Hãy đọc nếu bạn không muốn mất điểm "oan" môn Hóa

Tùng Anh (ghi) Thứ bảy, ngày 02/07/2016 18:00 PM (GMT+7)
Theo Th.s Ngô Xuân Quỳnh – Giáo viên Hóa trường THPT Nam Sách II – Hải Dương, trong vài năm gần đây, đề thi môn Hóa học THPT có mức độ khó tăng dần. Chính vì vậy, để đạt được điểm cao và tránh mất đi những giá trị 0,2 điểm quý giá của mình, thí sinh cần lưu ý tránh một số lỗi như sau.
Bình luận 0

Lưu ý thứ 1, Thí sinh khi bắt đầu nhận đề bài thì cần phải đọc và nhìn đề bài thật kỹ từng câu từng chữ bởi đối với môn Hóa học, chúng ta chỉ cần đọc thiếu hoặc bỏ xót một từ cũng đã khiến chúng ta hiểu sai nội dung của đề bài

Ví dụ 1: đọc không kỹ nội dung đề bài

a. Dẫn khí H2 đi qua glucozo nung nóng, có Ni làm xúc tác

b. Dẫn khí H2 vào dung dịch glucozo đun nóng, có Ni làm xúc tác

Trong hai ý trên thì ý (a) lại không xảy ra phản ứng, ý (b) xảy ra phản ứng và tạo ra một poliancol gọi là sobitol

Ví dụ 2: Đề bài hỏi về vấn đề đồng phân thì đối hợp chất chứa 1 liên kết pi  thì chúng ta cần để ý xem hợp chất nào chứa đồng phân hình học: Đồng phân = Đồng phần cấu tạo + đồng phân hình học.

Lưu ý thứ 2, Trước ngày thi, các em cùng phòng trọ với nhau có thể cùng nhau kiểm tra lại kiến thức theo kiểu vấn đáp. 2 – 3 bạn có thể tự nêu các câu hỏi và trả lời, cùng bổ sung những thiếu sót cho nhau về mặt bài tập lý thuyết. Phương pháp này khá hiệu quả để giúp các em củng cố và hồi phục lại những kiến thức lý thuyết đã quên, làm cho các em cân bằng được trạng thái tâm lý và tự tin hơn.

Ví dụ: Đưa ra hệ thống câu hỏi đúng – sai để đố nhau; nêu các phương trình và phản ứng tạo ra đơn chất hoặc tạo ra chất khí; xác định số phản ứng xảy ra hoặc không xảy ra …

Các phản ứng xảy ra:             

+ Na2CO3 + C6H5-OH (phenol) → C6H5ONa + NaHCO3                       

+ SiO2 +  HF (dư) → H2O + SiF4 khí

+ Cho dung dịch NaCl vào dung dịch H2SO4 thì không phản ứng vì điều kiện là NaCl tinh thể; H2SO4 đặc, nóng

Lưu ý thứ 3, Ưu tiên câu hỏi lý thuyết làm trước vì các câu hỏi lý thuyết đa phần là các câu dễ hoặc nếu không làm được cũng bỏ qua được rất nhanh vì lý thuyết biết là làm được ngay, nếu không biết thì có nghĩ cũng không ra. Và nguyên tắc làm bài tập nếu quá 3 phút/1 câu thì không tiếp tục làm câu đó nữa để đảm bảo thời gian làm những câu còn lại. Hãy quay lại làm các câu khó, cực khó cuối cùng.

img

Ảnh minh họa.

Lưu ý thứ 4, Phần bài tập thì làm theo thế mạnh trước. Trong đề thi thì các bài tập hữu cơ và vô cơ thường được xếp xen kẽ, do đó, để có được sự tập trung cao nhất thì các em nên quyết định làm vô cơ trước hay làm hữu cơ trước. Thường thì khi tập trung cho một mảng nội dung thì kiến thức của các em dễ gọi ra nhanh hơn, tập trung hơn và câu trước với câu sau có sự bổ sung, hỗ trợ kiến thức cho nhau rất nhiều. Nếu thế mạnh của em là bài tập hữu cơ thì nên làm hữu cơ trước, nếu là vô cơ thì nên làm vô cơ trước.

+ Trong bài toán có nhiều thí nghiệm mà mỗi thí nghiệm đều xảy ra phản ứng oxi hoá – khử, các em có thể bỏ qua tất cả các trạng thái sản phẩm trung gian, sau đó gộp tất cả các thí nghiệm thành một thí nghiệm: Các trạng thái ban đầu + các trạng thái tham gia thêm trong các thí nghiệm tiếp → các trạng thái cuối (theo sơ đồ dưới đây). Sau đó, dùng công thức của định luật bảo toàn electron cho thí nghiệm gộp. Khi đó, việc tính toán sẽ rất đơn giản.

+ Để tính nhanh một bài toán, các em cần hạn chế tới mức tối đa việc viết phương trình phản ứng (vì phải ghi đầy đủ chất tham gia, chất sản phảm và cân bằng phương trình). Thay vào đó, các em chỉ xác định công thức của các chất sản phẩm quan tâm; sau đó sử dụng bốn định luật bảo toàn để tính nhanh (bảo toàn nguyên tố, bảo toàn khối lượng, bảo toàn điện tích và bảo toàn electron).

+ Sau mỗi thí nghiệm, các em cần phải các định thành phần các chất trong các trạng thái sản phẩm quan tâm (trạng thái dùng để thực hiện thí nghiệm tiếp theo, hoặc trạng thái dùng để trả lời câu hỏi) dựa trên nguyên tắc: Một trạng thái sản phẩm chỉ chưa tối đa ba loại chất (chất không tham gia phản ứng, chất thu được sau thí nghiệm và chất còn dư sau thí nghiệm).

+ Cần phân biệt khải niệm chất sinh ra và chất thu được (chất sinh ra từ một phản ứng nếu nó không tham gia vào phản ứng tiếp theo thì sẽ thu được, còn nếu nó tham gia vào phản ứng kế tiếp thì có thể không thu được)

+ Viết và cân bằng phương trình hóa học nhanh, chính xác đối với các em học sinh TB (có thể dùng phương trình ion thu gọn thay cho phương trình phân tử, dùng sơ đồ thay cho phản ứng hóa học)

+ Tính toán bằng phân số nếu gặp số không chia hết.

+ Triệt để sử dụng phương pháp loại trừ để thu hẹp các phương án cần lựa chọn.

+ Cần kiểm tra lại các phương án mà các em lựa chọn.

Lưu ý thứ 5, Phân bổ thời gian hợp lý cho bài thi, có thể phân bổ thời gian theo điểm số mục tiêu của bản thân. Ví dụ mục tiêu em chỉ có 7 điểm thôi thì ưu tiên phân bổ thời gian nhiều hơn cho 35 câu đầu (nếu đề thi sắp xếp theo cấu trúc từ dễ đến khó), với các câu khó dù cố gắng cũng không làm được thì dành ít thời gian hơn chứ không nên quá mất thời gian vào câu đó mà không còn thời gian kiểm tra lại các câu khác. Chú ý tận dụng hết thời gian của bài thi, không nên ra sớm, dành 5-10 phút để kiểm tra lại bài làm trước khi nộp bài.

Lưu ý thứ 6, không được chủ quan khi làm bài, cần làm đến đâu chắc đến đó vì thời gian dành cho môn Hóa không nhiều. Nếu làm xong rồi mới quay ra rò lại các câu và tìm ra lỗi sai trong tổng số 50 câu đã khoanh thì vô cùng khó. Cho nên cố gắng “ăn” trọn từng 0.2 điểm một.  Em phải nhớ kỹ rằng có khi hơn kém nhau có 0.2 điểm thôi mà người đỗ kẻ trượt rồi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem