Những giả thiết khiến tàu ngầm hạt nhân USS Scorpion nổ tung

Thứ tư, ngày 10/01/2018 10:30 AM (GMT+7)
Đã gần 50 năm trôi qua nhưng chưa hề có thông tin chính thức được công bố, mặc dù có rất nhiều giả thiết được đưa ra.
Bình luận 0

Skipjack được cho là lớp tàu ngầm hiện đại đúng nghĩa đầu tiên của Hải quân Mỹ sau chiến tranh.

Kết hợp 2 đột phá mới - thiết kế thân tàu tốc độ cao và năng lượng hạt nhân - những con tàu này đã trở thành nền tảng cho các tàu ngầm tương lai của Mỹ sau này.

Tổng cộng 6 chiếc tàu ngầm lớp Skipjack đã được chế tạo, bao gồm Skipjack, Scamp, Scorpion, Sculpin, Shark và Snook. Trong đó chiếc Scorpion đã mất tích bí ẩn vào năm 1968.

Tuy nhiên, sự cố tàu ngầm hạt nhân USS Scorpion, mang theo 99 sinh mạng hồi tháng 5/1968 là một trong những tổn thất lớn của Hải quân Mỹ.

Theo trang tin Scout.com của Mỹ, sự cố tàu ngầm tấn công hạt nhân US Scorpion là một trong những bí ẩn lớn nhất của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Khoảng nửa đêm ngày 17.5.1968, con tàu nổi lên mặt nước tại căn cứ tàu ngầm Mỹ ở Rota, Tây Ban Nha để đưa 2 thành viên lên đất liền vì lý do sức khỏe và gia đình có việc gấp. Đây cũng là lần cuối người ta nhìn thấy nó.

img

Tàu ngầm USS Scorpion ngoài khơi New London, Connecticut. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tới ngày 20.5, chỉ huy hạm đội tàu ngầm Đại Tây Dương ra lệnh cho tàu Scorpion, vốn đang chuẩn bị về căn cứ, chuyển hướng theo dõi đội tàu Liên Xô gần quần đảo Canary, ngoài khơi phía tây bắc châu Phi.

Đội tàu này bao gồm 1 tàu ngầm hạt nhân lớp Echo-II, tàu cứu hộ tàu ngầm, 2 tàu khảo sát thủy văn, 1 tàu khu trục và 1 tàu chở dầu. Chúng được cho là đang đo đạc, theo dõi dấu hiệu của các tàu mặt nước và tàu ngầm NATO.

Một ngày sau đó, tàu Scorpion báo cáo qua radio, thông báo vị trí, dự kiến trở về Norfolk vào ngày 27.5. Bản báo cáo nói không phát hiện điều gì bất thường.

Tuy nhiên, con tàu đã không bao giờ trở về nữa. Thiết bị do thám dưới nước của Hải quân Mỹ, vốn được sử dụng để phát hiện tàu ngầm Liên Xô, đã phát hiện ra tiếng nổ lớn dưới biển.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Hải quân Mỹ (USN) đã nhận ra rằng USS Scorpion là nạn nhân của một sự cố cực kỳ bí ẩn, thậm chí sự cố này đến nay vẫn gây tranh cãi bất phân thắng bại.

USS Scorpion chỉ mới hoạt động được 8 năm cho đến khi gặp nạn và vẫn còn tương đối mới theo tiêu chuẩn hiện đại. Theo các thủy thủ đoàn thì tàu ngầm có nhiều vấn đề, kiểu như "già trước tuổi".

Theo bài báo đăng trên tạp chí U.S. Naval Institute Proceedings ấn hành năm 1998, USS Scorpion có tới 109 vấn đề kỹ thuật ngay trong chuyến điều động cuối cùng. Thường xuyên gặp trục trặc "mạn tính" về hệ thống thủy lực, hệ thống thổi khẩn cấp không làm việc, còn hệ van ngắt nước biển cũng liên tục bị trục trặc.

Ngay chuyến ra khơi cuối cùng, tàu bị rò rỉ khoảng 1.500 gallons dầu (tương đương 5.678 lít) ngay sau khi rời khỏi cảng Hampton Roads.

Hai tháng trước khi gặp nạn, hạm trưởng USS Scorpion, Francis Atwood Slattery đã viết báo cáo đề nghị khẩn cấp, xem lại thân tàu, "vì nó liên tục trong tình trạng tồi tệ", van bị rò rỉ khiến tàu chỉ lặn được trên 90 mét nước, chỉ bằng một nửa công suất khi kiểm nghiệm.

Sau ba tháng hoạt động cùng hạm đội 6 tại biển Địa Trung Hải, ngày 20.5.1968, Tư lệnh hạm đội tàu ngầm Đại Tây Dương của USN đã ra lệnh cho USS Scorpion khi đang chuẩn bị trở về căn cứ, thực hiện tiếp nhiệm vụ mới, theo dõi đội tàu của Hải quân Liên Xô đang đồn trú tại quần đảo Canary, ngoài khơi phía tây bắc châu Phi.

Đây là đội tàu gồm một tàu ngầm hạt nhân lớp Echo-II, tàu cứu hộ, hai tàu nghiên cứu thủy văn, một tàu khu trục và một tàu chở dầu đang được cho là theo dõi tàu nổi và tàu ngầm của NATO tại khu vực này.

Giả thuyết USS Scorpion bị nổ tung

img

Vị trí nơi USS Scorpion bị chìm.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Hải quân Mỹ đã thành lập đội công tác đặc biệt để điều tra nguyên nhân tai nạn, và đến nay đã gần 50 năm trôi qua nhưng chưa hề có thông tin chính thức được công bố, mặc dù có rất nhiều giả thiết được đưa ra.

Giả thiết được đại đa số chấp nhận và mang tính thuyết phục hơn cả cho rằng, USS Scorpion là nạn nhân của chính ngư lôi Mk-37. Đây là vũ khí "vận hành nóng", được kích hoạt bất ngờ ngay khi còn đang nằm trong ống phóng.

Một giả thuyết khác là Thiết bị TDU (Trash Disposal Unit), hay thiết bị xả thải đã gặp sự cố nghiêm trọng, vận hành sai làm cho nước biển tràn vào hệ thống điện của tàu ngầm, ước tính khoảng 69 tấn, khiến nó phát nổ.

Một lý thuyết cuối cùng cho rằng USS Scorpion đã trải qua một vụ nổ hydro trong hoặc ngay sau khi sạc điện. Vào thời điểm vụ nổ diễn ra, Scorpion đã ở độ sâu kính tiềm vọng đang ở chế độ hoạt động "Baker", có nghĩa đã đóng kín để nước không vào được.

Đây là một sự cố ít ai ngờ, xảy ra vào giai đoạn khi năng lượng hạt nhân mớ được ứng dụng, con người có ít kinh nghiệm, nên việc đóng kín có thể gây ra sự cố tích tụ khí hydro gây nổ.

Một tia lửa duy nhất từ ắc quy phóng ra cũng có thể làm cho tàu nổ tung. Điều này đã được chứng kiến qua hai vụ nổ đối với tàu ngầm loại nhỏ.

Kiều Phong (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem