dài

Thiên Anh - Quốc Hải Thứ hai, ngày 18/01/2016 15:41 PM (GMT+7)
Văn bản khuyến khích nữ sinh các trường THPT (từ lớp 10 đến lớp 12) tại TP.HCM mặc áo dài ít nhất 1 lần/tuần của Sở GD-ĐT TP.HCM gây tranh cãi trái chiều do hiểu lầm đây là quy định bắt buộc. Phía Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, đây không phải là văn bản ép buộc.
Bình luận 0

Không phải là văn bản ép buộc

Liên quan đến văn bản khuyến khích các trường cho nữ sinh mặc áo dài, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết, từ năm 2009, khi Bộ GD-ĐT có thông tư 26 về đồng phục, lễ phục đối với học sinh và sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản gửi các trường hướng dẫn về đồng phục.

Theo đó, một trong những tiêu chí quan trọng trong Thông tư 26 là đồng phục đạt thẩm mỹ và độ tuổi các em trong nhà trường; đồng thời, đồng phục phải phù hợp thời tiết, thuận lợi cho học sinh trong học tập. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa khi chọn đồng phục cho học sinh là đơn giản, tiết kiệm và sự đạt đồng thuận trong hội đồng sư phạm, phụ huynh. Chính vì vậy đồng phục hiện nay tại các trường THPT cũng đa dạng hơn với nhiều trang phục được lựa chọn: váy - áo hoặc áo sơmi - quần tây, màu sắc cũng phong phú hơn.

img

Nữ sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong trong trang phục áo dài

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường THPT ở TP.HCM đang có xu hướng thay áo dài trắng của nữ sinh bằng âu phục.

Vì vậy, để nhằm mục đích giáo dục truyền thống, gìn giữ nét đẹp duyên dáng, dịu dàng của nữ sinh TP, Sở GD-ĐT TP ban hành văn bản trên nhưng mục đích cũng chỉ là khuyến khích các trường thực hiện cho nữ sinh mặc áo dài tối thiểu 1 buổi/tuần (vào ngày thứ hai chào cờ đầu tuần và các ngày lễ) chứ "đây không phải là văn bản mang tính chất ép buộc" như dư luận xôn xao, tranh cãi.

Giáo viên ủng hộ, học sinh không quá "sốc"

Thực tế, lâu nay nhiều trường THPT khu vực nội thành tại TP.HCM như: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Võ Thị Sáu, THPT Gia Định, THPT Marie Curie… vẫn triển khai cho nữ sinh mặc áo dài trong các ngày lễ lớn (khai giảng, 20.11…) và vào thứ Hai đầu tuần.

Thế nên văn bản “khuyến khích” của Sở GD-ĐT TP.HCM không có gì mới. Với các em học sinh THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) thì việc mặc áo dài đi học lại là một niềm tự hào. Em Trần Ngọc Anh, học sinh khối 11 trường này cho biết: "Truyền thống của nữ sinh Minh Khai là áo dài, vì vậy bản thân em khi mới bước vào mái trường này đã rất háo hức khi được mặc áo dài".

Đặc biệt, đáng chú ý là Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2) – ngôi trường khá hiếm hoi tại TP.HCM quy định nữ sinh mặc áo dài suốt từ thứ hai đến thứ bảy. Theo ông Hà Hữu Thạch, hiệu trưởng nhà trường: “Tất cả nữ sinh từ khối 10 đến khối 12 của trường đều mặc áo dài trong những giờ học chính khóa. Riêng giờ học trái buổi (học sinh học thể dục, sinh hoạt ngoại khóa...) thì các em mặc đồ thể dục. Quy định này đã được nhà trường duy trì tám năm nay và thành nếp, học sinh và phụ huynh đều đồng tình”.

“Việc quy định nữ sinh mặc áo dài đi học của Trường THPT Giồng Ông Tố là nhằm duy trì hình ảnh đẹp và nuôi dưỡng giá trị truyền thống của chiếc áo dài Việt Nam trong lòng thế hệ trẻ”, ông Thạch nói.

Còn thầy Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng cho rằng, chiếc áo dài giúp nữ sinh kiềm chế biểu hiện “phi nữ tính”.

"Chiếc áo dài truyền thống đem lại cho nữ sinh vẻ đẹp giản dị và duyên đáng. Mặc chiếc áo dài, các bạn nữ sinh có cảm giác mình đã trở thành thiếu nữ nên sẽ tự biết kiềm chế những lời nói, hành động nông nổi để phù hợp với lối sống khuôn khổ, nền nếp trong nhà trường.

Các bạn nữ sinh không thể có những biểu hiện “phi nữ tính” khi đang mặc áo dài, ví dụ như đùa cợt rượt đuổi nhau trên sân trường hoặc đánh đấm như con trai. Thậm chí đến cả chuyện “cười to nói lớn” cũng không hợp với chiếc áo dài vốn mềm mại".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem