"Hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam bị dập cho tơi bời, ai bảo vệ họ?"

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 07/11/2023 17:49 PM (GMT+7)
Dẫn vụ việc của hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam, đại biểu Tô Thị Bích Châu hỏi các bộ Thông tin truyền thông và Bộ VHTTDL giải pháp nào để bảo vệ các cá nhân, tổ chức bị cộng đồng mạng bạo hành.
Bình luận 0

Chiều 7/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) băn khoăn về giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức bị cộng đồng mạng bạo hành. 

"Vụ việc của hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam bị cộng đồng mạng dập cho tơi bời thì ai bảo vệ họ và cách bảo vệ như thế nào hay phải chờ họ khiếu nại, kiến nghị và làm đơn? Với kiểu góp ý xây dựng theo kiểu đập cho chết chứ không phải đập cho chừa thì rất nguy hiểm", đại biểu Tô Thị Bích Châu đặt câu hỏi.

"Hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam bị dập cho tơi bời, ai bảo vệ họ?" - Ảnh 1.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM). Ảnh: Quốc hội

Trả lời đại biểu Tô Thị Bích Châu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tiên phải nói đến câu chuyện thể chế. Hiện nay, việc quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 mà Chính phủ sẽ ký trong 2 tháng cuối năm 2023. Đây là một Nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội trong đó có việc xâm hại đời tư.

Sau thể chế, theo Bộ trưởng TTTT, phải có các thiết chế hỗ trợ người dân. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện Bộ TTTT đã thành lập trung tâm xử lý tin giả, xử lý các thông tin xâm hại người dân ở cấp quốc gia với tên gọi "Trung tâm xử lý tin giả quốc gia", hiện khá nhiều quốc gia cũng làm cách này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúng ta phải thành lập các trung tâm xử lý tin giả ở mức sâu hơn vì hiện nay người dân đưa lên không gian mạng hầu hết các vấn đề của cuộc sống. 

"Chúng tôi cân nhắc và có thể sẽ ban hành trong năm nay các trung tâm xử lý tin giả, hỗ trợ người dân trên không gian mạng cấp tỉnh", ông Hùng nói.

"Hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam bị dập cho tơi bời, ai bảo vệ họ?" - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Quốc hội

Về thực thi pháp luật nghiêm minh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công an xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm, xâm hại, như vụ án mà rất nhiều người quan tâm thời gian qua liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng. Những vụ việc được xử lý nghiêm mình bằng biện pháp hình sự như thế này mang tính răn đe rất cao.

Đánh giá giải pháp căn cơ là xây dựng văn hoá số, ông Hùng nhấn mạnh, không gian mạng là một môi trường hoàn toàn mới. 

"Chúng ta sống trong thế giới thực cũng nhiều chục nghìn năm rồi mà có vẻ vẫn còn rất nhiều vấn đề huống chi chúng ta mới di chuyển ra không gian mạng được cỡ khoảng hơn 20 năm. Tôi nghĩ cần xây dựng văn hoá ứng xử, kể cả đưa vào đào tạo trong chương trình đào tạo phổ thông, lồng ghép vào môi trường công nghệ thông tin", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TTTT đã tạo một nền tảng đào tạo kĩ năng số cơ bản cho người dân tự bảo vệ mình, tăng sức đề kháng, biết cách ứng xử. Nền tảng này dành cho toàn dân, mới ra chưa được 1 năm nhưng đã có hơn 20 triệu lượt truy cập. 

Về vấn đề truyền thông, vị Bộ trưởng đánh giá "không gian mạng hiện nay cái hay bao nhiêu thì tệ nạn cũng tương đương bấy nhiêu", vậy nên cần truyền thông để để người dân biết được những hiện tượng xấu, những bạo hành, xâm hại ở trên mạng mà tránh.

Cùng trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL ) Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua Bộ VHTTDL đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ TTTT để tháo gỡ và ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu độc, ảnh hưởng tới văn hoá, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

"Hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam bị dập cho tơi bời, ai bảo vệ họ?" - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Quốc hội

Ở góc độ văn nghệ sĩ, Bộ VHTTDL đã ban hành văn hoá ứng xử của đội ngũ làm văn hoá nghệ thuật, có hướng dẫn về mặt đạo đức để tổ chức thực hiện. 

Riêng về nội dung có liên quan đến bộ phim Đất rừng phương Nam thì theo quy định của Luật điện ảnh, hội đồng thẩm định phim đã họp và đã xem xét, cấp phép để hoạt động.

"Bộ phim này theo đánh giá của hội đồng thì không vi phạm pháp luật về điện ảnh, còn chuyện dư luận cho rằng có những biểu hiện này, biểu hiện khác thì đó là những dư luận chưa thật chuẩn xác, cần phải xem xét, tính toán để xử lý theo quy định. Nếu có vấn đề xúc phạm, bôi xấu thì theo các quy định hiện hành để xử lý", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem