"Trùm cảnh sát" Hong Kong ăn chặn tiền, nhục mạ Châu Tinh Trì

Trương Dương Thứ sáu, ngày 20/04/2018 00:00 AM (GMT+7)
Lý Tu Hiền là người phát hiện và nâng đỡ Châu Tinh Trì, cũng chính là kẻ vắt chanh vẫn muốn giữ vỏ, nói xấu vua hài khắp nơi.
Bình luận 0

Ngoài chuyện Lưu Gia Linh bị ép đóng phim cấp 3 hay nhát dao đoạt mệnh nhà văn võ hiệp nổi tiếng Cổ Long, làng giải trí Hong Kong còn lưu truyền nhiều câu chuyện kinh khủng về thế lực của các ông trùm.

Tuyến bài: Những "ông trùm Hong Kong" khiến sao Hoa ngữ cay đắng sẽ mang đến cho độc giả góc khuất ít biết về mối quan hệ phức tạp giữa nghệ sỹ và "giang hồ".

Những năm gần đây, Châu Tinh Trì lui vào hậu trường, trở thành đạo diễn, nhà sản xuất của nhiều bộ phim đạt doanh thu "khủng", khẳng định vị trí "ông vua giải trí" của mình tại thị trường điện ảnh châu Á. Nhưng cũng chính vào thời điểm này, bắt đầu xuất hiện nhiều tiếng nói chỉ trích vua hài tham tiền, vô ơn, thậm chí vô nhân tính.

Lẽ dĩ nhiên, không có lửa làm sao có khói. Nhưng trong thời buổi vàng thau lẫn lộn này, còn phải xem kẻ "đốt lửa" kia là ai?

"Trùm cảnh sát", biểu tượng chính nghĩa kinh điển trong lòng nhiều khán giả 

img

Lý Tu Hiền và Châu Nhuận Phát trong một cảnh quay nổi tiếng

Lý Tu Hiền sinh năm 1952 tại Thượng Hải. Từ nhỏ gia cảnh bần hàn, chứng kiến nhiều bất công trong xã hội, Lý Tu Hiền đã nuôi mộng trở thành cảnh sát, nhưng bị gia đình ngăn cản.

Ông tốt nghiệp khóa I lớp đào tạo diễn viên của công ty điện ảnh Thiệu Thị Hong Kong năm 1970. Được đạo diễn trứ danh khi đó là Trương Triệt để mắt tới, Lý Tu Hiền vừa học xong đã ký hợp đồng dài hạn với Thiệu Thị. Trương Triệt có rất nhiều "đệ tử", nhưng khi đó chỉ chú trọng hai người là Địch Long và Khương Đại Vệ.

Đến năm 1973, Lý Tu Hiền bỗng nổi danh, trở thành một trong 5 thành viên "Ngũ hổ tướng" (những người còn lại là Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần Quan Thái, Vương Trung) của điện ảnh Hoa ngữ đương thời.

img

Địch Long và Khương Đại Vệ từng là thành viên chủ chốt của "Ngũ hổ tướng" thập niên 1970.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, những tưởng sự nghiệp của Lý Tu Hiền sẽ thăng hoa từ đó, nhưng Trương Triệt lại phát hiện một tài năng khác là Phụ Thanh, giao rất nhiều vai vốn dành cho Lý Tu Hiền cho Phụ Thanh. Từ đó, Phụ Thanh diễn Quách Tĩnh, Lý Tu Hiền chỉ được diễn Âu Dương Khắc.

Phụ Thanh trở thành ngôi sao võ thuật được nhiều người săn đón, cho đến khi qua đời vì tai nạn giao thông. Sau này Trương Triệt cũng phải công nhận: "Lý Tu Hiền nổi danh không phải nhờ tôi. Tôi chỉ là người đưa anh ta vào nghề mà thôi."

Đa số đệ tử của Trương Triệt đều chạy theo trào lưu, duy chỉ có Lý Tu Hiền ngoài diễn xuất còn tìm tòi, học hỏi công việc tại hậu trường, học viết kịch bản. Khi đó dòng phim cổ trang, võ hiệp rất thịnh hành, nhưng Lý Tu Hiền chỉ thích làm phim cảnh sát. Ông từng viết khá nhiều kịch bản nhưng không ai chịu bỏ tiền đầu tư. Đến năm 1984, bộ phim do chính Lý Tu Hiền đạo diễn, biên kịch, sản xuất và đóng chính Công bộc (Đầy tớ của nhân dân) mang về cho ông nhiều giải thưởng, trong đó có danh hiệu Ảnh đế.

img

Diễn viên, cựu cảnh sát Trần Hân Kiện từng nói "Trong lòng khán giả, Lý Tu Hiền còn giống cảnh sát hơn cả tôi."

Từ đây, sự nghiệp của Lý Tu Hiền chính thức bước lên quỹ đạo, liên tiếp nhiều bộ phim cảnh sát chất lượng cao khiến Lý Tu Hiền trở thành hình tượng cảnh sát, biểu tượng chính nghĩa kinh điển trong lòng nhiều khán giả yêu thích dòng phim này.

Mối hiềm khích với Châu Tinh Trì

Châu Tinh Trì được như ngày hôm nay chính là nhờ "ân sư" Lý Tu Hiền. Bản thân vua hài cũng từng công khai cảm ơn thầy rất nhiều lần, nhưng Lý Tu Hiền không hề đón nhận. Ngược lại, ông còn không tiếc lời sỉ vả học trò cũ. Theo lời ông, Châu Tinh Trì là kẻ vong ân bội nghĩa, tự cao tự đại, xấu tính và nhỏ nhen. Đây cũng là những tính từ xấu xí mà các trang báo những năm gần đây hay dùng để nói về vua hài.

Để đáp trả lại những lời nhục mạ này của ân sư, Châu Tinh Trì luôn chọn cách giữ im lặng. Hơn thế, anh còn gửi lời cảm ơn Lý Tu Hiền trong không ít lần nhận giải thưởng điện ảnh của mình.

img

Bức ảnh chụp chung hiếm hoi của hai thầy trò thời chưa bất hòa

Năm 1988, sau 8 năm ròng rã đóng các vai quần chúng trên phim trường, Châu Tinh Trì (lúc đó 26 tuổi) được Lý Tu Hiền để mắt đến, cho một vai trong bộ phim do ông đóng chính - Phích lịch tiên phong. Nhờ vai diễn này, Châu Tinh Trì đoạt giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải Kim Mã.

Giới thạo tin tiết lộ, Châu Tinh Trì bị Lý Tu Hiền quát mắng trong suốt quá trình làm phim. Nguyên nhân được cho là bởi vua hài diễn xuất quá hết mình, đôi lúc trở thành "lên gân", khiến Lý Tu Hiền nổi giận, chỉ thẳng vào mặt anh mắng: "Diễn xuất không phải lao động tay chân. Tại sao cậu phải gắng sức như một con cẩu vậy?".

img

Châu Tinh Trì bị ví như chó vì quá cố gắng trong diễn xuất

Ban đầu, Châu Tinh Trì ký hợp đồng với công ty điện ảnh Vạn Năng của Lý Tu Hiền, với mức lương vô cùng rẻ mạt. Sau khi nổi tiếng, dù trở thành đối tượng được nhiều công ty lớn giành giật, nhưng Châu Tinh Trì vẫn không động lòng.

Anh biết rõ nếu không có Lý Tu Hiền, sẽ không có Châu Tinh Trì lúc đó. Thế nhưng sau cùng, Lý Tu Hiền đã chuyển nhượng hợp đồng của anh cho Vĩnh Thịnh - công ty của ông trùm xã hội đen/điện ảnh Hướng Hoa Cường.

Lẽ dĩ nhiên, Lý Tu Hiền vẫn phụ trách trả lương, Vĩnh Thịnh là đối tác đứng ra sản xuất. Châu Tinh Trì liên tiếp đóng 7 bộ phim doanh thu gần 900 tỷ đồng thời đó, Lý Tu Hiền và Vĩnh Thịnh chia mỗi bên một nửa, còn người cống hiến nhiều nhất cho phim là Châu Tinh Trì chỉ được hơn 2 tỷ đồng.

Đạo diễn phim Đường Bá Hổ điểm Thu Hương Lý Lực Trì từng tiết lộ, khi đó phần lớn thoại trong phim đều do Châu Tinh Trì tự nghĩ ra rồi tìm biên kịch thảo luận. Trên phim trường, Châu Tinh Trì nhúng tay vào mọi việc, thậm chí phần ánh sáng trong Cửu phẩm chi mã quan cũng do một tay anh làm. Người ta gọi anh là "vị đạo diễn vô hình", bởi đạo diễn, biên kịch đều có phần anh, nhưng cuối cùng trong danh sách lại không có tên anh.

img

Châu Tinh Trì trong bộ phim kinh điển Đường Bá Hổ điểm Thu Hương

Ít ai biết khi đã trở thành diễn viên hài nổi tiếng nhất châu Á, cái tên đảm bảo doanh thu có một không hai trong làng điện ảnh Hoa ngữ, Châu Tinh Trì vẫn nhận cát xê của một diễn viên hạng hai. Không những vậy, anh còn bị ép đóng khá nhiều phim hài nhảm như Tình thánh, Truyền nhân của rồng... Những bộ phim này dù hài hước nhưng thực chất không phù hợp với cách làm việc nghiêm túc, kỹ lưỡng, tận tâm của Châu Tinh Trì. Đây cũng chính là lý do anh có biệt danh "vua hài nhảm", cũng là nguyên nhân Châu Tinh Trì dần giữ khoảng cách với ân sư, đến cuối cùng mang tiếng vong ân bội nghĩa.

Sức chịu đựng có hạn, để thoát khỏi thế kìm kẹp giữa Lý Tu Hiền và Hướng Hoa Cường, Châu Tinh Trì mở công ty riêng. Năm 2001, anh được vinh danh Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải Kim Tượng với phim Thiếu Lâm túc cầu. Khi lên nhận giải, Châu Tinh Trì không quên gửi lời cảm ơn tới Lý Tu Hiền. Nhưng "thầy" vẫn cay cú, đến tận bây giờ vẫn lên tiếng bôi nhọ học trò cũ mọi lúc mọi nơi.

Với xuất thân bí ẩn, thế lực ngầm sâu đến không thấy đáy, cá tính không sợ trời không sợ đất, Thái Tử Minh khiến người trong giới giải trí ai cũng nể sợ. Bất chấp lời khuyên của nhiều người, Thái Tử Minh hiếm khi mang vệ sĩ theo mình. 

Một sáng tháng 4.1992, khi vừa bước ra thang máy để tới công ty vốn chỉ cách đó mấy bước chân, nhiều tiếng súng vang lên, và người ta nhìn thấy quản lý của Lý Liên Kiệt đã nằm trên vũng máu. Hàng trăm đồn đoán và giả thuyết chính thức được đưa ra, kéo theo vô số người liên đới, trong đó có cả Lý Liên Kiệt.

Mời độc giả đón xem kỳ cuối: 9 phát súng đoạt mạng tay giang hồ bí ẩn và sự thật ngã ngửa vào 0h sáng Thứ Bảy ngày 21.4 trên chuyên mục Giải trí!

”Ông trùm” chiếm đoạt Thư Kỳ: Một nhát dao giết hại nhà văn võ hiệp Cổ Long

Không chỉ mang tai tiếng là người “chiếm đoạt“ Thư Kỳ, Kha Tuấn Hùng còn bị dư luận ghét bỏ vì là kẻ phụ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem