Hai dự án nhiệt điện vừa “về tay” PVN có quy mô thế nào?

Thanh Phong Thứ tư, ngày 05/07/2023 18:00 PM (GMT+7)
Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PetroVietnam (PVN) được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư các dự án điện Nhiệt điện Ô Môn III và Ô Môn IV.
Bình luận 0

Một trong những dự án điện lớn nhất

Ngày 29/6 vừa qua, Tập đoàn PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành ký kết biên bản bàn giao hồ sơ Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV.

Được biết, theo kế hoạch ban đầu EVN sẽ là chủ đầu tư hai dự án nhà máy nhiệt điện này. Tuy nhiên, do đơn vị này gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nguồn vốn, do đó, hai dự án được Chính phủ chuyển giao lại cho phía PVN.

Về mặt quy mô, dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III và IV cùng có công suất thiết kế khoảng 1.050MW. Ngoài ra, dự án Ô Môn III có tổng mức đầu tư 25.243 tỷ đồng, dự kiến huy động vốn từ nguồn ODA (vay từ Nhật Bản) là 17.670 tỷ và vốn đối ứng hơn 7.500 tỷ.

Đặt cạnh các nhà máy hiện hành, hai dự án nhiệt điện vừa “về tay” PVN có quy mô thế nào? - Ảnh 1.

Phối cảnh Trung tâm điện lực Ô môn - Cần Thơ

Đây là 1 trong 9 dự án nguồn điện của EVN được Thường trực Chính phủ chỉ đạo phải giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư để triển khai bảo đảm cung ứng đến cho đất nước.

Dự án Ô Môn IV dự kiến tổng mức đầu tư gần 30.000 tỷ đồng, trong đó cơ cấu vốn gồm khoảng 20% của chủ đầu tư và khoảng 80% vay thương mại không bảo lãnh Chính phủ theo hình thức tín dụng xuất khẩu.

Xét về quy mô, hai dự án nhiệt điện nói trên có công suất thiết kế nằm trong top các nhà máy hiện hành có thể so sánh với một số nhà máy có công suất thiết kế lớn nhất tại Việt Nam.

Điển hình, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 thuộc Trung tâm điện lực Vũng Áng ( Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh) có hiệu suất 1200 MW ( 2 × 600 MW) đã đưa vào quản lý và vận hành thương mại tổ máy số 01 từ ngày 31/12/2014 và tổ máy số 02 từ ngày 12/5/2015.

Đáng chú ý, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 cũng do PVN làm chủ góp vốn đầu tư, Tổng thầu EPC là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA). Ngoài ra, Trung tâm điện lực Vũng Áng có các nhà máy khác như Vũng Áng 2, 3, 4 với các tổ máy có tổng công suất 6.300 MW.

Bên cạnh Vũng Áng, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 gồm 2 tổ máy với hiệu suất 1.200 MW cũng thuộc một trong các nhà máy lớn nhất tại Việt Nam. Được biết, Vĩnh Tân 1 nằm trong Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, nhà máy này có tổng vốn đầu tư 1,75 tỷ đồng hình thức BOT do liên kết kinh doanh 2 nhà đầu tư Trung Quốc là Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Lưới điện Phương Nam và Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Điện lực quốc tế Trung Quốc góp 95 % vốn, phần còn lại do Tổng Công ty Điện lực Vinacomin đối ứng.

Cũng nằm trong Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 3 và 4 có tổng hiệu suất lên đến 5.600 MW.

Chuỗi dự án chưa từng có tiền lệ

Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III và Ô Môn IV, theo thông tin từ PVN, đây là 2 dự án thành phần trong Chuỗi dự án khí – điện Lô B (Chuỗi dự án), bao gồm các dự án thượng nguồn (mỏ khí), trung nguồn (dự án đường ống dẫn khí) và hạ nguồn (nhà máy điện).

Chuỗi dự án đang có cơ hội để triển khai trong năm 2023 nhằm đáp ứng tiến độ có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026. Theo quy hoạch điện VIII, chuỗi dự án khí - điện Lô B sẽ là nguồn điện quan trọng, cung cấp bổ sung cho hệ thống điện quốc gia tại khu vực miền Nam giai đoạn 2026 - 2030.

Đặt cạnh các nhà máy hiện hành, hai dự án nhiệt điện vừa “về tay” PVN có quy mô thế nào? - Ảnh 2.

Lễ ký kết bàn giao diễn ra giữa Tập đoàn PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 29/6 vừa qua.

Ngoài ra, cũng theo thông tin từ PVN chuỗi dự án cũng phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

"Trong thời gian qua mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ/Ngành và Cơ quan, tuy nhiên, việc triển khai. Chuỗi dự án là chưa có tiền lệ, giao diện phức tạp với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và các bên cần phải có những quyết định đồng bộ trong khi thời gian không còn nhiều do yêu cầu gấp rút của dự án.

Nếu không có được những quyết định kịp thời từ khâu hạ nguồn, chuỗi dự án sẽ đứng trước nguy cơ khó đáp ứng được tiến độ nêu trên. Khi đó, việc chậm trễ sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các công việc hiện nay của thượng nguồn và trung nguồn mà còn tác động tới tính khả thi của việc tiếp tục triển khai dự án của các bên đối tác trong và ngoài nước. Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai 2 dự án này, tại văn bản số 77/TTg- CN ngày 24/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV từ EVN sang Petrovietnam", đại diện PVN thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem