Hô biến trại nuôi con đặc sản quí tộc thành “máy in tiền”, anh nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu sống khỏe

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 15/12/2023 05:43 AM (GMT+7)
Nghe lời cán bộ Hội Nông dân tuyên truyền nuôi con đặc sản, thấy có lý anh Nguyễn Thanh Tân (xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dốc vốn mở trại nuôi chim trĩ để mỗi năm thu lãi 300 triệu đồng.
Bình luận 0

Theo anh Tân, trại nuôi chim trĩ của anh lúc cao điểm có đến 1.000 con chim chỉ giống bố mẹ. Mỗi năm xuất bán 5 – 6 lứa chim giống.

Hô biến trại nuôi con đặc sản quí tộc thành “máy in tiền”, anh nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu sống khỏe - Ảnh 1.

Trong trại nuôi chim trĩ của anh Tân. Ảnh: T.Đ

Nuôi chim trĩ dễ mà khó

Trước khi quen biết anh Tân, tôi cũng có một anh bạn nuôi con đặc sản, trong đó có chim trĩ, ở tỉnh Bình Dương. 

Những lần thấy tôi cứ dí mắt vào đám chim trĩ đỏ đực đẹp ma mị trong trại anh rề lại thuyết minh, giống chim trĩ đỏ là loại chim quý, "sản vật tiến Vua". 

Chim trĩ đỏ còn thuộc họ hàng của chim công, chim phượng, thuộc "dòng dõi quý tộc"...

Chả biết ngô khoai ra sao, tôi chỉ thấy giờ nhiều nông dân ở một số địa phương làm trại nuôi chim trĩ, một đặc sản ưa thích của thực khách trong các nhà hàng.

Với anh Tân, anh mở trại nuôi chim trĩ từ 4 năm trước và tới giờ chưa "gãy" một lứa chim trĩ giống nào. Chỉ có thời gian đầu chưa biết ất giáp gì về kỹ thuật nuôi chim trĩ nên ít phần lúng túng.

"Chim trĩ là động vật hoang dã sức đề kháng tốt nên nuôi cũng dễ. Nhưng cái dễ đây là với người biết rồi, chứ tay ngang lúc đầu cũng có phần mệt. Khi đã nắm rõ về đặc tính của chim trĩ thì mới thấy việc nuôi loài chim này dễ hơn các loại gia cầm khác", anh Tân thổ lộ.

Hô biến trại nuôi con đặc sản quí tộc thành “máy in tiền”, anh nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu sống khỏe - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Thanh Tân (xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) kiểm tra chim trĩ giống mới nở. Ảnh: T.Đ

Cụ thể, về kỹ thuật nuôi chim trĩ, mặc dù chim trĩ có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh, ít sử dụng thuốc phòng chống dịch, nhưng định kỳ phải tiêm phòng vắc xin đối với một số bệnh thường gặp, như cúm gia cầm… 

Bên cạnh đó, phải phòng một số bệnh do vi khuẩn, như tụ huyết trùng, cầu trùng, thương hàn, bệnh đường ruột, bệnh phổi…

Về chuồng trại nuôi chim trĩ, anh Tân cho biết, cần đảm bảo môi trường vệ sinh chuồng trại cho sạch sẽ. 

Nếu nhiệt độ ngoài trời quá nóng thì tìm cách hạ nhiệt độ trong chuồng, còn nếu thời tiết lạnh thì phải che chắn chuồng để giữ nhiệt độ.

Theo đó, chim trĩ non nuôi 3 - 4 tháng có thể xuất bán thịt, khoảng 6 tháng thì cho sinh sản. Mỗi năm, chim trĩ sinh sản 2 đợt, mỗi đợt đẻ 50 - 60 trứng. 

Bình quân, chim trĩ nuôi 8 tháng tuổi nặng 1,4 - 1,7kg. Thức ăn của chim trĩ cũng giống như gà, chủ yếu là cám trộn với bắp, gạo, rau xanh…

Hô biến trại nuôi con đặc sản quí tộc thành “máy in tiền”, anh nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu sống khỏe - Ảnh 4.

Trại nuôi chim trĩ của anh Tân còn có bán chim trĩ làm cảnh. Ảnh: T.Đ

Với nuôi chim trĩ sinh sản, người nuôi cũng phải nắm kỹ thuật ghép đôi. 

Thường 1 con trống ghép với 4 con mái là vừa trong ô chuồng tầm 3m2 để tỉ lệ trứng có trống là cao nhất. Chim trĩ có tập tính đẻ trứng xong không ấp, do đó phải cho ấp bằng máy hoặc lấy trứng cho gà ấp.

Anh Tân cũng nhận định, chim trĩ ăn rất ít nên không mất thời gian cho ăn, cũng không tốn nhiều công chăm sóc, nên có thể tận dụng lúc nhàn rỗi làm thêm công việc khác.

Nuôi chim trĩ sống khỏe

Nhận định vậy là do tôi thấy anh bạn ở Bình Dương nuôi chim trĩ có cuộc sống rất dễ chịu. Gần như hôm nào tôi đến chơi cũng thấy anh không bán trứng, con giống, chim thịt thì bán chim trĩ làm cảnh cho thương lái.

Vừa rồi gặp anh Tân, anh cũng cho biết vừa bán lứa chim trĩ giống với số lượng khá lớn. "Tôi vừa xuất bán một lứa chim trĩ giống. Giờ trong trại trống vắng chim hẵn đi", anh Tân bộc bạch.  

Theo anh Tân, do nuôi gối đầu lứa nên mỗi năm anh xuất bán 5 – 6 lứa chim trĩ giống. Mỗi lứa 300 – 400 con chim giống.

Ngoài ra, trong năm anh còn bán chim trĩ thịt, chim trĩ làm cảnh cho người chơi. Với loại chim trĩ làm cảnh, trong quá trình nuôi, chủ trại phải dưỡng lông cho chim để cho mẫu mã đẹp.

Hô biến trại nuôi con đặc sản quí tộc thành “máy in tiền”, anh nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu sống khỏe - Ảnh 5.

Chim trĩ giống trong trại nuôi chim trĩ của anh Tân. Ảnh: T.Đ

Cụ thể, hiện trại nuôi chim trĩ của anh Tân đang xuất bán giá chim trĩ thịt là 200.000 đồng/kg (bán sỉ), và 170.000 – 180.000 đồng/kg (bán lẻ). 

Giá con giống chim trĩ mới nở trung bình 30.000 đồng/con, chim trĩ giống 1 tháng tuổi là 270.000 đồng/con, 2 tháng tuổi là 130.000 đồng/con… Giá chim trĩ làm cảnh là 800.000 – 1 triệu đồng/con.

Ngoài bán chim trĩ cho thương lái trực tiếp, anh Tân còn bán chim trĩ qua mạng xã hội.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) Dương Tấn Linh đánh giá, hiện mô hình nuôi chim trĩ của anh Tân đang cho hiệu quả kinh tế tốt. Mỗi năm anh Tân thu lãi 200 – 300 triệu đồng.

Ông Linh cũng cho biết, những năm qua Hội Nông dân huyện phối hợp Hội Nông dân các xã vận động hội viên, nông dân nuôi con đặc sản, trồng cây đặc sản để phát triển kinh tế. Hiện, một số mô hình trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, như nuôi chim trĩ, nuôi hươu, nuôi chồn hương…

Theo y học cổ truyền, thịt chim trĩ ngoài làm thực phẩm còn được sử dụng như một vị thuốc quý, tính vị ngọt, bình vì giàu Protein và có nhiều nguyên tố vi lượng là thành phần tạo máu có công dụng bổ trung ích khí, tư gan bổ thận, chủ trị tỳ vị hư yếu, chữa biếng ăn... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem