Hoàng Xuân Vinh đã khiến người Trung Quốc thán phục như thế nào?

Thứ ba, ngày 09/08/2016 05:10 AM (GMT+7)
Cho tới giờ, người hâm mộ ắt hẳn vẫn còn rung động khi nhớ lại hình ảnh xạ thủ gốc Trung Quốc Felipe Almeida Wu (Brazil) vỗ tay theo kiểu “tâm phục, khẩu phục” nhận thua lúc Hoàng Xuân Vinh bắn đạt 10,7 điểm.
Bình luận 0

Người Trung Quốc ngả mũ chào!

Tuy nhiên, “thần thương thủ” nước chủ nhà cùng xạ thủ Pang Wei không chỉ là những người Trung Quốc hiếm hoi thừa nhận Hoàng Xuân Vinh xuất sắc.

Bằng chứng là trong mấy giờ qua, cư dân mạng đang xôn xao về những lời bình của nhiều người Trung Quốc trên mạng xã hội Weibo được trích trong tài khoản Phùng Thị Ngọc Ngoa (chưa được kiểm chứng), khi họ chứng kiến cảnh nhà vô địch Olympic người Việt phải rời nhà thi đấu bằng chuyến xe cuối cùng mà BTC Rio 2016 dành cho giới truyền thông, thay vì đi xe hơi.

img

Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành HCV Olympic 2016.

Khi đăng lên ảnh Hoàng Xuân Vinh trên xe, chủ tài khoản đã bình luận: “Có lẽ do đoàn Việt Nam không nghĩ tới việc giành HCV, sau khi đoạt HCV Olympic môn bắn súng 10m nam, anh Hoàng Xuân Vinh không có xe đưa đón, lặng lẽ trở về trung tâm thành phố bằng chuyến xe truyền thông cuối cùng. Đến khi anh xuống xe các phóng viên mới nhận ra và dành cho anh tràng vỗ tay tán thưởng”.

Ngay lập tức, tài khoản trên trang weibo ấy đã nhận được vô số phản hồi tích cực của người Trung Quốc dành cho xạ thủ Việt, đại khái như:

“Không liên quan đến chính trị, xem ảnh xong thấy xót xa! Đáng được tôn trọng!”.

“Nỗ lực không phân quốc gia, nỗ lực đáng được tôn trọng!”.

“10,7 điểm cuối cùng, quá lợi hại”.

“Tướng mạo rất lương thiện”.

“Vỗ tay cho những "chiến binh" đã nỗ lực trên sàn đấu của Olympic. Chúc phúc, cố lên!”

“Đâu phải cứ quán quân là cần xe đưa đón, nghĩ nhiều quá rồi!”.

“Thể thao không biên giới, chúc mừng anh!”.

“Mẹ kiếp đây mới là quán quân thực sự, thật lòng chúc phúc cho anh! Lũ người lòng dạ hẹp hòi đi chết đi!”.

“Người tường thuật trực tiếp của Trung Quốc còn nói, những tuyển thủ khác của Trung Quốc đều dùng các loại kính chuyên dụng để thi đấu, nhưng Hoàng Xuân Vinh không hề có những thiết bị chuyên dụng để hỗ trợ, thật là cừ đó mà!”.

Kỳ tích song hành cùng chiến lược

Sở dĩ phải đề cập riêng tới nhận xét của người Trung Quốc giữa lúc truyền thông quốc tế đã tán dương Hoàng Xuân Vinh bằng mọi lời có cánh bởi trong thể thao, khuất phục đối thủ theo kiểu như xạ thủ Việt vừa thực hiện vẫn là chuyện xưa nay hiếm.

img

Bức ảnh Hoàng Xuân Vinh trên xe khiến người hâm mộ Trung Quốc xúc động.

Thế nhưng, Hoàng Xuân Vinh đã làm được. Nguyên nhân chính là ở chỗ kết hợp hoàn hảo giữa tài năng, bản lĩnh và kinh nghiệm để vượt qua thời điểm then chốt. Đơn giản là do trên thực tế, Felipe Almeida Wu không tự thua!

Hoàng Xuân Vinh xứng đáng được vinh danh chính là vì vậy. Đặc biệt khi nhiều người Việt ắt hẳn đã cảm thấy tuyệt vọng thay cho anh, lúc chứng kiến xạ thủ chủ nhà bảo vệ ưu thế hơn 0,2 điểm thật xuất sắc với phát đạn đạt 10,1 điểm.

Thế nhưng, với riêng thể thao Việt Nam, kỳ tích Hoàng Xuân Vinh còn mang ý nghĩa khác lớn lao hơn. Trước hết, dễ thấy nhất là chiếc HCV của anh đảm bảo cho lần xuất quân này hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vượt cả dự kiến.

Điều này sẽ giải tỏa áp lực cho các đồng đội của anh để nếu họ không chấn thương và thêm chút may mắn, Đoàn TTVN hoàn toàn có thể tận hưởng thêm niềm vui tại Rio 2016.

Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là kỳ tích này còn là cơ hội để thể thao Việt Nam xác định rõ hơn chiến lược đào tạo thi đấu đỉnh cao. Vì ngoại trừ trang bị không bằng đối thủ như chính người Trung Quốc thừa nhận xạ thủ của họ đeo kính xịn hơn, Hoàng Xuân Vinh không gặp bất lợi nào về thể hình khi bước ra trường bắn.

Đấy là môi trường thi đấu công bằng đúng theo nghĩa đen mà chẳng phải VĐV nào của Việt Nam cũng có được. Nói cách khác, muốn có thành tích tại Olympic và SEA Games, thể thao Việt Nam không thể áp dụng cùng một công thức, mà cần có chiến lược hợp lý và chi tiết hơn.

Điều thú vị là chính Trung Quốc xứng đáng được xem như tấm gương để chúng ta tham khảo: Họ từng có thời èo uột, nhưng hiện thuộc Top 3 huy chương ở 4 kỳ Olympic gần đây.

Hãy bỏ qua nghi vấn doping, đà tiến của Trung Quốc để lộ những chi tiết đáng chú ý: Đa số huy chương và HCV đến từ các môn nhảy cầu, TDDC, cử tạ, bóng bàn, bắn súng, cầu lông và bơi lội…

Dễ thấy đấy đều là những môn cá nhân và không đặt nặng yêu cầu thể hình. Nhưng có hề gì, chưa kể mỗi VĐV có khả năng đem về 1 hoặc nhiều huy chương lại càng tốt. Bên cạnh đó, số nữ VĐV Trung Quốc bước lên bục vinh quang có phần nhỉnh hơn…

Ngược lại, bóng đá không được đầu tư nhiều, chí ít là mãi đến gần đây, khi Trung Quốc đã ổn định vị thế của một cường quốc thể thao. Điều này có thể hiểu là trong thể thao đỉnh cao, chỉ cần có huy chương là thành công, miễn sao đừng doping là được. Và sau khi thành công rồi, tầm mắt và tham vọng mới hướng ra xa hơn.

Bởi vậy mới cần có chiến lược cho từng thời kỳ. Hơn nữa, chẳng phải khoa học từng kết luận là nếu chạy cự ly ngắn, người da vàng không thể so với dân da trắng hay da đen đó sao. Đấy là vấn đề di truyền, nên nếu muốn kiếm huy chương Olympic nhiều hơn nữa, TTVN cần phải biết ưu tiên hơn cho những môn hợp với sở trường.

Kỳ tích Hoàng Xuân Vinh chỉ là lời khẳng định cụ thể và mới nhất.

Minh Châu (Webthethao)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem