Mao Trạch Đông và bức thư hồi âm vụ tử hình Hoàng Khắc Công

P.X.T Chủ nhật, ngày 22/03/2020 19:31 PM (GMT+7)
Tham gia Hồng quân từ lúc còn ở tuổi thiếu niên, trải qua trận mạc và cuộc vạn lý trường chinh, Hoàng Khắc Công trưởng thành và được bổ nhiệm giữ chức Lữ đoàn trưởng. Cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đều ngợi ca anh là một sĩ quan trẻ, có tài, điển trai và ăn nói có duyên.
Bình luận 0

Theo lời kêu gọi của Hồng quân, nhiều thanh niên tiến bộ, học sinh yêu nước tạm rời ghế nhà trường, tìm đường đến với cách mạng. Đầu tháng 8/1937, một đoàn nữ sinh tới căn cứ Diên An, trong đoàn có Lưu Tây học ở Trường THPT thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây. Cô được biên chế vào Lữ đoàn của Hoàng Khắc Công.

Lưu Tây nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều chàng trai tại đơn vị, trong đó có thủ trưởng Hoàng Khắc Công. Sau một thời gian tìm hiểu, tình yêu của đôi trai tài, gái sắc đã nảy nở. Tuy nhiên, do sự chênh lệch về tuổi tác và sự khác biệt về tính cách nên tình yêu giữa hai người chẳng mấy đã bắt đầu rạn nứt.

img

Mao Trạch Đông.

Khi Hoàng Khắc Công tặng tiền và tặng phẩm, Lưu Tây nói: “Nếu anh thật sự yêu em, anh không nên làm như vậy, anh hãy tặng tiền cho các chiến sĩ ngoài mặt trận... Tình yêu của chúng ta gắn liền với sự nghiệp mà chúng ta theo đuổi... Vận mệnh của Tổ quốc đang đặt trên vai Hồng quân... Anh nên dành tình yêu cho đơn vị và cho đồng bào... Bây giờ tự do yêu đương, không ai có quyền ép buộc...”.

Hoàng Khắc Công vô cùng thất vọng trước sự từ chối khôn khéo của Lưu Tây và ngộ nhận rằng đây là sự sỉ nhục lớn nhất của đời người. Oán trách Lưu Tây thay lòng đổi dạ, nhưng Hoàng Khắc Công vẫn thúc ép cô đồng ý tổ chức lễ thành hôn.

Cô Lưu nghĩ, tình yêu đôi lứa bị ép buộc, miễn cưỡng chắc chắn sẽ không có hạnh phúc nên đã thẳng thắn chối từ, khiến Hoàng Khắc Công càng thêm bực tức. Mù quáng trước tình yêu cuồng nhiệt và đơn phương, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Hoàng Khắc Công là phải giết Lưu Tây.

Tối ngày 5/10/1937, Hoàng Khắc Công hẹn Lưu Tây ra bờ sông tâm sự, hối thúc tổ chức lễ cưới nhưng một lần nữa bị chối từ. Hoàng Khắc Công đã rút súng lục hạ sát người yêu.

Vụ án gây xôn xao dư luận trong khu căn cứ và trong cả nước. Đúng lúc đó, một đoàn đại biểu báo chí nước ngoài đang ở thăm Diên An, việc xét xử vụ án có nguy cơ gây ảnh hưởng đến  dư luận trong và ngoài nước. Các phương tiện truyền thông của Tưởng Giới Thạch cũng nhân cơ hội này lu loa và nói xấu phía Cộng sản.

Về phía chính quyền cách mạng khu căn cứ  Thiểm - Cam - Ninh, đa số người chủ trương phải nghiêm khắc xét xử để duy trì kỷ luật quân đội cách mạng, tuy nhiên một số ít người lại cho rằng: Hoàng Khắc Công là sĩ quan Hồng quân, gắn bó với cách mạng nhiều năm, hơn thế trong  chiến đấu đã lập nhiều chiến công, cần tạo điều kiện cho anh ta lập công chuộc tội.

Bản thân Hoàng Khắc Công cũng hơn một lần gửi đơn lên Tòa án Tối cao và Mao Trạch Đông, trình bày: “Tôi là người đã trải qua quá trình phấn đấu gian khổ, một mực trung thành với đường lối của Đảng, nay nhất thời phạm tội, xin được tha tội chết để được  cống hiến cho Đảng đến hơi thở cuối cùng...”.

Sau khi nhận được thư của Hoàng Khắc Công do Tòa án Tối cao vùng biên khu chuyển lên, ngày 10/10/1937, Mao Trạch Đông đã gửi thư cho Lôi Kinh Thiên, quyền Chánh án Tòa án Tối cao vùng biên khu. Nội dung bức thư như sau:

"Gửi đồng chí Chánh án.

Tôi đã nhận được thư của đồng chí và thư của Hoàng Khắc Công. Trong quá khứ, Hoàng Khắc Công đã có quá trình tham gia chiến đấu rất vẻ vang, nay phải chịu hình phạt cao nhất. Tôi và các đồng chí trong Trung ương đều lấy làm tiếc. Tuy nhiên, đương sự đã phạm tội lớn không thể tha thứ.

Là một đảng viên cộng sản, một sĩ quan của Hồng quân lại có những hành vi tàn nhẫn, thất đức, không giữ được phẩm chất của người đảng viên, người cán bộ cách mạng, nếu giảm nhẹ hình phạt thì không có tác dụng giáo dục trong Đảng, trong quân đội, trong hàng ngũ cách mạng và trong nhân dân. Để giữ vững kỷ luật Đảng và quân đội, với tội ác gây ra, Trung ương và Quân ủy không thể không thi hành kỷ luật Hoàng Khắc Công ở mức độ nghiêm khắc nhất... Mao Trạch Đông. 10/10/1937".

Tiếng súng thi hành án đối với Hoàng Khắc Công diễn ra ngày 11/10 thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp Cách mạng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem