Chấm chung khảo cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam”: Mỗi tác phẩm là một “bức điêu khắc” đẹp

Việt Tùng Thứ ba, ngày 30/09/2014 06:00 AM (GMT+7)
Chiều 29.9, Ban Giám khảo Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” trên Báo Nông Thôn Ngày Nay (2013-2014) đã tiến hành chấm chung khảo cho các tác phẩm của các tác giả đã lọt vào vòng chung khảo. Kết quả, có 12 tác giả tiêu biểu có những tác phẩm xuất sắc đoạt các giải thưởng của cuộc thi.
Bình luận 0

Đa dạng về tác giả và nhân vật

Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần đầu tiên do Báo NTNN phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền tổ chức, được phát động từ tháng 10.2013 và kết thúc nhận bài dự thi vào tháng 9.2014. Sau gần 1 năm, Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 tác phẩm và đã có 51 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn đăng tải trên báo NTNN, cùng gần 100 tác phẩm khác đăng tải trên báo điện tử Dân Việt của Báo NTNN.

Nhà báo Phan Huy Hà- Phó Tổng Biên tập Báo NTNN, Phó Trưởng ban Giám khảo cuộc thi đánh giá, cuộc thi lần này khá thành công khi thu hút được nhiều cây bút cả chuyên và không chuyên từ mọi miền Tổ quốc gửi bài tham dự. Trong số 51 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, ngoài những tác phẩm do phóng viên Báo NTNN thực hiện, còn có rất nhiều các bài viết của các nhà báo đến từ các báo, đài trung ương và địa phương. Đặc biệt cuộc thi có sự tham dự của rất nhiều nhà thơ, nhà văn, các hội viên Hội Nhà văn thuộc các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật các địa phương… Ngoài ra, Ban tổ chức còn nhận được các bài viết của những nông dân viết về nông dân. Có thể nói, mỗi tác phẩm dự thi là một “bức điêu khắc” đẹp, thể hiện tổng thể nhưng cũng rất rõ nét, đầy đủ về một nhà nông với quá trình làm giàu trên ruộng đồng, trang trại... cùng những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Qua cuộc thi đã có nhiều tác phẩm tốt về chân dung các nông dân điển hình, như: Nhãn Ido của Út Hiện; Ông Phụ sáng chế; Rong ruổi dưới những cánh ong mật; Nơi biên cương nở thắm hoa hồng; 9x chinh phục… đông trùng hạ thảo...

Cuộc thi có nhiều ý nghĩa

Tại buổi chấm giải chung khảo chiều qua, các thành viên Ban Giám khảo đều đánh giá cao việc tổ chức cuộc thi này, coi đây như một sáng kiến tốt để phát hiện những gương nông dân điển hình trong xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, đặc biệt là biết làm giàu cho cả quê hương và bản thân. Nhà văn, nhà báo Văn Chinh - thành viên Ban Giám khảo nhận xét: “Có thể tự hào nói rằng, diện mạo công nghiệp hóa đất nước đã rõ hình hài là nhờ nền tảng nông nghiệp; mấy năm qua, kinh tế thế giới suy thoái, mà ở Việt Nam, sự suy thoái không gây ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh đất nước, là nhờ nền tảng nông nghiệp vẫn vững vàng, tăng trưởng chậm nhưng chắc chắn, cơ bản. Cuộc thi viết bút ký, ghi chép của Báo NTNN mang tên “Tự hào Nông dân Việt Nam” ra đời trong hoàn cảnh như vậy, nó rất đáng được mang tên như thế”.

Nhà báo Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo đã đánh giá cao những tác phẩm lọt và không lọt vào chung khảo: “Tôi đã từng tham gia chấm giải ở nhiều cuộc thi khác nhau, nhưng đây là một cuộc thi có chất lượng tác phẩm tốt, số lượng tác phẩm dự thi cao, nêu được nhiều gương người tốt việc tốt với các bút pháp khác nhau của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên chuyên và không chuyên về nhiều lĩnh vực của đời sống nông dân”.

Phát biểu kết luận buổi chấm chung khảo cuộc thi, nhà báo Lưu Quang Định- Tổng Biên tập Báo NTNN, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Cuộc thi viết lần này của Báo NTNN là một trong những hoạt động của Chương trình Bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014. Mục đích của cuộc thi là để tìm tòi, phát hiện những nhân tố mới, điển hình về làm giàu từ nông nghiệp.

Kết thúc buổi chấm giải, Ban Giám khảo đã quyết định trao 12 giải thưởng cho các tác giả. Theo kế hoạch, lễ trao giải diễn ra ngày 7.10 tại Hà Nội.

  Các giải thưởng của cuộc thi viết

- 1 giải Nhất: Tác phẩm “Nhãn Ido của Út Hiện” - tác giả: Nhà văn Phạm Thị Toán (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Đồng Tháp). 
- 2 giải Nhì: “Rong ruổi dưới những cánh ong mật” - nhà báo Nguyễn Xuân Tuấn (Hà Nội); “Ông Phụ sáng chế” - nhà báo Trần Văn Hòe (Báo NTNN).
- 3 giải Ba: “Nơi biên cương nở thắm hoa hồng” - nhà báo Nguyễn Văn Phúc (Báo Sài Gòn Giải Phóng); “Một đời theo cây lúa” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Cần Thơ); “Kiếm tiền tỷ giữa vùng cát trắng” - nhà báo Phan Thanh Phương (Báo NTNN).
Ngoài ra, Ban Giám khảo cũng trao 6 giải Khuyến khích cho các tác phẩm: “Thổi hồn cho từng thớ gỗ” (Mè Quang Thắng); “Tỷ phú cá chình Đất Mũi” (Nhật Hồng); “Trái ngọt trên đất phèn miệt rừng U Minh Hạ” (Phù Sa Lộc); “Trồng chuối xây nhà lầu, mua xe hơi” (Nguyễn Văn Công); “9x chinh phục… đông trùng hạ thảo” (Ngọc Minh); “Ông Lới cứu tàu” (Ngọc Vũ).
Nhà báo Hữu Thọ - Trưởng Ban Giám khảo: Các nhân vật đều rất điển hình

Theo nhà báo Hữu Thọ, việc viết chân dung người tốt việc tốt là rất khó. Cuộc đời của những con người này phần lớn đều trải qua rất nhiều gian nan với những cung bậc khác nhau của cuộc sống. Song trong khuôn khổ một bài báo với chỉ 1.600 từ thì rất khó để các tác giả thể hiện hết về nhân vật mà mình viết. Có thể gương này viết tiểu thuyết thì hay, còn gói gọn trong 1.600 từ thì chỉ dừng lại ở mức trung bình, vì vậy đòi hỏi tác giả phải truyền tải làm sao để bạn đọc, Ban Giám khảo hiểu được là điều không phải dễ. Tác phẩm hay là hay ở chi tiết, nếu tác phẩm càng có nhiều chi tiết “độc” thì sẽ càng lôi cuốn người đọc. 

Nhà báo Hữu Thọ góp ý: Thời gian tới cuộc thi nên thay đổi một số tiêu chí cho phù hợp như có thể tăng số từ lên 2.000 - 2.200 từ/bài hay ngoài viết về chân dung nông dân, cần mở rộng thêm đề tài viết về các sự kiện, hiện tượng thời sự, như vậy cuộc thi sẽ bao quát và rộng rãi hơn.

Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa - thành viên Ban Giám khảo: 
Duy trì cuộc thi để cổ vũ bà con 


Tôi thấy Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” là một sáng kiến rất hay nhằm phản ánh, tôn vinh những tấm gương sáng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, qua đó tạo điều kiện động viên bà con có thể vượt khó, làm giàu trên chính đất quê mình. Cuộc thi này, tôi nghĩ nên mở thường xuyên và sau kết quả có thể xuất bản thành những cuốn sách như một tài liệu để bà con nông dân có thể tham khảo cách làm ăn. Bà con đọc cuốn sách đó không phải thưởng thức văn chương hay báo chí, mà là học hỏi kinh nghiệm, tham khảo làm ăn của những người “mở đường”, có thể đứng lên, tạo dựng sự nghiệp. Vì thế, có thể nói đây là một cuốn sách công cụ rất hữu ích cho bà con nông dân.

Tôi cho rằng, các tác phẩm lọt vào chung khảo trong cuộc thi viết lần này đúng là những tác phẩm xuất sắc nhất. Điều đó chứng tỏ Ban Tổ chức đã làm việc nghiêm túc, công tâm và nhận định chính xác. Tuy thế, tôi thấy chất lượng của 51 tác phẩm vào chung khảo là khá đồng đều, không chênh nhau cao, thậm chí xêm xêm nhau. Ưu điểm lớn nhất của các tác phẩm vào vòng chung khảo là phát hiện được vẻ đẹp của những tấm gương điển hình, phản ánh khá sinh động, nhiều bài viết khá sắc sảo. Tuy vậy, tôi thấy cách viết của các tác giả còn chưa có sự bứt phá, có nét riêng…
P.V (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem