GS Nguyễn Lân - người nghĩ khác

Thứ tư, ngày 11/12/2013 07:38 AM (GMT+7)
Nói đến GS Nguyễn Lân là nói đến một đại gia đình khoa bảng xuất sắc. 8 người con của cụ đều là những nhà trí thức nổi tiếng có nhiều đóng góp cho khoa học, giáo dục nước nhà.
Bình luận 0
Các thế hệ thứ 2, thứ 3 đều có những thành công nhất định. Hiện nay, gia đình cụ đã có 7 giáo sư, 8 phó giáo sư, 12 tiến sĩ...

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học về Cuộc đời và sự nghiệp Nhà giáo Nhân dân (NGND), GS Nguyễn Lân, do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 10.12.

Cậu bé nhà quê trở thành nhà giáo

GS Nguyễn Lân quê ở Hưng Yên. Cụ là con thứ 17 và là con út, lúc thiếu thời rất còi cọc, nhưng trời cho một tư chất rất thông minh. Năm 1932, Nguyễn Lân tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Đông Dương và bắt đầu cuộc đời giáo viên, từng giảng dạy qua các Trường Tư thục Thăng Long, Đồng Khánh, Quốc Học, Bách Công… Cụ là người tham gia thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ Trung Kỳ.

Sau cách mạng Tháng 8, cụ được mời làm Ủy viên giáo dục tỉnh Thừa Thiên, Giám đốc Học chính Trung Bộ. Sau khi chuyển ra Hà Nội, cụ dạy Ban Chuyên khoa Trường Chu Văn An, rồi đi kháng chiến làm Giám đốc giáo dục các Liên khu 10, Việt Bắc. Năm 1951, cụ sang Trung Quốc dạy Trường Sư phạm cao cấp tại khu học xá Nam Ninh. Từ năm 1956, cụ giảng dạy tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và làm Chủ nhiệm khoa Tâm lý – Giáo dục từ khi thành lập đến khi ông về hưu.

Cố Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân và vợ.
Cố Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân và vợ.

Suốt cuộc đời làm thầy, GS Nguyễn Lân luôn giữ gìn tư cách mẫu mực, yêu thương học trò, yêu nghề và tận tụy với nghề. Lòng yêu nghề của cụ chính là mạch nguồn tiếp sức cho các thế hệ con cháu noi theo. GS Nguyễn Lân Dũng – con trai cụ, chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in lời ba tôi dạy, rằng mình là gia đình cán bộ, không có tiền nên các con cố mà học. Ba mẹ chỉ cho các con tri thức, các con cố học mà thành tài”.

Không chỉ là một nhà giáo mẫu mực, GS Nguyễn Lân còn được biết đến với tư cách là một nhà văn với nhiều tác phẩm xuất sắc mà dấu ấn là tác phẩm “Cậu bé nhà quê”, viết về sự cố gắng vươn lên của một cậu bé nghèo. Theo nhiều người, đó chính là phác họa cuộc đời chính tác giả. Tác phẩm này sau đó được dịch ra tiếng Pháp và năm 1934 đã được đưa vào sách giáo khoa. GS Nguyễn Lân còn là một nhà ngữ pháp với việc biên soạn sách giáo khoa ngữ pháp Việt Nam từ lớp 1 đến lớp 7; là nhà biên soạn từ điển với 10 bộ từ điển các loại, gìn giữ và bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng của nước ta.

Khởi nguồn những tư tưởng mới

Nói về cố NGND, GS Nguyễn Lân, GS Nguyễn Đình Chú – khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: GS Nguyễn Lân đã làm khoa học giáo dục dựa trên sự thấm nhuần sâu sắc truyền thống giáo dục của dân tộc, phương Đông. “Giữa lúc đời nghĩ theo hướng khác, GS đã chủ trương với nhà trường hãy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cũng bởi tư tưởng này mà khi ấy cụ đã bị phê phán rất gay gắt, người ta cho rằng cụ không có chí cầu tiến, tính xác thực. Nhưng đến hôm nay, hầu như đến thăm trường nào chúng ta cũng thấy đập vào mắt biểu ngữ tiến bộ và sâu sắc ấy” – GS Chú nói.

Ghi nhận những đóng góp không nhỏ của cố NGND, GS Nguyễn Lân trong sự nghiệp giáo dục, văn học nghệ thuật, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định tới đây đặt tên Nguyễn Lân cho một con phố trong nội thành.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì khâm phục một tầm nhìn giáo dục của GS Nguyễn Lân. Ông cho biết: “Trước khi mất 8 năm (năm 1995), nhà giáo Nguyễn Lân đã gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước những kiến nghị đối với nền giáo dục nước nhà, trong đó có các điểm: Tăng cường đổi mới việc giáo dục luân thường đạo lý cho học sinh; cấm hẳn việc dạy thêm cho học sinh các cấp; kiên quyết tăng thu nhập cho giáo viên; nâng cấp chất lượng của các trường sư phạm. Ngót 2 thập kỷ sau những kiến nghị ấy vẫn còn giữ nguyên tính thời sự”.

GS Hà Minh Đức còn nhớ như in hình ảnh người thầy cũ đến tuổi về hưu vẫn còn nặng gánh lo cho ngành giáo dục: “Tôi còn nhớ trong cuộc hội nghị do Ban Khoa giáo Trung ương triệu tập, thầy Lân đã tỏ ý phiền lòng về chuyện học sinh còn dùng “phao” trong các kỳ thi và nhất là hiện tượng thi hộ. Thầy nói: “Phải kết hợp giữa giáo dục ý thức học sinh và kỷ luật với những hành vi phá phách”. Thầy cũng quan tâm đến việc học hành của các em nhỏ cấp I, ông?nói với tôi: Các cháu còn bé quá sao phải mang cặp quá to, ở trong đựng quá nhiều sách...”.

Tùng Anh (Tùng Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem