Tôn vinh học sinh DTTS tiêu biểu: Lan toả niềm vui, sự tự hào

Thu Hà - Tùng Anh Thứ bảy, ngày 05/11/2016 10:59 AM (GMT+7)
Ngày 4.11, 102 gương mặt học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học-cao đẳng (ĐH-CĐ) và đoạt giải học sinh giỏi quốc gia đã về tới Hà Nội để chuẩn bị cho Lễ tuyên dương học sinh DTTS tiêu biểu 2016 do Ủy ban Dân tộc tổ chức vào chiều 5.11.
Bình luận 0

Trắng đêm vượt đường xa

Để có mặt trong Lễ tuyên dương học sinh DTTS tiêu biểu 2016 diễn ra chiều 5.11, bố con ông Đặng Văn Sài và em Đặng Thị Huyền - dân tộc Hoa, thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã phải bắt xe khách từ 13h chiều 3.11. Hai cha con ông Sài phải đi xuyên đêm mới có mặt tại Hà Nội lúc 8h sáng 4.11.

Ông Sài thổ lộ: “Đây là lần đầu tiên hai bố con rời núi đi xa nên lúng túng về đường sá. Hôm qua, vì xe bắt khách lòng vòng nên phải mất gần cả buổi chiều mới đến được thành phố Hà Giang để bắt tiếp chuyến xe đêm xuống Hà Nội. Hai bố con thức trắng đêm trên xe nên khá mệt”.

img

Các em học sinh cùng phụ huynh về Hà Nội dự lễ tuyên dương.

Ông Sài kể, Huyền là đứa giỏi giang nhất trong 3 đứa con của vợ chồng ông. Mặc dù gia đình rất khó khăn, nhưng em luôn luôn cố gắng trong học tập và nhiều năm liền là học sinh giỏi. “Trước đó biết con thi đạt học sinh giỏi quốc gia, rồi đạt điểm cao kỳ thi THPT quốc gia, cả nhà rất vui vì nghĩ chắc con sẽ đỗ ĐH, nhưng chẳng hiểu sao con xét tuyển mà không được. Thương con lắm, nên lần này biết con được tuyên dương tôi cố gắng đưa con đi để động viên cháu” - ông Sài nói. Ông Sài cũng cho biết, ông đã phải bán ngô, bán thóc để lấy lộ phí đi đường cho 2 bố con xuống Hà Nội lần này.

Cô bé Huyền lần đầu tiên xuống Hà Nội mặt dù khá hồi hộp nhưng gương mặt vẫn rất buồn. Huyền cho biết, bố mẹ động viên mãi em mới đi chuyến này. Lý do một phần em sợ bố con em đi sẽ tốn kém, mặt khác trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 mặc dù em đạt số điểm khá cao 27,5 điểm và đoạt giải 3 môn địa lý kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhưng em vẫn không trúng tuyển ĐH.

Huyền kể, nhà em ở cách trung tâm huyện gần 20km, đi lại khó khăn, không có Internet để thường xuyên tra cứu. Khi có điểm thi THPT quốc gia, em làm hồ sơ xét tuyển vào khoa Luật kinh tế của ĐH Luật  Hà Nội và nguyện vọng 2 ghi vào khoa Luật tổng hợp của trường này. Tự tin với số điểm của mình lại thêm giải 3 quốc gia có thể trúng tuyển nên Huyền cứ ở nhà chờ. Nhưng chờ mãi không thấy giấy báo. Sau đó em biết nguyện vọng 1 trượt vì trường lấy 28 điểm, nhưng điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 của Huyền lại thừa 0,25 điểm.

Khi được hỏi tại sao không gọi điện xuống trường để hỏi và tìm cách xét tuyển nguyện vọng khác, Huyền cho biết: “Em không biết thắc mắc ở đâu, với lại có đỗ ĐH chắc gia đình cũng không có tiền cho đi học nên thôi, em ở nhà 1 năm đi làm thuê phụ giúp bố mẹ, năm sau em sẽ cố gắng thi lại để vào trường mà mình mơ ước”.

Mừng rơi nước mắt

Đó là tâm trạng không chỉ của các em học sinh được tuyên dương mà còn là nỗi niềm của hầu hết những bậc cha mẹ “cơm đùm, cơm nắm” theo con xuống Thủ đô lần này.

Vừa xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), cô Quách Thu Vân - dân tộc  Hoa, quận 5 (TP.HCM) - phụ huynh em Lâm Minh Quân còn mệt nhưng rất vui khi kể về thành tích học tập của cậu con trai vừa được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách Khoa (TP.HCM) với số điểm cao hơn 27 điểm.

“Suốt nhiều năm liền con đều là học sinh giỏi. Việc học hành luôn tự giác và chẳng bao giờ để bố mẹ phải nhắc nhở. Có nhắc thì cũng chỉ nhắc con học ít thôi, ăn nhiều vào để lấy sức khỏe. Những lúc đó con chỉ cười bảo: Con thấy các bạn càng học càng gầy, còn con càng học càng khỏe, vui và béo ra mẹ ạ!” - cô Vân cười nói.

Cô Vân cũng cho biết, Ban Tổ chức chỉ mời và “bao” ăn ở cho con thôi, còn bố mẹ đi theo thì phải tự túc chi phí vé máy bay và ăn ở. Biết là tốn kém nhưng gia đình vẫn quyết “duyệt” 1 suất cho mẹ đi cùng để động viên con. “Mấy ngày trước nhận được lời mời ra Lễ tuyên dương, Quân và gia đình vui lắm. Cứ nghĩ đến ngày con được đứng lên bục vinh danh, được gặp và nghe lãnh đạo Đảng, Nhà nước chia sẻ, dặn dò, còn được truyền hình trực tiếp trên VTV1 nữa, gặp gỡ, giao lưu với bao bạn khắp cả nước vậy là nước mắt vui mừng cứ chảy ra, hạnh phúc và tự hào…” - cô Vân xúc động bày tỏ.

Còn ông Huỳnh Diệu Minh - phụ huynh của em Huỳnh Sâm Hà (TP.HCM) dù rất bận rộn nhưng vẫn cố gắng sắp xếp công việc để đi cùng con trai ra Hà Nội trong đợt tuyên dương này.

Ông Minh chia sẻ: “Nghe con trai thông báo là cháu được ra Hà Nội dự lễ tuyên dương gia đình tôi mừng khôn tả. Từ nhỏ đến lớn, cháu rất chịu khó học. Năm nào cũng đạt học sinh giỏi và đứng nhất, nhì lớp. Đây là lần đầu tiên cháu ra Hà Nội, tôi lo lắng cho cháu lắm nên phải đi theo. Nghe tin dự báo thời tiết, ngoài Hà Nội mùa này đang se lạnh, khác hẳn trong TP.HCM, nên bố con tôi đã mua thêm nhiều áo ấm để dự phòng…” - ông Minh nói.

Chiều 4.11, sau khi tổng duyệt chương trình, tất cả các em học sinh đã được vào Phủ Chủ tịch và diện kiến, trò truyện với Chủ tịch nước cùng lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Sáng 5.11, Đoàn học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu sẽ được vào thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Phủ Chủ tịch trước khi dự lễ tuyên dương vào chiều cùng ngày. Lễ tuyên dương sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem