Khủng hoảng Qatar cảnh báo hậu quả không ngờ đến

Duy Anh (tổng hợp) Thứ ba, ngày 13/06/2017 10:04 AM (GMT+7)
Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah cảnh báo rằng căng thẳng ngoại giao giữa các nước Arab và vùng Vịnh với Qatar có thể dẫn đến những "hậu quả không mong muốn".
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Qatar  emir Sheikh Tamim Bin Hamad Al-Thani  trong cuộc gặp ngày 21.5.

Quốc vương Sheikh Sabah nêu rõ: "Điều khó khăn là chúng tôi - thế hệ đã gây dựng lên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) 37 năm trước - đang phải chứng kiến những bất đồng giữa các quốc gia thành viên. Căng thẳng hiện nay nếu không được giải quyết thông qua đối thoại có thể đẫn đến những hậu quả không mong muốn". 

Quốc vương Sheikh Sabah hiện dẫn đầu các nỗ lực hòa giải trong tuần này nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao được coi là tồi tệ nhất vùng Vịnh trong nhiều năm qua. Ông Sheikh Sabah tuần trước đã tới thăm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Ngoài việc cắt quan hệ ngoại giao, Ả Rập Xê-út, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ai Cập còn cắt các tuyến vận tải hàng không, đường biển và đường bộ đến Qatar, một nước vẫn tùy thuộc vào việc nhập khẩu hầu hết lương thực cần thiết.

Cũng trong ngày thứ Hai, Qatar khai trương các tuyến vận chuyển hàng hóa mới thông qua các cảng ở Oman. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã vận chuyển lương thực sang Qatar.

Ông Mutlaq al-Qahtani, Cố vấn cấp cao chống khủng bố của Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, cho rằng “chiến dịch phối hợp” chống Qatar nhằm thay đổi “chính sách đối ngoại độc lập” sẽ không có tác dụng. Ông al-Qahtani cũng chỉ trích hành động bóp nghẹt ngoại giao đối với Doha của một số quốc gia vùng Vịnh, coi đó là “chính sách chi phối và kiểm soát”.

Về phía Qatar đã tìm kiếm sự ủng hộ của các nước. Ngoại trưởng Mohamed Ben Abderrahmane đã bất ngờ sang Đức, rồi đến Nga để gặp đồng nhiệm Serguei Lavrov, và điện đàm với ngoại trưởng Mỹ. Phía Đức xác nhận đang diễn ra những cuộc thảo luận với Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Ngoại trưởng Qatar khẳng định với AFP là cuộc khủng hoảng hiện nay không thể biến thành xung đột vũ trang.

Trong khi đó, giới quan sát lại có những cái nhìn khác nhau về cơn địa chấn đang xảy ra ở vùng Vịnh. Theo Firas Abi Ali, chuyên gia phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi của HIS Markit, các nước vùng Vịnh tính toán rằng trong tình trạng bị phong tỏa, Qatar sẽ phải nhượng bộ các yêu cầu của khối Arab bao gồm việc trục xuất các lãnh đạo nhóm Hamas và Taliban cũng như các giáo sĩ trong phong trào Anh em Hồi giáo. Mặc dù Qatar tuyên bố rằng họ vẫn sống khỏe dù bị cô lập, tuy nhiên giới phân tích cho rằng, điều đó chỉ đúng trong một thời hạn ngắn nhất định.

Còn về yêu cầu nhượng bộ của khối Arab, giới quan sát cho rằng, những yêu cầu trên khó mà được thỏa hiệp. Chưa kể đến, việc trong khi các nước vùng Vịnh đang giằng co lẫn nhau thì các tổ chức khủng bố có thể lợi dụng tình hình để thực hiện một vụ đánh bom đẫm máu ở đâu đó tại vùng Vịnh. Khi một vụ tấn công gây nhiều thương vong cho dân thường như vậy diễn ra, mọi mũi dùi sẽ chĩa vào Qatar và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem