Hệ thống máy của Quốc hội “treo” vì quá nhiều câu hỏi về giáo dục

Nhóm PV Thứ tư, ngày 06/06/2018 09:53 AM (GMT+7)
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ “nóng” đến nỗi có thời điểm hệ thống máy của Quốc hội bị “treo”, đại biểu không nhận được tín hiệu. Chủ tịch Quốc hội cho biết, có đến hơn 80 đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận, do đó Quốc hội sẽ ưu tiên những đại biểu tranh luận vào đúng những vấn đề Bộ trưởng đã nói.
Bình luận 0
Trả lời đại biểu Đặng Thuần Phong về những “nhức nhối” tại bậc học mầm non như: cơ sở vật chất tại các khu công nghiệp, thiếu giáo viên, bạo hành trẻ…, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “ Bạo hành trẻ chủ yếu xảy ra tại các trường tư thục. Hiện nay hệ thống pháp lý cơ bản đã có nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện. Chúng tôi mong các Bộ liên quan và các địa phương, hội phụ nữ cùng chúng tôi tăng cường giám sát để phòng ngừa bạo hành là chính".

Nhiều đại biểu cho rằng, trình độ giáo viên chính là yếu tố dẫn đến những tiêu cực trong giáo dục mầm non. Nói về vấn đề này, Bộ  trưởng Nhạ cho biết, Bộ GDĐT sẽ chấn chỉnh mạnh hơn nữa trong thời gian tới: “Những giáo viên không đủ năng lực sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành, cơ sở xảy ra sai phạm phải giải thể, đóng cửa. Có nhiều giải pháp nhưng chúng tôi xác định giải pháp căn cơ là đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên, có chế độ hợp lý. Hiện nay giáo viên mầm non có bằng trung cấp, lương khởi điểm chỉ khoảng 2,4 triệu đồng, điều này cũng gây áp lực cho các cô giáo. Một mặt tăng cường bồi dưỡng đi liền chế độ đãi ngộ", ông Nhạ nói.

img

Bộ trưởng Nhạ phải đối mặt với khá nhiều câu hỏi "nóng" từ các đại biểu Quốc hội.

Chất vấn tiếp về bệnh thành tích trong giáo dục, Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho biết, hiện tượng không hiếm là nhiều cháu không học những môn không thi, nhưng để đủ điều kiện được thi thì phụ huynh đến gặp thày cô để "nộp tiền" để được công nhận đạt những môn này. “Theo Bộ trưởng, làm thế nào để có thể loại bỏ được hiện tượng tiêu cực này?", ông Cương hỏi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đây là vấn đề có thật, tuy chưa có thống kê, nhất là với trường chuyên. Ngành không đồng ý với kiểu học này vì giáo dục phổ thông là toàn diện, chú trọng giáo dục con người. Bộ trưởng nhấn mạnh "phản đối" điều này và mong nhà trường phối hợp để làm nghiêm.

Đại biểu Cương phản ánh thêm, hiện có hiện tượng trường chuẩn nhưng thực tế không đạt chuẩn. Ông Cương chất vấn: “Bộ có biết hiện tượng này không và đã xử lý trường hợp nào chưa?”

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ cho biết có hiện tượng này. Theo ông Nhạ, trong 19 chỉ tiêu đạt nông thôn mới thì có 2 tiêu chí về giáo dục, trong đó có một cái về cơ sở vật chất. Một số địa phương muốn được công nhận nông thôn mới nên xin được "nợ chuẩn". “Chúng tôi có biết và đã đề nghị các đồng chí lãnh đạo kiên quyết không công nhận. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, Bộ trưởng cho rằng kiên quyết không cho "nợ chuẩn", ông Nhạ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem