Giúp nông dân làm giàu với công nghệ cao

Lê San(thực hiện) Thứ bảy, ngày 28/01/2017 14:10 PM (GMT+7)
“Ngày xưa, chúng tôi giúp nông dân (ND) xoá đói giảm nghèo. Ngày nay, chúng tôi có mục tiêu khác là giúp ND làm giàu bằng cách liên kết với các nhà khoa học, xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nuôi mô nhân giống các giống mía, trồng các loại rau, củ, quả an toàn với quy trình khép kín” – ông Lê Văn Tam (ảnh) – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) cho hay.
Bình luận 0

img

Ông Lê Văn Tam  – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco)

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (Trung tâm NNCNC) thuộc Lasuco đã đi vào hoạt động được hơn 1 năm nay. Hiện nay, trung tâm đã có các sản phẩm cam, dưa vàng kim, giống mía, rau an toàn, hoa. Toàn bộ các khâu canh tác, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng… đều được thực hiện tự động thông qua hệ thống phần mềm cảm biến và trung tâm điều khiển.

Sau nhiều năm thử nghiệm và chính thức ra mắt tới nay, việc đầu tư Trung tâm NNCNC cho hiệu quả như thế nào, thưa ông?

- Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đã có nhiều năm gắn bó với nông dân, chuyên sản xuất mía và đường. Mỗi năm chúng tôi sản xuất từ 1,2 – 1,5 triệu tấn mía, làm ra 150.000 – 160.000 tấn đường.

img

Nghiên cứu cấy mô trong phòng thí nghiệm tại Trung tâm NNCNC của Lasuco.  Ảnh: Lê San

Chúng ta không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ được nữa. Chỉ có áp dụng NNCNC, chủ động điều tiết sản lượng, chất lượng ổn định thì mới mong hướng được ra thế giới, mới có thể tiếp tục sản xuất, nếu không thị trường sẽ không cho phép chúng ta có thể tiếp tục sản xuất nữa. Để làm được điều đó, nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước phải cùng liên kết với nhau”.

Ông Lê Văn Tam

Tôi thấy ND làm mía đường cao lắm chỉ được 120 – 150 triệu đồng/ha, chưa thể giàu có. Gắn bó với nông dân, chúng tôi luôn nghĩ làm sao để ND giàu có. Trước đây giúp ND xoá đói giảm nghèo, từ 2010 tới nay  chúng tôi đặt mục tiêu giúp cho ND làm giàu. Chúng tôi liên kết với các nhà khoa học, quyết định xây dựng trung tâm NNCNC, nuôi mô nhân giống các giống mía, một số cây trồng và nghiên cứu các phương pháp trồng các sản phẩm an toàn, sạch, hữu cơ, để nâng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Từ 2014 đến nay, chúng tôi đầu tư gần 300 tỷ đồng, và được tỉnh giao cho khu đất trên 130ha, tổ chức thành các phân khu như khu sản xuất cam năng suất cao V2 50ha, mô hình sản xuất mía 40ha, nhà lưới, nhà kính để sản xuất hoa quả, thực phẩm là 20ha...

Qua 4 năm, chúng tôi thấy rõ ràng đường mình đi là đúng, thông qua công nghệ sản xuất mới, phương thức sản xuất mới đã tạo ra giá trị cao hơn rất nhiều lần so với cây trồng khác. Ví dụ 1ha nhà lưới trồng dưa vàng, 1 năm làm 3 vụ chỉ mất 205 ngày, còn 160 ngày mùa đông thì sản xuất rau và hoa, cà chua. Riêng dưa 3 vụ thu được 3 tỷ đồng, cộng thêm bán giống không dưới 2 tỷ đồng. Vậy 1ha thu được 5 tỷ đồng, gấp hàng chục lần trồng lúa. Hiện, các sản phẩm từ trung tâm đã được tiêu thụ rộng rãi tại địa bàn Thanh Hóa và Hà Nội. Khi các sản phẩm có số lượng nhiều và ổn định, chúng tôi sẽ hướng tới xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước tiềm năng.

Và hướng đi sắp tới của trung tâm cũng như Lasuco?

- Trong năm 2017 – 2018,  công ty triển sẽ khai nhân ra 1.000ha trồng các giống mía nuôi cấy mô chất lượng cao. Từ đây đến năm 2020, toàn bộ vùng mía Lam Sơn sẽ được trồng các giống mía nuôi cấy mô năng suất chất lượng cao. Thêm vào đó, chúng tôi còn hướng dẫn cho ND cách tổ chức lại đồng ruộng thế nào, canh tác ra sao để tới đây có thể nâng năng suất lên 50%, chất lượng đường tăng 20%.

Như ông nói thì dường như việc đầu tư làm NNCNC của Lasuco khá thuận lợi?

- Không, khó khăn nhiều vô kể. Trước tiên là đầu tư cao, và đầu tư vào nông nghiệp lại rủi ro rất lớn. Nếu doanh nghiệp không quyết tâm làm, không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng gặp khó. Khó lớn nhất là cơ chế của Nhà nước, làm sao để tích tụ được đất đai, để nông dân có quyền tự chủ cao hơn, có thể chuyển đổi, chuyển nhượng, sớm tích tụ ruộng đất, từ đó mới đưa cơ giới hoá, tiến bộ kỹ thuật vào được.

Thứ hai là nguồn nhân lực, bà con có cách thức sản xuất  còn tuỳ tiện. Hôm nay tưới phân cũng được, mà ngày mai tưới cũng được, thấy cỏ lại phun thuốc diệt cỏ… Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật gặp rất nhiều trở ngại. Do vậy, phải đào tạo lại về sản xuất cho bà con ND, đặc biệt là thế hệ trẻ. Muốn có sản phẩm chất lượng tốt, an toàn phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải có lực lượng nông dân hiểu biết và áp dụng khoa học công nghệ.

Cuối cùng là vốn, mấy doanh nghiệp có thể bỏ vốn như chúng tôi? Nhưng vì chúng tôi là doanh nghiệp nông nghiệp, gắn bó với ND, sẵn sàng hợp tác với ngân hàng mới có thể đầu tư được. Vốn cũng là khó khăn lớn của ND. Khi chuyển giao kỹ thuật cho người ND, chúng tôi cũng chỉ có thể đầu tư ở mức giới hạn, chứ không thể đầu tư đồng bộ được vì nguồn lực giới hạn. Phải có chính sách cho vay vốn lãi xuất thấp, có hỗ trợ mới làm được NNCNC.

Cả cuộc đời ông gắn bó với phát triển nông nghiệp, ông kỳ vọng gì qua trung tâm NNCNC này?

- Chúng tôi phát triển Trung tâm NNCNC này không chỉ nhất thời, mà tin tưởng nền nông nghiệp Việt Nam đủ sức để cạnh tranh được với thế giới. Các sản phẩm chúng ta không hề thua kém các nước. Có sản phẩm chất lượng thì chúng tôi mới phát triển thương hiệu, kéo được các nhà đầu tư nước ngoài vào.

Với Lasuco, Trung tâm NNCNC sẽ là đầu mối hạt nhân trong chiến lược xây dựng vùng NNCNC dọc đường Hồ Chí Minh trong tương lai gần. Trung tâm sẽ tạo dựng mô hình để nông dân học và tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất. Chúng tôi cũng thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho ND, tổ chức sản xuất cho 1.000 hộ nông dân để tạo ra sản phẩm an toàn, sạch...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem