Đau lòng vì thiếu nhi hát nhạc người lớn

Thứ sáu, ngày 13/09/2013 06:44 AM (GMT+7)
Lo lắng trước thực trạng trẻ con phải hát nhạc người lớn vì thiếu ca khúc dành cho đúng lứa tuổi, NSND Trọng Nghĩa vừa gửi “tâm thư âm nhạc” tới Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Bình luận 0
Xung quanh bức tâm thư này, phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông.

Thưa NSND Trọng Nghĩa, lý do khiến ông viết “tâm thư âm nhạc” gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT?

- Những năm gần đây, khi theo dõi về âm nhạc cho thiếu nhi, tôi thấy không có nhiều ca khúc mới. Mà điều này không chỉ tôi mới nhìn thấy, ngay cả các bạn, những bài báo hay trên phát thanh, truyền hình cũng luôn nói đến sự thiếu hụt các ca khúc dành cho thiếu nhi.

Cuộc thi Giọng hát Việt nhí tràn ngập các bài hát người lớn.
Cuộc thi Giọng hát Việt nhí tràn ngập các bài hát người lớn.

Gần đây, khi tôi mở xem các chương trình giải trí, sân chơi dành cho thiếu nhi trên VTV như Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí, cũng chỉ thấy các cháu hát toàn nhạc người lớn và hát nhạc nước ngoài. Một cuộc thi dành cho thiếu nhi thì phải hát nhạc thiếu nhi chứ, sao lại hát nhạc người lớn, và như thế có phải là các chương trình đã mất đi tính ngây thơ rồi không. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất đau lòng.

Một điều nữa tôi muốn nói đến, đó là tâm huyết của người nhạc sĩ dành cho các ca khúc thiếu nhi còn rất ít.

Rất nhiều nhạc sĩ Việt Nam gần đây thường sáng tác để phục vụ thị hiếu tầm thường, vì có tiền đặt hàng của đơn vị này, đơn vị kia, tiền quảng cáo… Trong khi đó, thế hệ các nhạc sĩ trước đây như Phạm Tuyên, Phong Nhã, Hoàng Long, Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Trương Quang Lục, Vũ Hoàng... đã hoàn toàn viết bằng tâm huyết và tình yêu cho các em.

Tôi tự cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm đối với những thế hệ tương lai và lứa măng non bây giờ, có thể chúng phần nào đã đầy đủ về vật chất nhưng lại quá nghèo nàn, thiếu thốn về tinh thần. Và bằng tình cảm của riêng cá nhân tôi, sự thương yêu các cháu, quý mến, tôn kính các thầy cô giáo, tôi đã sáng tác một số bài hát cho các cháu như: “Công ơn thầy cô”, “Nhớ mãi thời học sinh”, “Tiếng trống trường”… để gửi vào bức tâm thư âm nhạc.

Thưa NSND Trọng Nghĩa, đúng như ông nhận định, ca khúc dành cho thiếu nhi hiện tại rất ít, những ca khúc cũ hát mãi đã nhàm. Và đó là lỗi của người lớn chúng ta?

- Đúng vậy, các cháu đang ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, vẫn còn hồn nhiên trong sáng lắm, vì vậy không nên đào tạo hát những thứ âm nhạc nhố nhăng, như một con vẹt. Ngoài ra, tôi thấy có những vị giám khảo dẫn dắt các cháu trên sân khấu trông rất nhố nhăng, rất phản giáo dục, phản văn hóa.

Tôi nhớ ngày trước, các cuộc thi hát thiếu nhi là đúng với tiêu chí dành cho thiếu nhi, thí sinh nào hát các bài hát người lớn sẽ bị loại hoặc bị trừ điểm ngay. Tôi còn nhớ hồi tôi tham gia cuộc thi hát thiếu nhi, Khắc Huề- một trong những giọng ca rất hay vào thời điểm đó (nay là NSƯT), vì hát một bài hát người lớn mà đã bị trừ điểm.

"Cần có sự áp đặt các cháu phải học nhạc, tổ chức hội diễn, sinh hoạt về âm nhạc, phổ cập nhạc thiếu nhi nhiều hơn nữa. Và đặc biệt, phát thanh và truyền hình cần phát sóng nhiều hơn nữa những ca khúc thiếu nhi”.
NSND Trọng Nghĩa

Thưa NSND Trọng Nghĩa, ông nhận định như thế nào về các show truyền hình ca nhạc hiện nay, theo ông, vai trò giáo dục thẩm mỹ của chúng có đạt được không?

- Hiện tại tôi không còn hứng thú khi xem các chương trình này nữa. Bởi lúc đầu mục đích của các chương trình này cũng rất trong sáng, phát hiện tài năng, phát triển giọng ca rất tốt.

Nhưng rồi quảng cáo, yếu tố kinh tế đã bóp méo chương trình, nhiều?thí sinh không xứng đáng nhưng vẫn được giải thưởng, hoặc đi lạc sang một đường lối không phải của văn hóa chính thống nữa.

Hay với những cuộc thi như Giọng hát Việt Nhí, Giọng hát Việt thì lại lạm dụng các cháu, các thí sinh để kiếm tiền bằng quảng cáo. Hoặc biến sân chơi này thành nơi để lăng xê những “ông hoàng nhạc Việt”, “nữ hoàng âm nhạc”, với những trò ăn nói sáo rỗng, thiếu văn hóa, những kiểu ăn mặc phản cảm…

Vậy theo ông, làm thế nào để chúng ta có nhiều bài hát hay hơn nữa cho thiếu nhi?

- Theo tôi, nếu phát động cuộc thi hát dành cho thiếu nhi, trước đó nên phát động tìm bài hát và cần phát động một cuộc thi sáng tác dành cho thiếu nhi, để làm sao cho các cháu có đủ các bài hát để thi qua các vòng thi.

Không nên để các cháu gồng mình để hát những ca khúc như: “Tìm về dấu yêu” “Baby”, hay thổn thức, sướt mướt “Giấc mơ ngày xưa”, “Ru lại câu hò”, “Trên bến sông buồn”… Ngay cả cháu Quang Anh đoạt giải Nhất Giọng hát Việt nhí vừa rồi, mặc dù giọng hát rất hay, rất trong sáng nhưng khi hát những ca khúc “Đá trông chồng”,” Quê nhà”… thì sự hồn nhiên trong sáng của cháu đâu còn nữa.

Ngoài lá tâm thư âm nhạc, ông còn muốn nhắn gửi điều gì đến người đại diện Bộ GDĐT?


- Như thời của tôi và các thế hệ trước, chúng tôi đã có rất nhiều thời gian để tham gia các sinh hoạt ngoại khóa như học đá cầu, nhảy dây, đá bóng, học đàn, học hát, học nhạc… Nhưng với phương pháp giáo dục như hiện tại, các cháu đang là cái máy học, là rô-bốt với lượng thời gian học là 14 tiếng và chỉ có 2 tiếng nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt tắm rửa, vậy lấy đâu thời gian để các cháu có thể học và hiểu hơn về văn hóa, nghệ thuật, cũng như kỹ năng sống, môi trường sống xung quanh.

Nên chăng Bộ GDĐT cần giảm tải những giờ học, những môn học không cần thiết, để các cháu có thời gian cho những sinh hoạt ngoại khóa, những môn học bổ ích phục vụ cho cuộc sống sau này của các cháu hơn.

Xin cảm ơn NSND Trọng Nghĩa!
Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem