Thế giới du đãng Sài Gòn trước 1975 (kỳ 2): Ngày tàn của Đại Cathay

Thứ ba, ngày 06/06/2017 12:30 PM (GMT+7)
Sau này, khi nhắc về trùm du đãng Đại Cathay, có ý kiến cho rằng, nếu Đại bớt một chút “giang hồ”, thêm một chút trí tuệ, có lẽ y đã trở thành một “bố già”, một dạng mafia theo kiểu Ý. Cứ ngỡ mình là nhất thiên hạ, xem thường mọi thứ trên đời, sống bạt mạng theo bản năng…, Đại Cathay trở thành cái gai trong mắt của một số người, họ buộc phải nhổ bỏ. Cái chết của Đại Cathay từng làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực ở Sài Gòn…
Bình luận 0

img

Sài Gòn thập niên 1960.

Từ chuyện coi trời bằng vung

“Thời ấy, nhiều tướng lĩnh quân đội, cảnh sát vì bất lực cũng có mà vì “đi đêm” với thế giới giang hồ cũng có, họ sẵn sàng dựa vào bọn du đãng để làm hậu thuẫn cho mình. Nhưng chuyện gì cũng có cái ngưỡng của nó.

Sự ngang ngược coi thường luật pháp của Đại Cathay và băng du đãng của hắn ngày càng làm cho những quan chức và cảnh sát ngụy mang tiếng, cảm thấy bối rối.

Với cá tính “cao bồi” của mình, thay vì trị Đại về tội ngông nghênh coi thường pháp luật, tướng Nguyễn Cao Kỳ đã tìm cách chinh phục Đại.

Một lần, tướng Nguyễn Cao Kỳ cho gọi Đại đến gặp và nói giọng bề trên: “Tôi biết anh là người có chí, nhưng luật là luật, anh không thể trốn quân dịch mãi được. Về làm vệ sĩ cho tôi, anh vừa khỏi đăng lính, lại vẫn có quyền hành. Anh cứ suy nghĩ cho kỹ, ba ngày nữa trả lời tôi cũng được”.

Tướng Kỳ vừa dứt lời, Đại Cathay đã trả lời ngay: “Dạ, cảm ơn thiếu tướng đã có thịnh tình chiếu cố. Phiền nỗi tôi đi đâu cũng có cả chục gạc-đờ-co hộ tống, giờ tôi lại làm gạc-đờ-co cho người khác, không lẽ để cho tụi nó thất nghiệp?”.

Tướng Kỳ bị chạm tự ái nhưng vẫn kiềm chế, thuyết phục: “Làm vệ sĩ của tôi, anh là nhân viên công lực của quốc gia, danh giá đâu kém cạnh gì ai? Là quí anh tôi mới bảo thế, chứ nếu cần vệ sĩ tôi đâu thiếu người giỏi”.

Đại Cathay dứt khoát: “Dạ, xin lỗi, tôi không hầu thiếu tướng được…”.

Tướng Kỳ thất bại, đến lượt tướng Sáu Lèo Nguyễn Ngọc Loan - Giám đốc Nha cảnh sát Đô Thành thử thu phục Đại.

Tướng Loan cho mở “Trung tâm bài trừ du đãng” và lập “Biệt đội hình cảnh” được bắn bỏ bất cứ tên du đãng nào nếu chúng gây án và chống lại cảnh sát.

Vừa giương oai, Nguyễn Ngọc Loan vừa muốn thu phục Đại, để qua Đại mà dẹp yên nạn du đãng trên đất Sài Gòn.

Nguyễn Ngọc Loan cho mời Đại Cathay đến Nha Cảnh sát Đô thành và nói: “Tôi sẽ nhận anh vào chức vụ đại úy Phó ty cảnh sát quận 7. Anh được toàn quyền hành động, nhưng phải giúp tôi tiêu diệt hết đám lưu manh du đãng”.

Đại Cathay thẳng thừng từ chối: “Tôi xuất thân du đãng, làm sao có thể quay lưng diệt du đãng được? Nếu tôi nhận lời, du đãng không chém, tôi cũng chết vì thân bại danh liệt”.

Nguyễn Ngọc Loan tiếp tục dằn mặt: “Tôi không ép, nhưng anh phải giải tán băng nhóm, không được lộng hành. Tôi không thể để anh muốn làm gì thì làm!”.

Đại Cathay trả lời: “Giang hồ không có vua, tôi đâu có ra lệnh cho các băng khác được”.

Cuộc gặp kết thúc. Nội dung các cuộc gặp nói trên đã nhanh chóng lan truyền trong giới du đãng và tiếng tăm Đại Cathay càng nổi như cồn trong giới giang hồ vì “dám vuốt râu hùm” Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan.

Đến cái chết của đại uý Trần Kim Chi

Một buổi tối, Đại và đàn em đến vũ trường Olympic để “đập phá”. Như lệ thường, đám cave ùa tới vây lấy Đại và bọn du đãng, vì sợ cũng có mà vì Đại rất hào phóng cũng có.

Một lúc sau, đám lính của tướng Nguyễn Ngọc Loan trong những bộ đồ rằn ri xộc vào, kéo ghế ngồi, nhưng không thấy cô cave nào đến phục vụ. Một tay thiếu úy tên Hải rời khỏi bàn, đến đứng đối diện với Đại Cathay, hất hàm nói: “Sang bớt cho tụi này mấy em chứ, để bên này ngồi không, coi sao đặng?”.

Một cận thần của Đại là Hải “súng” hất mặt nói: “Đâu có được, trâu chậm phải uống nước đục, trách gì?”.

Tay thiếu úy đưa tay vào bụng cố ý làm lộ khẩu súng và nói: “Đừng chơi quê tụi này chớ!”.

“Thịt người tanh không ăn được, đừng doạ nhau, tụi này không thích!”, Hải “súng” trả lời.

Bị khiêu khích, tên thiếu úy Hải xấn tới chụp lấy tay cô cave kéo về phía mình, tuyên bố: “Không thích cũng bắt!”.

Hải “súng” chụp chai Black and White trên bàn ném mạnh vào mặt đối thủ.

Thiếu úy Hải buông cô cave, tránh đòn và móc súng. Đại Cathay hét lên: “Tụi nó chơi súng, rút, tụi bây”.

Một viên đạn trúng vào đầu gối làm Đại gục xuống. Hải “súng” xốc Đại lên bỏ chạy khỏi vũ trường, trong lúc một đàn em khác là Lâm “chín ngón” có giắt súng theo đã đọ súng cầm chân đám lính, hai bên bắn loạn xạ, nhưng vì đèn trong vũ trường vụt tắt, nên không gây thương vong gì thêm. Nhiều đàn em của Đại Cathay bị cảnh sát truy bắt, tống giam.

Thoát chết trước họng súng của cảnh sát, nhiều “chiến hữu” lại bị cảnh sát bắt giam, Đại Cathay như biết điều hơn. Một buổi tối, Đại bao nguyên nhà hàng Paramouth mời đại úy cảnh sát Trần Kim Chi đến dự tiệc.

Đại mở lời: “Nếu đại úy chịu tha một số anh em của tôi vừa bị bắt, chúng tôi sẽ không quên ơn anh…”.

Viên đội trưởng “Biệt đội hình cảnh” cũng thuộc loại ngang tàng, từ chối thẳng thừng: “Ăn nhậu là ăn nhậu, bắt là bắt. Nếu anh mời tôi đến đây là để mặc cả thì coi như tàn tiệc, tôi xin kiếu!”.

Bình thường thì có lẽ máu côn đồ của Đại Cathay sẽ nổi lên, nhưng do đang yếu thế nên Đại vẫn nhỏ nhẹ: “Ồ không không. Nếu đại úy không ưng thuận thì thôi”.

Sau buổi tiệc đó không lâu, đại úy Trần Kim Chi đã bị một chiếc xe chở gỗ bất ngờ đụng ngang qua chiếc xe hơi CV2 của ông ta khi viên đại úy này đang đi công vụ trên xa lộ, làm ông ta chết tại chỗ, chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy mất. Cả giới du đãng Sài Gòn và lực lượng cảnh sát ngụy đều cho rằng chính Đại Cathay đã sát hại đại úy Trần Kim Chi.

img

Đại Cathay và vợ của mình

Ngày tàn của Đại Cathay

Tháng 8.1966, Đại bị mời tới Tổng nha cảnh sát. Đại vẫn nghĩ rằng như bao lần khác, tướng Loan mời hắn đến để thuyết phục, cộng tác. Thế nhưng, tên trùm du đãng đã không thể lường trước tình huống xấu nhất, hắn bị bắt giam.

Ngày 28.11.1966, Đại bị đưa ra giam giữ tại đảo Phú Quốc. Cùng bị lưu đày hải đảo với Đại Cathay có một số giang hồ cộm cán như Bảy “si” (anh vợ Năm Cam sau này), Lâm “chín ngón”, Hải “súng”...

Trên đảo Phú Quốc, Đại và băng nhóm bị nhốt trong “Trung tâm hướng nghiệp” do Nguyễn Ngọc Loan thành lập nhằm bài trừ du đãng.

Gọi là “hướng nghiệp”, nhưng kỳ thực đám du đãng suốt ngày chỉ ngồi đánh mạt chược. Một hôm, đang đánh mạt chược, Đại Cathay bảo: “Gọi “hướng nghiệp” nghe chán thấy mẹ, đặt lại tên cho nó đi!”.

Bác sĩ Nghiệp, một du đãng có học đề xuất: “Bốc đại một con mạt chược, trúng con gì, đặt tên đó”. Đại Cathay quơ được con Cửu Sừng, vậy là “Trung tâm hướng nghiệp Phú Quốc” nghiễm nhiên trở thành “Trại Cửu Sừng”.

Vô tình, “Trại Cửu Sừng" trở thành nơi làm cho bọn du đãng kết tình “huynh đệ” sâu nặng hơn, để sau này khi được thả về đất liền, chúng tiếp tục trở thành những băng nhóm du đãng còn dữ dội hơn trước lúc ra đảo.

“Trại Cửu Sừng” như một con dấu để xác nhận “đẳng cấp giang hồ”, tên nào từng ngồi ở “Trại Cửu Sừng” sau này nghiễm nhiên trở thành đàn anh, được những tên du đãng trong đất liền nể phục, tôn làm đại ca.

Từ khi trở thành trùm du đãng Sài Gòn với cuộc sống đế vương, Đại có nhiều mối tình, nhưng cuộc tình sâu nặng nhất của Đại là với cô gái tên Nhân - con gái chủ tiệm đồ gỗ Đồng Nhân nổi tiếng ở Sài Gòn.

Khi Đại và đám đàn em bị tống ra đảo Phú Quốc, Nhân treo số tiền 1,5 triệu đồng, là số tiền cực lớn lúc đó, cho ai có cách cứu Đại Cathay đem về đất liền.

Món hời này đã được đại tá Long - một sĩ quan thuộc lực lượng Hải quân chỉ huy tàu tuần lưu - nhận giúp đỡ. Kế hoạch vượt ngục được triển khai, theo đó, đám lính gác sẽ làm ngơ cho Đại Cathay và một số đàn em trốn ra khỏi trại. Một xuồng máy chờ sẵn dưới bãi biển để đưa đám tù ra khơi, rồi có tàu hải quân rước Đại về đất liền.

Theo đúng kế hoạch, Đại Cathay và khoảng một chục đàn em vượt ngục. Nửa đêm 7.1.1967, Đại Cathay dẫn cả bọn đàn em đào thoát ra ngoài. Theo sự phân công của Đại Cathay, đám tù trốn trại chia làm hai tốp. Tốp thứ nhất gồm năm tên đi trước để nghi binh. Tốp thứ hai, có Đại Cathay và Hải “súng” chạy theo hướng bờ biển.

Thế nhưng, khi cả hai tốp vừa vọt ra khỏi vòng rào thì phía trại báo động inh ỏi. Tốp thứ nhất bị bắt lại ngay. Đại Cathay và Hải “súng” vội đổi kế hoạch, không xuống bờ biển mà chạy vào khu núi Tượng.

Cùng lúc, có tiếng của nhiều chiếc máy bay trực thăng trên đầu, cùng ánh sáng của hỏa châu. Nhiều loạt đạn từ máy bay bắn xuống, người ta còn nghe nhiều tiếng la hét vọng ra từ rừng sâu. Kể từ đó không ai còn gặp đại Cathay nữa.

Lúc đó, dư luận ở Sài Gòn đặt ra nhiều khả năng về sự biến mất của Đại Cathay, như: Đại đã bỏ mạng vì những loạt đạn lúc nửa đêm trên núi Tượng, rồi rơi xuống vực sâu mất xác; Đại đã trốn thoát rồi vượt biển qua Campuchia, đi luôn ra nước ngoài lánh nạn. Cũng có tin đồn là Đại đã lần về được Sài Gòn và sống ẩn dật với cô vợ tên Nhân…

Sau đó, cái chết của Đại Cathay cũng dần sáng tỏ: Biết không trị nổi Đại Cathay, nhất là sau cái chết của đại úy Trần Kim Chi, tướng Nguyễn Ngọc Loan tìm cách loại trừ Đại. Biết cô Nhân - vợ Đại đang tìm cách tổ chức cho chồng vượt ngục, Nguyễn Ngọc Loan đã chỉ đạo dàn dựng một cuộc vượt ngục như thật, qua đó hạ sát Đại.

Một tiểu đội biệt kích do thiếu úy Trần Tử Thanh chỉ huy, được trực thăng chở từ Sài Gòn ra Phú Quốc thực thi nhiệm vụ. Diệt xong Đại, toán biệt kích dù đắp mộ chôn không để lại dấu vết.

Chính thiếu úy Trần Tử Thanh sau này đã từng huênh hoang khoe với nhiều phóng viên của một số tờ báo ở Sài Gòn trước 1975 rằng chính tay y đã nổ súng hạ gục Đại Cathay.

Hoàng Dũng (Báo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem