10 sự kiện tam nông nổi bật năm 2013

Thứ bảy, ngày 28/12/2013 07:49 AM (GMT+7)
Tổ chức thành công Đại hội VI Hội NDVN; Tôn vinh 62 nông dân Việt Nam xuất sắc; Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết tam nông... là những sự kiện tam nông nổi bật năm 2013.
Bình luận 0
Tổ chức thành công Đại hội VI Hội NDVN

Từ 30.6 đến 3.7, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018 diễn ra trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). 1.169 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 10 triệu cán bộ, hội viên cả nước về dự. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên khai mạc. Với chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng Hội NDVN vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp ND trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM”, đại hội đã thảo luận, thông qua nghị quyết với 11 chỉ tiêu chủ yếu, thông qua Điều lệ Hội NDVN sửa đổi…


Tôn vinh 62 nông dân Việt Nam xuất sắc


Chủ tịch Trung ương Hội ND Việt Nam Nguyễn Quốc Cường trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013 cho 62 nông dân.
Chủ tịch Trung ương Hội ND Việt Nam Nguyễn Quốc Cường trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013 cho 62 nông dân.

Năm 2013, năm đầu tiên T.Ư Hội NDVN chỉ đạo tổ chức bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Báo Nông Thôn Ngày Nay được giao thực hiện. Ngày 15.10, Lễ tôn vinh và trao danh hiệu cho 62 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự. T.Ư Hội chỉ đạo, việc bình chọn, tôn vinh “Nông dân xuất sắc” sẽ được tổ chức hàng năm.

Tổng kết 10 năm thực hiện ủy thác vay vốn chính sách

Năm 2013, T.Ư Hội NDVN tổng kết 10 năm (2003-2013) thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. 10 năm thực hiện chương trình ủy thác với Ngân hàng CSXH, các cấp hội đã xây dựng và quản lý hơn 69.100 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 2,4 triệu thành viên với tổng dư nợ các chương trình tín dụng hơn 37.990 tỷ đồng…

Lần đầu tiên đưa nông dân sang Đức thực tập

Nằm trong chương trình hợp tác giữa Hội NDVN và Hội ND Đức, đầu tháng 8.2013, 7 thực tập sinh là cán bộ hội ND, chủ trang trại đã lên đường sang lao động, học tập tại các trang trại trồng trọt, chăn nuôi của Cộng hòa Liên bang Đức. Sau 4 tháng lao động và học tập, 7 thực tập sinh được đánh giá với kết quả giỏi, khá bởi Cơ quan Nông nghiệp quốc tế. Nhiều kiến thức, kinh nghiệm học được, các thực tập sinh sẽ áp dụng và chuyển giao cho ND Việt Nam.

Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết tam nông

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông, Ban chỉ đạo đã có đánh giá sơ bộ và thống nhất về sự đổi thay tích cực ở nông thôn. Theo Ban chỉ đạo, có 93,1% tổng số xã đã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM, 79,2% số xã lập xong đề án xây dựng NTM. Các địa phương đã huy động được trên 105.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2013 ước đạt khoảng 19,97 triệu đồng/năm, gấp 2,18 lần năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn chỉ còn 12,6%, giảm bình quân 2%/năm so với năm 2008.

Ký chương trình phối hợp với nhiều Bộ, ban, ngành

Năm 2013, T.Ư Hội NDVN đã ký nhiều chương trình phối hợp với các cơ quan thực thi chính sách nhằm đẩy mạnh liên kết, giải quyết các vấn đề của nông dân theo chuyên đề. Cụ thể: Phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQVN, trong đó chú trọng giám sát các vấn đề cấp cơ sở; phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động “Nông dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; phối hợp với Ủy ban Dân tộc về vận động nông dân các dân tộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng NTM giai đoạn 2013-2020; phối hợp với Ủy ban Thi đua Khen thưởng T.Ư về “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước... giai đoạn 2013-2018”.

Cơ hội cho nhiều hàng nông sản Việt Nam vào Mỹ sau Hiệp định TPP

Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (ngày 25.7.2013), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack đã có buổi gặp gỡ và trao đổi nhiều vấn đề về thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước, đặc biệt hai bên đã thống nhất sẽ tích cực tham gia đàm phán Hiệp định TPP (Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương) để tăng cường hơn nữa quan hệ về nông sản giữa hai nước. Nếu TPP được thông qua, nhiều loại trái cây nhiệt đới của nước ta như nhãn, vải, xoài, thanh long, vú sữa, bưởi... sẽ rộng cửa vào Mỹ khi thuế xuất đối với các loại trái cây Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ sẽ được giảm về mức 0%.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 0,7%

Dù kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp chỉ tăng hơn năm 2012 một chút, song có thể nói đây cũng là năm thành công đối với lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh nền kinh tế trong nước nói riêng và kinh tế thế giới nói chung vẫn đang trong tình trạng suy giảm. Kim ngạch xuất khẩu của 3 mặt hàng chủ lực là gạo, cà phê và cao su đồng loạt giảm, đặc biệt xuất khẩu gạo giảm tới gần 1,5 triệu tấn so với năm 2012 do nhiều thị trường bị thu hẹp. Trái lại, xuất khẩu hạt điều, tiêu, sắn, rau quả, gỗ, đặc biệt là thủy sản vẫn tăng, từ đó giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ổn định ở mức xấp xỉ 27,47 tỷ USD.

Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Ngày 10.6.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đề án này, ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành từ 2,6-3%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và từ 3,5-4%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Nâng cao thu nhập cho người nông dân gấp 2,5 lần so với năm 2008. Nâng số xã đạt đủ tiêu chí nông thôn mới lên 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020. Đề án cũng đặt mục tiêu duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa ổn định ở mức 45 triệu tấn/năm. Mở rộng diện tích trồng ngô để nâng sản lượng ngô hạt đạt 8,5 triệu tấn/năm.

Việt Nam hứng chịu 19 cơn bão và áp thấp

Năm 2013, Việt Nam hứng chịu 15 cơn bão và 4 cơn áp thấp nhiệt đới. Ngoài gây thiệt hại về người, các cơn bão số 8, 9, 10, 11 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp, hàng chục nghìn ha cây cao su ở miền Trung đã bị gãy đổ. Hàng vạn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi. Diện tích hoa màu, thủy sản bị thiệt hại cũng lên tới vài chục nghìn ha. Ước thiệt hại chỉ riêng 2 cơn bão số 10 và 11 đã lên tới trên 13.500 tỷ đồng. Ngoài chịu ảnh hưởng của bão, năm 2013, nạn hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Trung, ĐBSCL, Tây Nguyên... cũng gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người nông dân.
NTNN bình chọn (NTNN bình chọn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem