Vấn đề nóng nào đang chờ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên chất vấn ngày mai?

Thanh Phong Thứ tư, ngày 10/11/2021 14:23 PM (GMT+7)
Trong chiều ngày 11 và sáng 12/11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Bình luận 0

Theo kế hoạch tại Kỳ họp 2, Quốc hội khóa XV, từ ngày 10/11 đến ngày 12/11, các thành viên Chính phủ sẽ tiến hành giải trình và làm rõ một số vấn đề được Quốc hội đưa ra.

Trong đó, vào chiều ngày 11 và sáng 12/11, Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đang rất được dư luận quan tâm sẽ do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn. Ngoài ra, tham gia trả lời chất vấn còn có hai Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Lê Văn Thành.

Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Vấn đề cụ thể bao gồm: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới. Các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẽ trả lời nội dung chất vấn gì những ngày tới? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Văn phòng Quốc hội)

Chậm giải ngân vốn đầu tư công

Trong số các nội dung nói trên, vấn đề về chậm giải ngân đầu tư công trong năm qua được dư luận đặc biệt quan tâm. Ước tính đến hết tháng 10/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2%).

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Bên cạnh các nguyên nhân đã tồn tại từ lâu như là chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng, thời gian điều chỉnh dự án, điều chỉnh năng lực của Ban Quản lý, năng lực nhà thầu..., riêng năm 2021 còn có một số lý do đặc thù: 

Thứ nhất, đây là năm đầu chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025, năm đầu chúng ta cũng thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, do vậy chúng ta đang tập trung vào các dự án chuyển tiếp và đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án năm 2022 mới thực hiện được. Thứ hai, do tác động của Covid-19 giãn cách xã hội và dẫn đến ảnh hưởng cho tiến độ. Thứ ba là giá cả nguyên vật liệu tăng rất cao.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nguồn vốn đầu tư công khoảng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân. Thủ tướng yêu cầu, phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm, thúc đẩy giải ngân đạt tỉ lệ cao nhất có thể, vừa bảo đảm tiến độ, vừa nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời Thủ tướng biểu dương những nơi đạt giải ngân cao, phê bình nghiêm khắc những nơi có tỉ lệ giải ngân dưới 40%.

Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỉ đồng. Trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương là 34.913 tỉ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỉ đồng.

Căn cứ vào tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Tài chính dự kiến giải ngân đầu tư công nguồn nước ngoài cả năm 2021 của các địa phương chỉ đạt xấp xỉ 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.

Bên cạnh nguyên nhân do dịch Covid-19, Bộ Tài chính xác định các vướng mắc và nguyên nhân khác dẫn đến chậm giải ngân còn do các nguyên nhân như: Chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định/thỏa thuận vay.

Ngoài ra, nguyên nhân còn do tình trạng giao chậm, giao thiếu kế hoạch đầu tư công trung hạn; Giao vượt nhu cầu sử dụng đã đăng ký; Địa phương chậm, thậm chí chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn; Chậm đấu thầu hoặc chậm triển khai công việc và xác nhận khối lượng hoàn thành; Chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn; Hồ sơ rút vốn không đủ điều kiện giải ngân phải trả lại...

Cũng theo đánh giá từ phía Bộ Tài chính , kết quả giải ngân của các địa phương thấp sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nguyên nhân là do vốn đầu tư công là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu chi đầu tư phát triển cũng ảnh hưởng việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021. Trong đó, năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ 2021-2025, nếu tiến độ giải ngân thực hiện của năm 2021 thấp sẽ ảnh hưởng đến năm 2022 và các năm tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem