Hà Nội: Còn buông lỏng quản lý công viên, hồ nước

Thứ sáu, ngày 13/07/2012 10:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 12.7, tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội, các đại biểu hội đồng đã tập trung chất vấn 4 vấn đề, trong đó nổi bật nhất là việc buông lỏng quản lý khiến quy hoạch công viên, hồ nước bị phá vỡ…
Bình luận 0

Vấn đề quản lý và khai thác một số công viên, hồ nước như Công viên Tuổi Trẻ, Đống Đa, Thành Công, Yên Sở, Vườn thú Hà Nội…, còn nhiều tồn tại, gây bức xúc trong dư luận khiến các đại biểu HĐND truy vấn trách nhiệm của lãnh đạo thành phố tới cùng.

img
Những sai phạm tại Công viên Tuổi Trẻ đã làm nóng phiên chất vấn.

ĐB Nguyễn Hoài Nam bức xúc khi tại Công viên Tuổi Trẻ (đường Võ Thị Sáu) xuất hiện quá nhiều công trình như sân tenis, nhà hàng, quán bar... Đây là do lỗi quản lý yếu kém của địa phương trong khi doanh nghiệp đầu tư là Công ty đầu tư và dịch vụ Tuổi Trẻ cố tình xây dựng sai mục đích.

Còn với hồ Thành Công, ĐB Nam coi như “ao làng” do mật độ xây dựng tăng cao quanh hồ. Tình trạng xây dựng trái phép tại Công viên Thủ Lệ cũng đã diễn ra 4-5 năm, thành phố đã yêu cầu phá dỡ tất cả công trình lấn chiếm trong công viên, song đến nay vẫn chưa hoàn tất, vẫn còn những nhà hàng lấn công viên kinh doanh sai mục đích.

Trả lời ĐB Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, Công viên Tuổi Trẻ từ 2001 - 2007 đã có 25 công trình sai phép, thành phố đã cưỡng chế cơ bản hoàn thành, song vẫn còn một số hạng mục còn tồn tại, phấn đấu quý 4 năm nay hoàn thành. Thành phố cũng đã tháo dỡ 2 công trình sai phép năm 2008 tại Công viên Thủ Lệ.

Còn Công viên hồ Thành Công có nhiều công trình được điều chỉnh từ quy hoạch cũ vào các năm trước. Tuy nhiên, hiện nay những công trình mới như khu làm việc của công ty xăng dầu, nhà văn hóa và bể bơi Thành Công, khu tổ hợp văn phòng, nhà ở cho thuê chưa xây dựng thì sẽ được rà soát, kiểm soát mật độ xây dựng.

Không hài lòng, ĐB Nguyễn Hoài Nam tiếp tục truy vấn: “Liệu thành phố quyết định chuyển đổi công viên Tuổi Trẻ thành trung tâm thanh thiếu niên liệu có phải để hợp thức hóa việc xây dựng 4 sân tennis, quán bar...? Các ĐB Lê Văn Thành, Phan Thị Thanh Mai, Trần Thị Vân Hoa cũng chất vấn về vấn đề này khi cho rằng, nếu thành phố vẫn tiếp tục cơ chế quản lý các công viên và hồ nước như hiện nay thì vấn đề này sẽ mãi không có lời giải.

Mức học phí 20.000 đồng/tháng ở khu vực nông thôn

Nghị quyết về việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của TP. Hà Nội đã mới được HĐND TP. Hà Nội thông qua chiều 11.7. Theo đó, kể từ năm học 2012-2013, Hà Nội sẽ áp dụng mức học phí ở các bậc học mầm non, THCS, THPT, bổ túc, học nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân là 40.000 đồng/tháng với khu vực thành thị và 20.000 đồng/tháng với khu vực nông thôn, dành cho các bậc học: Nhà trẻ; mẫu giáo; THCS; THPT; bổ túc THCS...

ĐB Mai cho rằng, tốc độ xã hội hóa công viên ở Hà Nội chậm chạp như Công viên Tuổi Trẻ đã 10 năm không hoàn thành, trong khi TP.HCM đã hình thành nhiều công viên xã hội hóa, thu hút được rất nhiều khách du lịch đến.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, việc thực hiện xã hội hóa công viên rất khó khăn, như Công viên Thống Nhất đã mời gọi đầu tư song có doanh nghiệp muốn xây dựng 5 tầng hầm kinh doanh và tầng nổi, do vậy thành phố không chấp thuận vì có thể phá vỡ quy hoạch. Thời gian qua, thành phố đã cố gắng xã hội hóa được Công viên Dịch Vọng và Yên Sở...

Trước nhiều ý kiến của nhiều ĐB chất vấn tới cùng về trách nhiệm của thành phố, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cũng thừa nhận, mọi hoạt động của thành phố, dù to hay nhỏ, thì trước hết UBND thành phố phải chịu trách nhiệm. Trong giải trình, UBND thành phố đã nói rõ trách nhiệm của mình. Ông Khôi khẳng định: “Đến giờ chúng tôi vẫn không đổ trách nhiệm cho ai, trách nhiệm vẫn là của UBND thành phố”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem