Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình: Đi đầu trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy và sản xuất

Trang Thảo Thứ tư, ngày 06/02/2019 21:16 PM (GMT+7)
Trong những năm qua, bên cạnh đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình đã đi đầu trong việc việc ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp 4.0 vào giảng dạy góp phần quan trọng cho việc đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ hội cho hàng nghìn lao động có cơ hội tiếp cận với công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng vào thực tế để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn

Trước xu thế hội nhập với thế giới cũng như đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình không chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Thái Bình mà còn hướng tới mục tiêu đáp ứng một nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ cao cho nhu cầu tuyển dụng lao động của thị trường trong và ngoài nước.

img

Ông Nguyễn Văn Lượng – Hiệu trưởng (thứ 2 từ trái qua phải) đang giới thiệu mô hình nhà lưới thông minh được xây dựng ngay trong khuôn viên của nhà trường.

Để trở thành địa chỉ tin cậy cho học viên là cả một quá trình phấn đấu, không ngừng học tập, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, đến nay nhà trường đã có 50% giáo viên có trình độ thạc sĩ, 2 giáo viên đang làm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Không chỉ luôn luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp phù hợp với khả năng tiếp cận của từng học viên mà các giáo viên của nhà trường còn tích cực đi sâu, đi sát thực tiễn để truyền đạt những nội dung thiết thực nhất với yêu cầu của sản xuất trong từng mùa vụ, từng địa bàn nhờ đó chất lượng đào tạo, uy tín của trường ngày càng được nâng lên.

Đỗ Ngọc Thinh, học viên lớp chăn nuôi, thu ý chia sẻ: Phương pháp giảng dạy của nhà trường rất thực tế, dễ hiểu, bên cạnh việc học lý thuyết tại giảng đường, nhà trường còn tổ chức cho học viên tham quan một số trang trại tìm ra một số bệnh khó để chữa trị, áp dụng vào thực tế cho các học viên.

Với các chuyên ngành quản lý kinh tế, kế toán tổng hợp, chăn nuôi thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật…. chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường những năm gần đây đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Văn Lượng – Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Các giáo viên đã tập trung nâng cao trình độ, rèn luyện, trao dồi kiến thức chuyên môn cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, trở thành những giảng viên vừa giỏi lý thuyết lẫn thực hành và tiếp cận với khoa học công nghệ để cập nhật vào trong bài giảng của mình. Chúng tôi xác định đối với giáo viên trường Trung cấp Nông nghiệp Thái bình muốn làm người thầy giỏi thì trước hết phải làm người thợ giỏi vì đối tượng học viên của chúng tôi không chỉ là các học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 mà còn là các cán bộ hợp tác xã nông nghiệp và một số học viên lớn tuổi muốn đi học để có kiến thức áp dụng vào sản xuất nông nghiệp của gia đình.

Đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ

Để thực hiện được mục tiêu ngày càng nâng cao trình độ, kiến thức, ứng dụng công nghệ vào sản xuất cho các học viên vừa qua nhà trường mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới thông minh lắp đặt ngay tại khuôn viên của trường nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy và liên kết với Học viên nông nghiệp trong đào tạo.

img

Giống lan thơm quý đang được Trường Trung cấp Nông nghiệp bảo tồn, duy trì giống tại hệ thống nhà lưới thông minh.

Thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết đào tạo nghề chất lượng cao đã tạo điều kiện cho các học viên có cơ hội để tiếp cận công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến hiện đại, thực hành, rèn luyện kỹ năng, từng bước ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trong tương lai, đây cũng sẽ là cơ hội khởi nghiệp rất tốt cho các học viên sau khi ra trường.

Nhà trường cũng đã liên tục đổi mới nội dung chương trình giảng dạy theo hướng lấy thực hành làm trọng tâm, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Thái Bình. Cụ thể như vừa qua nhà trường đã chuyển giao kỹ thuật trồng lan thơm 2.000 giỏ lan thơm cho hộ dân tại huyện Vũ Thư. Mô hình trồng lan ứng tiến bộ kỹ thuật được nhà trường chuyển giao đã từng bước nâng cao đời sống cho hộ dân với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Việc đầu tư hệ thống nhà lưới thông minh đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho cán bộ giáo viên trong giảng dạy và sản xuất. Trước đây,chúng tôi muốn chiết ghép để tạo ra giống cây nông nghiệp có giá trị thì phải chuyển đi rất nhiều nơi để kích cành, kích rễ, tạo mầm, nhưng đến nay với mô hình này chúng tôi đã chủ động được phần lớn các công việc – ông Lượng chia sẻ

Bên cạnh việc truyền đạt các kiến thức, khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho các học viên Trường trung cấp Nông nghiệp thái Bình còn đưa ra thị trường nhiều giống hoa lan, hoa hồng, trà cổ

Tại Hội chợ hoa Xuân chào Xuân Kỷ Hợi của tỉnh Thái Bình vừa qua, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình đã giới thiệu tới khách hàng 800 giỏ lan rất đẹp, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt tại hội chợ, các giỏ lan bán cho khách hàng đều được ghi lại địa chỉ, đến khi khách hàng chơi lan xong thì nhà trường sẽ thu mua lại gốc nuôi dưỡng cho sang năm lại ra hoa, điều này đã tạo ra sự tiết kiệm chi phí rất lớn cho sản xuất nông nghiệp.

Trong bối cảnh các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng đại học trong cả nước còn nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nhưng nhờ sự đổi mới của Ban Giám hiệu nhà trường, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của học viên đã giúp Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình ngày càng thu hút học sinh theo học và khẳng định mô hình chất lượng hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem