Thanh Ngoan dựng lại chiếu chèo...

Thứ tư, ngày 27/03/2013 06:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau gần 35 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, cô đào Thanh Ngoan giờ đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Hiện nay, tâm nguyện của chị là khôi phục thành công chiếu chèo cổ ngay giữa thủ đô Hà Nội.
Bình luận 0

Hồi sinh chiếu chèo Kim Mã

Là người đam mê và yêu chèo từ nhỏ, NSƯT Thanh Ngoan cho biết, đến bây giờ chị đã phần nào thực hiện được ước mơ của cá nhân mình cũng như mong ước của cả tập thể Nhà hát Chèo Việt Nam, là đưa khán giả đến gần hơn với không gian diễn xướng chèo truyền thống.

Hỏi từ đâu mà chị lại có ý tưởng khôi phục một chiếu chèo cổ giữa lòng Hà Nội, Thanh Ngoan cho hay, thực ra không phải bây giờ mới có ý định, mà lâu nay rất nhiều thế hệ của nhà hát vẫn có truyền thống “giữ lửa”.

Vào năm 1993, rạp Kim Mã bắt đầu sáng đèn thì nghệ sĩ Bùi Đức Hạnh là Giám đốc nghệ thuật đã đưa Nhà hát Chèo Việt Nam đi vào hoạt động. Sân khấu nhỏ của rạp Kim Mã lúc đó được tận dụng ở phòng khách, xập xệ quá nên được ít lâu thì phải dừng để trùng tu.

img
NSƯT Thanh Ngoan trên một chiếu chèo.

Từ 3 năm nay, Nhà hát Chèo Kim Mã đã sửa sang sân khấu chính và sân khấu nhỏ ổn định, đi vào hoạt động. Tuy nhiên lượng khán giả đến vẫn rất ít, và đó là điều khiến nghệ sĩ Thanh Ngoan luôn trăn trở, đau đáu với suy nghĩ làm thế nào để đỏ đèn thường xuyên cho nhà hát. Cho đến một ngày chị chợt nhận ra, vì sao múa rối nước cũng là một loại hình nghệ thuật dân tộc của Việt Nam mà lại thu hút đông người xem đến vậy, trong khi chèo thì bị thờ ơ, vắng bóng người xem, người yêu mến...

“Tôi cứ tự hỏi, cớ làm sao mình có rạp diễn mà mình không đưa được khách du lịch về đó, không tạo được dấu ấn, trở thành một điểm đến của ngành du lịch. Mơ ước của tôi là Nhà hát Chèo Kim Mã sẽ là điểm đến trong ngành du lịch, giống như điểm đến của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Múa rối Việt Nam…” - NSƯT Thanh Ngoan bày tỏ.

Cũng từ những suy nghĩ đó, mà ngay từ lúc nhận chức Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, nghệ sĩ Thanh Ngoan đã cho sửa chữa sân khấu nhỏ để làm sao mang đúng tính chất chiếu chèo cổ. Không gian của chiếu chèo được chỉnh sửa lại, bằng cách trải chiếu hoa từ trên xuống dưới, và khán giả sẽ được ngồi gần với diễn viên. Sân khấu mở không có cánh gà, chỉ có một cửa sinh, cửa tử được che bằng rèm mành. Đó là kiểu trang trí đơn giản nhưng phù hợp với đời sống ngày hôm nay.

Nội dung của chiếu chèo bao gồm 5 chương trình được biểu diễn theo lối chiếu chèo truyền thống. Đầu tiên sẽ là cụ trùm trò dẫn chuyện; chương trình thứ 2 là một đôi hề chèo dẫn trò; chương trình thứ 3 là một nam, một nữ dẫn trò; chương trình thứ 4 là một hề áo ngắn và hề áo dài; chương trình thứ 5 là dành cho khách nước ngoài với những mảnh trò, tích trò thật ngắn gọn, mang tính chất học thuật của chèo được diễn trong vòng 45 phút để giới thiệu.

Mong không còn “đêm diễn 6 vé”

NSƯT Thanh Ngoan cũng cho biết, biểu diễn chèo phục vụ du khách nước ngoài, chị không lo lắng quá nhiều về việc bất đồng ngôn ngữ, bởi âm nhạc và văn hóa là không có biên giới, nếu như tìm đúng điểm, thì hạn chế về ngôn ngữ chỉ là chuyện rất nhỏ. Với những diễn viên giỏi, bằng những giọng hát hay, những cây đàn giỏi... thì ngôn ngữ không còn là rào cản. Chị khẳng định: Chiếu chèo cổ của nhà hát sẽ không bao giờ dịch chèo sang tiếng Anh, bởi như thế là mất đi bản sắc của chèo.

“Nhiều người hỏi tôi, đến bây giờ, chị đã thấy thỏa mãn với chiếu chèo ấy chưa? Tôi xin nói thật là chưa. Bởi vào thời điểm kinh tế khó khăn thế này, nhà hát lại hạn hẹp về kinh phí, trong khi có những đêm chỉ bán được 6 vé, mà mỗi vé giá 120.000 đồng dành cho khán giả Việt Nam và 150.000 đồng cho khán giả nước ngoài, nên nhiều lúc nhà hát phải bù lỗ, và anh em các nghệ sĩ phải động viên, bảo ban nhau, để bước đầu tạo được cảm hứng cho khán giả và kéo được khán giả đến rạp, uống trà, nhấm nháp thanh kẹo lạc, và ngồi thưởng thức những trích đoạn trong chèo cổ” - NSƯT Thanh Ngoan nói.

Những trích đoạn hay nhất từ các vở chèo nổi tiếng như “Quan âm Thị Kính”, “Tuần Ty Đào Huế”, “Phù thủy sợ ma”, “Xúy Vân giả dại”, “Thầy bói đi chợ”… sẽ được các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn vào tối thứ 6 hàng tuần tại Nhà hát Kim Mã.

Nữ giám đốc cũng cho hay, nhà hát đã mời các nghệ nhân như NSND Chu Văn Thức, NSƯT Diễm Lộc, NSND Thanh Hòa, NSƯT Minh Thu, NSƯT Thúy Ngần, GS Hà Văn Cầu… chỉ dẫn từng câu hát, điệu múa cho các nghệ sĩ, diễn viên, rồi thực hiện những buổi trao đổi, nói chuyện để hiểu hơn về những tích và câu chuyện cổ của chèo.

Qua những lần như thế, các diễn viên trẻ sẽ nhận thấy dù các nghệ nhân đã 70, 80 tuổi nhưng vẫn rất nhiệt tình, vẫn say mê với nghề, với chèo, từ đó họ sẽ được “truyền lửa”.

Vất vả với nghề là vậy, nhưng khi hỏi chị có khi nào cảm thấy mệt mỏi và ân hận khi đã chọn con đường đi là chèo, NSƯT Thanh Ngoan lắc đầu và cười: “Sau 35 năm gắn bó với chèo, tôi chưa bao giờ hối tiếc điều gì, không cảm thấy ân hận khi chọn chèo là con đường sự nghiệp của mình.

Nhiều người cứ bảo tôi, Thanh Ngoan quá lạc quan, mà đúng là như thế, và nếu ở kiếp sau được làm người, tôi sẽ vẫn chọn chèo là nghiệp của mình. Cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ nguôi ngoai đam mê chèo, và lúc nào cũng cảm thấy mình đi đúng. Tôi chỉ mong sao, khi có nhiều người biết đến với chiếu chèo cổ này, sẽ không còn những “đêm diễn 6 vé” để nghệ sĩ chèo bớt buồn tủi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem